Giải "bài toán" xuất khẩu nhóm hàng nông sản

Giải "bài toán" xuất khẩu nhóm hàng nông sản

Thứ ba, 24/03/2015, 14:09 GMT+7

Những tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản có dấu hiệu sụt giảm. Điều đáng nói, vấn đề mất mùa được giá, được mùa mất giá đã trở thành nỗi lo thường trực đối với nhóm ngành truyền thống của nước ta. Chính vì vậy, việc giải “bài toán” xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đòi hỏi những giải pháp và chiến lược lâu dài.

Đi tìm nguyên nhân sụt giảm kim ngạch

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

 

2 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) nhóm hàng nông, lâm, thủy sản đã giảm 5,9% so với cùng kỳ. Đây là quy luật chung của mọi năm hay còn nguyên nhân sâu xa từ những hạn chế nội tại của chính nhóm hàng này?

Thời gian qua, dư luận rất quan tâm đến việc liên tục những tháng đầu năm, hàng loạt những nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như gạo, cà phê, thủy sản... gặp khó. Đây có phải là quy luật bình thường của nhóm hàng này không, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu năm 2015, KNXK nhóm hàng nông, lâm, thủy sản đạt 3,67 tỷ USD, giảm 5,9% so với cùng kỳ. Sự sụt giảm nêu trên chủ yếu là do KNXK của nhiều nhóm hàng, đơn cử như thủy sản giảm 14,6% về kim ngạch; cà phê giảm 30,5% về lượng và 22,1% về kim ngạch; gạo giảm 37,3% về lượng và 38,6% về kim ngạch; cao su tuy tăng 30,7% về lượng nhưng lại giảm 10% về kim ngạch do giá xuất khẩu vẫn đang trong xu hướng giảm từ đầu năm 2014 đến nay.

Nguyên nhân chủ yếu gây nên sự sụt giảm này là do tháng 2/2015 trùng với thời điểm Tết Nguyên đán nên thời gian hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp giảm gần một nửa so với các tháng khác, kéo theo hiện tượng sụt giảm KXNK. Sự sụt giảm của nhóm hàng nông, lâm, thủy sản cũng tương tự như sự sụt giảm của các nhóm hàng hóa khác trong 2 tháng đầu năm. Đây cũng là một xu hướng thông thường hàng năm khi đến thời điểm Tết Nguyên đán.

Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ toàn cầu trong các tháng đầu năm đối với nhóm hàng nông, lâm, thủy sản vẫn còn thấp, kéo theo mức giá xuất khẩu giảm. Nguồn cung từ các nước cạnh tranh với nước ta cũng đang ngày càng tăng tạo nên sự cạnh tranh gay gắt. Đặc biệt, việc các quốc gia tiếp tục tăng cường đưa ra nhiều rào cản kỹ thuật và thương mại cũng như đưa ra yêu cầu chất lượng ngày càng khắt khe hơn đối với hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam cũng là những nguyên nhân gây nên sự sụt giảm này. Ngoài ra, nhiều nguyên nhân khách quan khác như sự bất lợi của thời tiết (tình trạng hạn hán kéo dài hay tình trạng mưa nhiều với độ ẩm cao ở khu vực Tây Nguyên và Đông - Tây Nam bộ) cũng tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển gây hại, làm sụt giảm lượng hàng xuất khẩu cũng như làm giảm năng suất và chất lượng của một số mặt hàng nông sản chủ lực như gạo, cà phê, rau quả...

Theo thông lệ hàng năm, xuất khẩu sẽ có xu hướng tăng dần vào các tháng giữa và cuối năm, do đó hoàn toàn có thể hy vọng KNXK nhóm hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam trong năm 2015 vẫn có khả năng đạt được kết quả như kế hoạch đã đặt ra.

Thanh long - mặt hàng có kim ngạch cao nhưng hay bị ép giá
Thanh long - mặt hàng có kim ngạch cao nhưng hay bị ép giá

Nông, lâm, thủy sản là nhóm hàng xuất khẩu truyền thống của nước ta. Hàng loạt những mặt hàng của Việt Nam như gạo, thanh long, thủy, hải sản... đều có KNXK rất cao, trong đó có nhiều mặt hàng liên tục đứng đầu thế giới. Tuy nhiên, những mặt hàng này lại luôn bị ép giá. Theo Thứ trưởng, nguyên nhân có bắt nguồn từ vấn đề xây dựng thương hiệu?

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Trong những năm gần đây, các sản phẩm nông, lâm, thủy sản xuất khẩu đã có đóng góp quan trọng trong tổng KNXK của cả nước, góp phần ổn định tiêu thụ hàng hóa và nâng cao thu nhập, đời sống của người nông dân. Một số mặt hàng của Việt Nam đã có những thành tích đáng ghi nhận, hiện đang chiếm giữ vị thế cao trên thị trường thế giới như hạt điều, hạt tiêu (đứng thứ nhất); gạo, cà phê (đứng thứ hai); chè (đứng thứ sáu)…

Mặc dù có lợi thế lớn nhưng thời gian qua vẫn xảy ra hiện tượng các sản phẩm nông, lâm, thủy sản của Việt Nam bị ép giá. Nguyên nhân có thể do tình trạng cung vượt cầu như đối với mặt hàng gạo, hoặc do ngày càng gia tăng các mặt hàng tương tự về chủng loại có khả năng thay thế như đối với thủy sản, đặc biệt là cá tra hay do đặc tính thời vụ cao, việc thời gian thu hoạch và vận chuyển được thực hiện trong một thời gian ngắn, dễ gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm như một số loại trái cây (vải, dưa hấu, thanh long…).

Tuy nhiên, công tác xây dựng thương hiệu phải được chú trọng và quan tâm hơn nữa, góp phần tránh hiện tượng bị ép giá. Hiện nay, công tác xây dựng, phát triển thương hiệu chưa được doanh nghiệp nhận thức đầy đủ và triển khai hiệu quả. Đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc hàng hóa của Việt Nam chưa được nhiều người tiêu dùng trên thế giới biết đến, vị thế trong thương mại quốc tế của hàng hóa cũng vì thế mà thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh.

Ngoài nguyên nhân từ nhu cầu thị trường sụt giảm, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, bản thân ngành nghề nông, lâm, thủy sản của nước ta vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết như: Chất lượng chưa đồng đều; chưa xây dựng được thương hiệu bền vững… Đây là những nguyên nhân sâu xa cần sớm được giải quyết, đặc biệt trong thời điểm Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới.

Nhiều ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến KNXK nhóm hàng nông, lâm, thủy sản chưa bền vững là nông dân vẫn có thói quen tự phát trong nuôi trồng, sản xuất chứ không theo quy hoạch. Thứ trưởng nhận định thế nào về vấn đề này?

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Thời gian qua, chất lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam cũng đã có nhiều tiến bộ, tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm đã qua chế biến bắt đầu gia tăng. Tuy vậy, xét về tổng thể, năng lực cạnh tranh của các mặt hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu vẫn chưa được cải thiện nhiều. Bên cạnh đó, chất lượng một số sản phẩm xuất khẩu chưa cao, không đồng đều, chưa đa dạng về chủng loại… dẫn đến sự phát triển xuất khẩu chưa bền vững. Chất lượng sản phẩm là nhân tố then chốt, quyết định giá cả và thị trường đầu ra của các sản phẩm nông, lâm, thủy sản; do đó, việc chưa đáp ứng được những yêu cầu về chất lượng khiến các sản phẩm của Việt Nam giảm sức cạnh tranh.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do việc nuôi trồng, đánh bắt, thu hoạch, sản xuất hiện nay được thực hiện một cách phân tán, tự phát với quy mô nhỏ lẻ, manh mún, thậm chí phá vỡ quy hoạch, dẫn đến việc khó có thể kiểm soát được chất lượng đầu vào và đầu ra của sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Bên cạnh đó, khâu quản lý chất lượng sản phẩm cũng như nâng cao năng lực chế biến, xử lý sau thu hoạch cũng chưa thực sự được chú trọng trong thời gian qua. Điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng của sản phẩm.

 

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

 


Người viết : Phương Lan - Baocongthuong