Giảm phát khí thải trong sản xuất lúa

Giảm phát khí thải trong sản xuất lúa

Thứ tư, 06/05/2015, 14:21 GMT+7

“Nâng cao hiệu quả và giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa tại các tỉnh ĐBSCL” là chủ đề của Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp lần thứ 5.2015, do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang tổ chức ngày 5.5 tại Hậu Giang.

Lượng phát thải rất lớn

ĐBSCL có diện tích đất trồng lúa 1,85 triệu ha, hàng năm sản xuất hơn 50% sản lượng lương thực của cả nước và cung cấp hơn 92% sản lượng gạo xuất khẩu. Tuy nhiên, sản xuất lúa là nguồn phát sinh khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Tại Việt Nam, ngành nông nghiệp tạo ra khoảng 43% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính (khoảng 65/150 triệu tấn CO2 mỗi năm). Trong đó, khu vực trồng lúa nước có lượng phát thải lại chiếm tỷ trọng cao nhất 57%.

TS Phan Huy Thông (thứ 3 từ phải qua) cùng các đại biểu tham quan mô hình sản xuất áp dụng 3 giảm, 3 tăng.
TS Phan Huy Thông (thứ 3 từ phải qua) cùng các đại biểu tham quan mô hình sản xuất áp dụng 3 giảm, 3 tăng.
Ông Lê Văn Đời – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang cho biết: “Do tập quán canh tác lúa thâm canh 3 vụ liên tục/năm nên đất không có thời gian nghỉ ngơi, liên tục ngập nước. Lượng giống sử dụng khá cao, trung bình 200kg/ha nên người dân bón lượng phân cao hơn khuyến cáo. Việc sử dụng thuốc hóa học bừa bãi, không tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” gây ra vấn đề ô nhiễm môi trường”.

Theo TS Phan Huy Thông – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia: “Thực trạng sản xuất lúa hiện nay là giá thành sản xuất lúa cao hơn giá bán thị trường nên lợi nhuận thu được rất thấp do chi phí đầu tư quá cao cho phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và lao động. Tập quán sản xuất lúa truyền thống gây ra lượng phát thải lớn, đặc biệt là khâu tưới nước ngập thường xuyên, bón phân quá nhiều và mất cân đối”.

Giảm chi phí, tăng hiệu quả

Ông Lê Văn Đời
 
"Cần nghiên cứu chế phẩm phân hủy chất hữu cơ trong điều kiện ngập nước không tạo ra khí nhà kính để phù hợp với điều kiện canh tác của nông dân hiện nay. Bên cạnh đó, cần đầu tư hỗ trợ mô hình cơ giới hóa vào trong sản xuất như: Máy san bằng mặt ruộng bằng tia laser, máy cuộn rơm, máy băm rơm."
Mục đích của diễn đàn nhằm thông tin cho bà con những kết quả nghiên cứu và mô hình điển hình, để bà con hiểu rõ hơn về những chủ trương và thực tế, cơ sở khoa học đã làm được, giảm được chi phí đầu vào, giảm khí thải nhà kính trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn. “Trên cơ sở ý kiến của bà con thì các cơ quan quản lý nhà nước sẽ có những suy nghĩ, đề xuất để nhân rộng những mô hình thành công, tạo thành nếp canh tác mới, nâng cao hiệu quả và giảm phát khí thải” – TS Phan Huy Thông thông tin.

Tại diễn đàn, các đại biểu, nhà khoa học đề xuất một số định hướng như: Ứng dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến theo hướng tiết kiệm nước và chi phí đầu vào; thu gom, tái sử dụng và xử lý triệt để rơm rạ nhằm hạn chế tối đa việc đốt, vùi gây phát thải khí nhà kính và gây ô nhiễm môi trường; ứng dụng các biện pháp kỹ thuật nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...

TS Chu Văn Hách – Trưởng bộ môn Phân bón và kỹ thuật canh tác, Viện Lúa ĐBSCL, đề xuất: “Để thực hiện mục tiêu giảm phát thải, một số biện pháp kỹ thuật được khuyến cáo như: Sử dụng chất điều tiết quá trình chuyển hóa, thay đổi dạng đạm, sử dụng hiệu quả phế phẩm nông nghiệp, sản xuất khí sinh học, ứng dụng kỹ thuật tưới theo nông-lộ-phơi, quản lý dinh dưỡng theo vùng đặc thù, ứng dụng giải pháp “3 giảm 3 tăng”, canh tác tối thiểu, chuyển đổi cơ cấu sản xuất”.

PGS-TS Mai Thành Phụng – nguyên Trưởng Bộ phận Thường trực tại Nam Bộ (Trung tâm Khuyến nông quốc gia) đã giới thiệu kỹ thuật canh tác lúa theo “1 phải 6 giảm” ở ĐBSCL, tiết kiệm nước và ứng phó biến đổi khí hậu. “1 phải” là sử dụng dụng giống xác nhận, “6 giảm” là: Giảm lượng giống, giảm bón thừa phân đạm, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm tưới nước, giảm thất thoát sau thu hoạch và giảm khí thải nhà kính.


Người viết : Dân Việt