Giật mình địa lan Tết 70 triệu đồng/chậu

Giật mình địa lan Tết 70 triệu đồng/chậu

Thứ năm, 29/01/2015, 10:47 GMT+7

Thay vì chơi các loại hoa cây cảnh truyền thống, nhiều người tấp nập ngược lên các tỉnh miền núi Tây Bắc “săn” hoa, cây cảnh rừng chơi Tết. Địa lan Trần Mộng 70 triệu đồng/chậu vẫn cháy hàng.

Địa lan Trần Mộng mang lại lợi nhuận kinh tế cao cho người dân Sa Pa
Địa lan Trần Mộng mang lại lợi nhuận kinh tế cao cho người dân Sa Pa


“Săn” địa lan chơi Tết

Còn 3 tuần nữa mới đến Tết, nhưng hiện các chậu địa lan Trần Mộng đẹp nhất ở Sa Pa (Lào Cai) đều đã có chủ. Bà Lại Thị Nga, chủ một nhà vườn cho biết, nhà vườn có 500 chậu địa lan bán Tết này. Năm nay, khách hàng đặt mua nhiều hơn năm ngoái, từ tháng 12 đến nay, nhà vườn đã bán được gần 30 chậu, thu về 700 triệu đồng, trong đó bốn chậu lan có gần 100 nhành hoa sẽ nở đúng dịp Tết có giá 70 triệu đồng/chậu. “Hiện nay ở Sa Pa đang còn rất ít những chậu địa lan dạng “khủng” như vậy, bởi hầu hết đều đã được khách chơi lan sành sỏi lên tận nơi “săn” từ trước Tết Dương lịch”, bà Nga nói.

Theo bà Nga, địa lan Trần Mộng là loài hoa Tết bán chạy, đem lại thu nhập cao cho người dân Sa Pa. Địa lan Trần Mộng nở hoa rất đẹp vào dịp đầu xuân, hương thơm độc đáo và hoa nở 3 tháng mới tàn, nên được khách hàng cao cấp ở các thành phố lớn ưa chuộng. Nhiều khách hàng lặn lội từ dưới xuôi lên Sa Pa trước hàng tháng để tận tay chọn được những chậu lan ưng ý và sẵn sàng bỏ ra bạc triệu để mua hàng, nhờ chủ vườn chăm sóc hộ đến gần Tết mới mang về dưới xuôi.

“Giống địa lan Trần Mộng trước đây được người Mông lấy từ trong rừng về. Do nhu cầu khách dưới xuôi lên mua rất lớn, nên nông dân đã biết tách mầm nhân giống dần qua từng năm, số lượng ngày càng tăng lên. Trồng địa lan cho lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với trồng rau, nhưng đầu tư vốn rất lớn và kỹ thuật canh tác khó hơn nhiều”, bà Lan nói.

Ngoài địa lan Trần Mộng có giá bán “khủng”, các loại địa lan khác ở Sa Pa năm nay đều dao động từ 450-500 nghìn đồng/nhành, tăng từ 150 nghìn - 200 nghìn/nhành so với Tết năm ngoái. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, hầu hết các vườn địa lan đều đã “cháy” hàng.

Theo bà Đỗ Thị Liên, Chủ nhiệm HTX Hoa Đào Sa Pa, các hộ trong HTX đã chuẩn bị 3 vạn chậu địa lan để bán Tết năm nay. Giá bán một chậu địa lan Sa Pa cao hay thấp phụ thuộc vào chậu hoa có đẹp hay không cùng với tổng số cành hoa sẽ nở vào đúng dịp Tết Nguyên đán. Với những chậu lan 6-10 cành nở đúng dịp Tết Nguyên đán sẽ có giá từ 3-5 triệu đồng/chậu.

Gom đào rừng chở về xuôi

Những ngày này, các thương lái dưới xuôi đã “chấm” xong các cành đào để đợi cận Tết đưa về Hà Nội. Một thương lái tên Hưng ở Hà Nội cho hay, vài tháng nay ông đã “nằm vùng” ở Sơn La để săn đào rừng.

“Khi các vạt đào rừng vẫn khẳng khiu do vừa được tuốt lá đã có các thương lái đến tìm hiểu và đặt cọc trước. Thông thường, thương lái sẽ đặt một ít tiền cọc cho gia chủ rồi hôm nào cắt đào về mới tính cụ thể giá cả”, ông Hưng nói.

Theo ông Hưng, nghề buôn đào rừng thu lãi khá cao, mà lại không lo mất vốn như buôn các loại hoa, cây cảnh Tết khác. Bởi đi săn đào rừng, thương lái cứ ngắm cành nào dáng tự nhiên, đẹp thì đặt tiền trước khoảng 20-50 nghìn đồng/cành. Đến cận Tết, nếu hoa không kịp nở thì chủ đào hoàn trả tiền đặt cọc. Năm ngoái, giá mua một cành đào dáng đẹp, được thỏa thuận là 100 - 200 nghìn đồng, nhưng mang về Hà Nội có khi lên tới 2-4 triệu đồng.

“Đào rừng mấy năm nay đắt khách, chủ đào luôn hoàn lại tiền đặt cọc nếu hoa không nở đúng Tết nên đỡ lo thất thu. Năm nay, sau 23 tháng Chạp, tôi sẽ đưa dần 500 cành đào rừng về dưới xuôi ”, ông Hưng nói.

Những năm trở lại đây, do đào rừng về xuôi quá nhiều nên các vạt đào rừng ở vùng núi phía Bắc ngày càng thưa thớt. Hiện đào rừng được bà con các dân tộc nhân giống canh tác trên vườn nhà, sườn đồi, bởi giá trị kinh tế của nó cũng cao so với nhiều cây trồng khác.

 


Người viết : Hồng Phi (Báo Giao thông)