Giúp người tiêu dùng nhận biết nông sản Trung Quốc

Giúp người tiêu dùng nhận biết nông sản Trung Quốc

Thứ năm, 22/01/2015, 14:22 GMT+7

Thời gian qua, người tiêu dùng và tiểu thương chưa phân biệt được xuất xứ giữa hàng nông sản Trung Quốc và Đà Lạt đang bày bán trên thị trường Phú Yên. Hiện Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Phú Yên đang đưa hình ảnh nhận biết hàng nông sản (rau, củ, quả) Đà Lạt và Trung Quốc đến với người tiêu dùng. Hình thức tuyên truyền này đang được người tiêu dùng đồng tình.

Phân biệt bằng hình ảnh súp lơ xanh Đà Lạt và Trung Quốc - Ảnh: CTV
Phân biệt bằng hình ảnh súp lơ xanh Đà Lạt và Trung Quốc - Ảnh: CTV

Để giúp người tiêu dùng nhận biết được nguồn gốc, xuất xứ thực sự của hàng nông sản, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã khuyến cáo cách phân biệt một số mặt hàng rau, củ, quả Trung Quốc và Đà Lạt trên website của Sở Công thương. Nội dung khuyến cáo gồm 2 phần: phần phân biệt bằng hình ảnh và phần mô tả cụ thể về đặc điểm hàng nông sản có nguồn gốc tại Đà Lạt và Trung Quốc. Theo đó, hội đưa ra các đặc điểm phân biệt nguồn gốc 7 loại nông sản dễ nhầm lẫn giữa hàng nông sản Đà Lạt và Trung Quốc, gồm: súp lơ, gừng, hành tây, bắp cải, cà rốt, khoai tây, tỏi. Các loại rau củ được phân biệt chi tiết như cà rốt Trung Quốc có da bóng loáng, củ đều, to, không có cuống hay đầu thường đen do để lâu, màu đỏ tươi hơn so với cà rốt Đà Lạt. Trong khi đó, cà rốt Đà Lạt củ nhỏ, tươi và thường có cuống, có rễ nhỏ li ti trên thân; củ màu hồng nhạt, ngả sang vàng. Hành tây Trung Quốc có vỏ bóng, ít sần sùi, độ đồng đều cao, khi cắt củ hành có màu trắng hơi xanh; hành tây Đà Lạt có củ to, vỏ lụa ngoài màu trắng, dễ trầy xước, cắt củ hành ra có màu trắng. Bắp cải Trung Quốc trái nhỏ, hình tròn, lá bao bên ngoài màu xanh đậm, lá cuốn không chặt, rất dễ bóc; bắp cải Đà Lạt trái to, hình tròn đẹp, lá bao bên ngoài màu xanh nhạt, lá cuốn chặt, khó bóc. Súp lơ Trung Quốc thường có màu xanh đậm, các múi to, búp lơ đều nhau, mịn, cuống màu xanh đậm; súp lơ Đà Lạt có búp vừa phải, hoa lơ ít đồng đều, sần sùi, cuống màu xanh nhạt, phần thân và phần bông to hơn súp lơ Trung Quốc… Kèm theo đó là hình ảnh 2 loại nông sản cùng loại của 2 nước để người tiêu dùng dễ hình dung, so sánh.

Vấn đề phân biệt nguồn gốc nông sản Đà Lạt và Trung Quốc đã được người tiêu dùng quan tâm từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng, thậm chí ngay các tiểu thương kinh doanh hàng rau củ cũng còn rất mập mờ về nguồn gốc thực sự của các loại nông sản này. Chị Ngô Minh Sáng ở phường 9, TP Tuy Hòa cho biết: “Rất khó để phân biệt hàng nông sản của Đà Lạt và Trung Quốc vì các loại nông sản này thường giống nhau; thậm chí, hàng Trung Quốc thường “mướt” hơn nên người tiêu dùng dễ mua nhầm. Tôi có kinh nghiệm đi chợ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa phân biệt được đâu là hàng Trung Quốc, đâu là hàng Đà Lạt. Nếu có hình ảnh cụ thể tại chợ thì tôi sẽ dễ so sánh hơn khi mua hàng”. Còn bà Nguyễn Thị Nga, tiểu thương bán rau củ tại chợ Tuy Hòa, cho hay: Tôi lấy hàng rau củ từ các thương lái hàng chục năm nay, họ đưa hàng nào, tôi bán hàng đó; chủ yếu là hàng “đẹp”, không bị hư hại và giá “mềm” là được. Về việc phân biệt giữa hàng nông sản Đà Lạt và Trung Quốc, đôi khi chính bản thân tôi còn bị nhầm lẫn…

Theo bà Tô Thị Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Phú Yên, đối với đối tượng là người tiêu dùng thì việc tuyên truyền bằng hình ảnh có rất nhiều lợi thế. Do vậy, nhiều người tiêu dùng rất ủng hộ hình thức tuyên truyền này. Dự kiến, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ mở rộng hình thức tuyên truyền này đến các chợ truyền thống bằng cách dán hình ảnh và đặc điểm phân biệt nguồn gốc 7 nhóm nông sản này tại cổng một số chợ trung tâm các huyện, thị xã, thành phố và các khu vực bán hàng rau củ quả để người tiêu dùng nhận biết nguồn gốc, xuất xứ hàng nông sản khi mua bán.

 


Người viết : Ngô Xuân (Báo Phú Yên)