Gọi mắc ca là "cây tỷ đô": Liệu có "hơi quá"?

Gọi mắc ca là "cây tỷ đô": Liệu có "hơi quá"?

Thứ bảy, 21/03/2015, 11:42 GMT+7

Theo đánh giá tại một cuộc họp về cây mắc ca được tổ chức ngày 19.3, việc gọi mắc ca là cây “tỷ đô”, “nữ hoàng” là hơi quá và Việt Nam cần thận trọng, có khuyến cáo người dân trong việc phát triển loại cây này.
 
Giá không cao như kỳ vọng  

Tại cuộc họp bàn giải pháp phát triển cây mắc ca diễn ra chiều 19.3, ông Nguyễn Như Cường - Phó vụ trưởng Vụ KHCN (Bộ NNPTNT), cho rằng vừa qua thông tin về cây mắc ca nhiều nhưng cũng nhiều yếu tố “ảo”. Cụ thể, giá cả cao là do dân tò mò, cao do bán giống. “Không hiểu vì sao một số người không so sánh giá của hạt mắc ca tại trang trại mà lại so sánh với giá bán mắc ca ở siêu thị. Họ không đề cập giá mắc ca tại trang trại, tại vườn của nông dân” - ông Cường băn khoăn.
 

 

Vườn mắc ca đang cho trái bói của gia đình anh Ngô Văn Bình (xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng) .     I.T
Vườn mắc ca đang cho trái bói của gia đình anh Ngô Văn Bình (xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng) . I.T
Còn theo số liệu của cơ quan Thống kê Liên Hợp Quốc, đến năm 2013, giá mắc ca cao nhất cũng chỉ khoảng 4,8 USD/kg, còn ở Zimbabwe chỉ có giá 1,27 USD/kg và năm 2014 nhích lên khoảng 5 USD/kg. Thực chất, đây là giá hạt khô nguyên vỏ, chứ không phải hạt rơi ở vườn. Còn giá của nhân đã được tách vỏ, cao nhất của Hà Lan là 16,42 USD/kg, Australia là 13,68 USD/kg. Trên thực tế, giá hạt nhân được tách vỏ của Hà Lan, Australia  có chất lượng cực cao mới bán được ở thị trường giao dịch xuất khẩu, chứ không phải giá bán nội địa. Cũng vẫn lời ông Cường: “Chúng ta phải nói rõ giá nội địa và giá xuất khẩu. Cây mắc ca không phải cây nữ hoàng như vừa rồi một số người nói. Chúng ta phải có định hướng rõ ràng, nếu không người dân sẽ thiệt hại nặng”.

Theo ông Cường, về mặt kỹ thuật, mắc ca là cây tiềm năng chứ không phải nữ hoàng và không thể cạnh tranh được với cây cà phê. “Về khoa học, cần phải có quy hoạch rõ ràng về vấn đề sinh thái, cây mắc ca ở giai đoạn ra hoa yêu cầu nhiệt độ từ 16-21 độ C và không được có mưa. Như vậy, chúng ta chỉ trồng được ở vùng nào có điều kiện khí hậu mới đảm bảo cây đậu quả”- ông Cường khẳng định.

Mắc ca mới chỉ là cây tiềm năng

Một số ý kiến khác tại Hội thảo cũng cho rằng, với quy hoạch đưa ra hơn 200.000ha trồng mắc ca là không phù hợp, cần có những điều tra, đánh giá về mặt thời tiết, khí hậu, sinh thái để xác định có thể trồng ở khu vực nào, diện tích như thế nào, chứ không thể trồng vài ba cây để so sánh và mở rộng ra hàng trăm nghìn ha, thậm chí phải có quy hoạch sâu cho từng vùng tiểu khí hậu.
 
Một lãnh đạo của Bộ NNPTNT khẳng định, đến giờ, cây mắc ca là cây tiềm năng, có điều kiện phát triển ở Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay Việt Nam lại chưa có điều kiện khảo nghiệm, đánh giá kỹ về những điều kiện để đảm bảo cây ra quả. Ngay cả vấn đề thị trường cũng chưa có đánh giá khoa học nào. Tất cả những thông tin vừa qua đều trích dẫn từ nước bạn, chứ chưa có đánh giá cụ thể trong điều kiện nước ta.    
 
Vị này cho rằng, về lâu dài, cần tiếp tục nghiên cứu và có quy hoạch tổng thể, chứ không thể bảo các tỉnh tự quy hoạch được. Do đó, ông đề nghị, trước mắt chưa  nên phát triển cây mắc ca khi chưa quy hoạch và đây là việc cương quyết. “Hiện điều kiện phát triển, khí hậu và nhiều vấn đề khác chưa rõ. Do đó, cần phải làm kỹ hơn về sự phù hợp giữa điều kiện sinh trưởng phát triển với quy hoạch, không thể theo vùng mà phải chi tiết, cụ thể hơn”- ông này cho biết.
 
Đối với vấn đề thị trường lãnh đạo này nói: “Nếu lấy nguồn ở trên mạng xuống thì ai cũng có, nhưng phải phân tích thành cái của riêng mình. Mặt khác, vấn đề liên kết doanh nghiệp với người dân, gắn chế biến, tiêu thụ, trồng; vấn đề giống, không thể bán tràn lan rồi hiệu quả, phương thức quản lý ra sao. Đặc biệt, về quy hoạch nhất định cuối năm nay phải hoàn thành”. 

 


Người viết : Ngọc Lê (Dân Việt)