Gồng mình gánh thuế
Thứ năm, 26/03/2015, 14:10 GMT+7
Giá dầu thế giới giảm mạnh nhưng thuế nhập khẩu và thuế môi trường áp cho các hãng hàng không tăng cao có thể xóa sạch cơ hội giảm thêm giá vé máy bay.
Theo tính toán của ông Dương Trí Thành, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), việc tăng thuế môi trường lên 3.000 đồng/lít xăng dầu sẽ ảnh hưởng đến chi phí của các hãng như Vietnam Airlines khoảng 750 tỉ đồng, Jetstar Pacific khoảng 150 tỉ đồng và VietJet khoảng 300-400 tỉ đồng.
Tốn thêm hàng trăm tỉ đồng
Đại diện Jetstar Pacific cho biết trong năm 2014, giá nhiên liệu bay (Jet A1) bình quân 116 USD/thùng. Tổng chi phí nhiên liệu bay năm ngoái của hãng là 1.494 tỉ đồng, trong đó thuế nhập khẩu 79,4 tỉ đồng (chiếm 44% tổng chi phí khai thác). Phí nhiên liệu hiện chiếm tỉ trọng 40%-45% trên tổng chi phí khai thác, là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến kết quả kinh doanh của các hãng.
Ba tháng đầu năm 2015, dù giá xăng dầu giảm sâu về khoảng 70 USD/thùng nhưng thuế nhập khẩu lại tăng từ 7% lên 25%. Từ ngày 1-5, Bộ Tài chính sẽ tăng thuế môi trường lên 3.000 đồng/lít xăng dầu, gấp 3 lần so với trước làm chi phí của các hãng sẽ tăng mạnh.
Chờ đón người thân tại sân bay Tân Sơn Nhất Ảnh: Hoàng Triều |
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Tổng Giám đốc Jetstar Pacific Lê Hồng Hà cho biết trong tình hình khó khăn và cạnh tranh gay gắt như hiện nay, việc nộp thuế nhập khẩu nhiên liệu 25% là gánh nặng tài chính đối với hãng.
Để tháo gỡ khó khăn, các hãng hàng không kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính xem xét giảm thuế nhập khẩu xăng dầu hàng không xuống 7% và cho phép đưa thuế môi trường vào cơ cấu giá vé.
“Thuế nhập khẩu và thuế môi trường chỉ áp dụng cho các đường bay nội địa nên không ảnh hưởng đến sự cạnh tranh với các hãng nước ngoài. Nhưng nếu mức thuế quá cao, ngay đường bay trong nước kinh doanh đã gặp khó, không có lãi thì làm sao cạnh tranh nổi với quốc tế?” - ông Hà nói.
Ông Nguyễn Đức Tâm, Phó Tổng Giám đốc Vietjet, phân tích: Nếu tính toán sòng phẳng thì việc giảm giá dầu thế giới từ 110 USD/thùng xuống còn 70 USD/thùng là rất lớn nhưng các hãng hàng không chưa được hưởng lợi là bao.
Cụ thể, từ cuối năm ngoái, thuế nhập khẩu xăng dầu đã tăng từ 7% lên đến 25%. Nay thuế môi trường tiếp tục tăng gấp ba có nguy cơ xóa sạch cơ hội hưởng lợi từ việc xăng dầu giảm giá, tăng áp lực cho các hãng khi chi phí hoạt động tăng.
Áp thuế vào đâu?
Thuế môi trường khi áp vào giá xăng thường được các hãng hàng không tính là chi phí đầu vào cho hoạt động kinh doanh. Chi phí đầu vào tăng tất nhiên các hãng có quyền cân đối tính toán giá vé bán ra. Có điều, hành khách đi lại bằng đường hàng không chưa được hưởng lợi từ giá dầu thế giới giảm, nay có nguy cơ phải trả thêm tiền cho các khoản phí, phụ phí từ việc tăng thuế môi trường.
Theo tính toán của một hãng hàng không, với mức tăng thuế môi trường thêm 2.000 đồng/lít, giá vé máy bay sẽ tăng thêm trung bình từ 50.000 - 70.000 đồng. “Nếu không tăng giá vé, các hãng sẽ gánh thêm hàng trăm tỉ đồng khoản phí môi trường, càng làm doanh nghiệp giảm sức cạnh tranh, “ốm yếu” hơn” - lãnh đạo một hãng hàng không cho biết.
Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long cho biết ở châu Âu chỉ có nước Đức đưa thuế môi trường vào giá xăng. Từ cuối năm ngoái đến nay, giá xăng dầu thế giới giảm giúp chi phí vận chuyển, đầu vào của doanh nghiệp giảm sâu. Tuy nhiên, ngân sách nhà nước lại hụt thu nhưng không phải vì vậy mà cơ quan quản lý đẩy phần thiệt cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.
“Mức tăng thuế môi trường 200% đã là cao, nay Bộ Tài chính tăng đến 300% trong bối cảnh giá xăng đã phải cõng đủ loại thuế, phí. Các hãng hàng không đề xuất đưa khoản thuế này vào giá vé cũng phù hợp nhưng hiển nhiên phần thiệt cơ quan quản lý đang đẩy sang hành khách” - ông Long lập luận.
Khổ vì chậm, hủy chuyến
Liên quan đến việc bồi thường cho hành khách do chuyến bay bị chậm, lãnh đạo Jetstar Pacific đề nghị Cục Hàng không xem xét không áp dụng bồi thường trong trường hợp bất khả kháng. Hành khách bị chậm chuyến đã được phục vụ ăn uống, nghỉ ngơi tại sân bay và được đáp ứng yêu cầu về đổi chuyến bay, đổi hành trình hoặc hoàn lại vé. Nay áp thêm quy định bồi thường, các hãng sẽ chọn giải pháp hủy chuyến (chỉ chịu chi phí bồi thường và hoàn lại vé cho khách).
Ông Nguyễn Đức Tâm dẫn chứng ngày 9-3-2015, chuyến bay VJ321 của VietJet từ Phú Quốc về TP HCM dự kiến cất cánh lúc 8 giờ 45 phút nhưng đến 20 giờ 40 phút cùng ngày mới bay. Đây là sự cố bất khả kháng do lỗi kỹ thuật, máy móc của tàu bay bị hư phải đưa thiết bị từ TP HCM ra thay thế. Ở tình huống này, chuyến bay sẽ bị hoãn cho tới khi tàu bay sửa xong và đạt tiêu chuẩn an toàn mới cất cánh và hãng đã chủ động bồi thường cho hành khách nhưng vẫn bị xử phạt 15 triệu đồng.
Các tin khác :
- VEDAN VIỆT NAM LIÊN TIẾP KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ VỚI “THƯƠNG HIỆU VÀNG NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2024” (24/10/2024)
- HDBank vừa đồng loạt triển khai những hoạt động ý nghĩa, sát cánh cùng khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi và hoàn lưu bão (24/10/2024)
- Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam: Cùng Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam, Agribank kiến tạo tương lai tươi sáng cho nông nghiệp Việt (22/10/2024)
- Triển lãm Quốc tế VINACHEM EXPO 2024 và CAC Vietnam 2024 sẽ diễn ra từ ngày 27 - 29/11/2024 tại Trung tâm Hội chợ & Triển lãm Sài Gòn (SECC) (11/04/2024)
- Tổng hội NN&PTNT Việt Nam tập huấn liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và thị trường nông sản tại Bắc Kạn (19/11/2021)
- Lãnh đạo Tổng hội nông nghiệp và PTNT Việt Nam đã đến thăm và làm việc tại Sơn La (19/03/2021)
- Hơn 8.000m2 rừng bị tàn phá ở Kon Tum (23/10/2020)
- Kết luận của Phó Thủ tướng về việc xuất khẩu gạo (23/04/2020)
- Thủ tướng chỉ thị cấp bách tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó dịch Covid-19 (25/03/2020)
- Huyện Đức Hòa đưa thêm 3 công trình cầu giao thông nông thôn vào sử dụng (17/02/2020)