Hạn hán, mặn xâm nhập: Tìm cách chung sống hòa bình với "mẹ" thiên nhiên

Hạn hán, mặn xâm nhập: Tìm cách chung sống hòa bình với "mẹ" thiên nhiên

Thứ ba, 12/04/2016, 10:34 GMT+7

Hạn hán và xâm nhập mặn đang diễn ra vô cùng gay gắt ở khắp các tỉnh thành vùng ĐBSCL. Giải pháp nào nhằm xử lý tình trạng này một cách căn cơ, bền vững là điều mà cả cộng đồng đang hướng tới. Đây thực sự là thách thức, nhưng cũng là cơ hội, đó là ý kiến chung mà nhóm PV Nông thôn Việt đã ghi nhận được. Từ góc nhìn của mỗi cá nhân, trên mỗi lĩnh vực mà mình phụ trách, hay quan tâm, mỗi người đều có những đề xuất rất đáng chú ý.

Sống hòa bình với tự nhiên

TS. Nguyễn Đức Kiên, P.Chủ nhiệm UB Kinh tế của QH
TS. Nguyễn Đức Kiên, P.Chủ nhiệm UB Kinh tế của QH

Hạn hán và xâm mặn, đặc biệt trong 2 năm trở lại đây, là một thực tế khách quan, là sự cộng hưởng của các hiện tượng tự nhiên như EL Nino với biến đổi khí hậu (BĐKH) và cả sự ứng xử chưa thích hợp của con người, trong đó có cả các quốc gia thượng nguồn sông Mekong. Để ứng phó, theo tôi, nguyên tắc quan trọng nhất vẫn là “chung sống hòa bình với tự nhiên”.

Hà Lan từng là một quốc gia được ngưỡng mộ về công trình quai đê lấn biển, nhưng giờ đây họ cũng đã áp dụng phương châm chung sống với thiên nhiên, dành không gian cho nước thay vì xây dựng đê điều kiên cố... Vả lại, với 90.000km dự kiến phải xây dựng để “bảo vệ” ĐBSCL thì nền kinh tế khó mà chịu đựng nổi gánh nặng kinh phí. Hơn nữa, như thế cũng chưa chắc đã là phù hợp. Thậm chí, đem tư duy ứng phó với sông ngòi Bắc bộ là trị thủy, chống lũ áp dụng cho mùa nước nổi ở miền Nam cũng không đúng… Trong khi đó, chúng ta lại có những thế mạnh khác: các loại cây chịu được mặn, giữ đất rất tốt như sú, vẹt, đước…

Vừa qua, có ý kiến cho rằng nên giảm bớt diện tích trồng lúa nước và theo chỗ tôi biết thì Chính phủ cũng đã có phương án cụ thể, sẽ trình ra Quốc hội tại kỳ họp tới. Điều này cũng có nghĩa là không gian sinh hoạt, không gian canh tác nông nghiệp cũng cần thay đổi theo, kéo theo việc điều chỉnh - bổ sung hàng loạt quy hoạch đô thị - nông thôn - phát triển kinh tế ngành.

Ngoài ra, cần phải thấy rằng chúng ta cũng không thể tiếp tục duy trì lề lối canh tác cũ được nữa. Chúng ta có nên lựa chọn những giống ngắn ngày, làm tới 3 vụ để rồi chỉ thu được lúa gạo phẩm cấp thấp nữa hay không? Hoàn toàn có thể chỉ làm hai vụ, chọn giống tốt, tập trung xây dựng và củng cố thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới. Như thế giá trị thu được cũng không hề kém.

Đây chính là lúc các nhà khoa học, từ khí tượng thủy văn cho đến nông nghiệp, công nghiệp, công nghệ… cần phải vào cuộc một cách quyết liệt để tìm ra những giải pháp thiết thực, khả thi nhất.

Huy động nhiều nguồn vốn để làm nhanh hệ thống thủy lợi

Ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT
Ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT

Có thể nói, hệ thống thủy lợi đóng vai trò rất quan trọng trong việc phòng chống hạn hán và mặn xâm nhập. Tại các tỉnh ĐBSCL, dù thời gian qua đã được Trung ương đầu tư nhiều công trình thủy lợi phục vụ sản xuất lúa, nuôi thủy sản… nhưng vẫn chưa thể đáp ứng đòi hỏi thực tế đặt ra, nhất là việc chủ động nguồn nước để phòng chống hạn, mặn một cách hiệu quả.

Đặc biệt, đợt hạn hán và mặn xâm nhập lịch sử lần này cho thấy nhu cầu hoàn thiện hệ thống thủy lợi cho vùng ĐBSCL là vô cùng cấp bách. Cái khó hiện nay là hầu hết các công trình thủy lợi đều đòi hỏi nguồn vốn rất lớn. Điển hình như hệ thống cống ở sông Cái Lớn- Cái Bé (vùng bán đảo Cà Mau) cần đến 3.800 tỷ đồng; 29 cống ở vùng An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận (Kiên Giang) cần gần 1.000 tỷ đồng… Do vốn lớn nên chúng ta phải vận dụng từ nhiều nguồn như ODA, Ngân hàng Thế giới, trái phiếu Chính phủ, huy động các thành phần… để làm nhanh thủy lợi. Từ nay đến năm 2020 sẽ ưu tiên đầu tư vốn ODA, vốn trái phiếu Chính phủ… cho các công trình phòng, chống hạn hán và mặn xâm nhập ở ĐBSCL. Nhanh chóng hoàn thành dự án WB6 về quản lý thủy lợi phục vụ phát triển nông thôn ĐBSCL; chuẩn bị đàm phán và triển khai dự án WB9 về chống chịu khí hậu tổng hợp vùng ĐBSCL. Xây dựng cống khu vực An Minh- An Biên; hệ thống cống dự án Bắc Bến Tre; Nam Măng Thít; dự án tạo nguồn nước cống Cái Lớn- Cái Bé. Nghiên cứu giải pháp trục kênh dẫn ngọt trong vùng bán đảo Cà Mau. Đầu tư công trình phân ranh mặn ngọt chắc chắn cho vùng Bạc Liêu - Sóc Trăng. Nghiên cứu giải pháp chuyển ngọt cho một số vùng ven biển có tiềm năng lớn như Nam QL 1A thuộc tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau; đầu tư công trình phân ranh mặn ngọt chắc chắn cho các vùng ở Sóc Trăng - Bạc Liêu…

Chuyển đổi cây trồng trên 400.000 ha đất lúa là một giải pháp quan trọng

Ông Nguyễn Minh Quang, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
Ông Nguyễn Minh Quang, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đây đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong khuôn khổ phiên họp thứ 46 của UBTVQH dự thảo Báo cáo Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối 2016 - 2020 cấp quốc gia đến năm 2020 và cơ bản đã được UBTVQH đồng ý. Theo đó, nhóm đất nông nghiệp sẽ là 27.038,09 nghìn ha, chiếm 81,62% diện tích tự nhiên; nhóm đất phi nông nghiệp 4.780,24 nghìn ha, chiếm 14,43% diện tích tự nhiên; nhóm đất chưa sử dụng 1.310,48 nghìn ha, chiếm 3,96% diện tích tự nhiên. Trong 5 năm tới (2016-2020), sẽ tập trung đầu tư cải tạo, khai thác, đưa vào sử dụng 977,64 nghìn ha đất chưa sử dụng cho các mục đích nông nghiệp và phi nông nghiệp. Như vậy, đến năm 2020 diện tích đất chưa sử dụng của cả nước còn 1.310,36 nghìn ha, so với chỉ tiêu Quốc hội duyệt là 1.483,28 nghìn ha; có nghĩa là đất chưa sử dụng sẽ giảm thêm 172,92 nghìn ha. Cũng theo dự thảo, tới đây sẽ chuyển đổi cơ cấu cây trồng khoảng 400.000 ha diện tích đất trồng lúa. Cụ thể, hiện nay diện tích trồng lúa của cả nước là hơn 4,03 triệu ha. Theo tính toán, đến năm 2020, đất trồng lúa cả nước là hơn 3,76 triệu ha và nếu năng suất bình quân khoảng 60 tạ/ha thì sản lượng lúa vẫn đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực quốc gia.

Hơn nữa, việc giảm bớt diện tích đất trồng lúa nước cũng sẽ giúp tiết kiệm nước canh tác, là một cách thức mềm dẻo để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Do vậy, Chính phủ đề nghị Quốc hội biểu quyết thông qua diện tích đất trồng lúa cấp quốc gia đến năm 2020 là 3.760.390 ha. Trong diện tích đất trồng lúa đó, cho phép khoảng 400.000 ha được quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhưng sẽ bảo vệ, không làm mất các điều kiện phù hợp để khi cần thiết vẫn trồng lúa trở lại được, nhằm mục tiêu vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất, vừa duy trì quỹ đất trồng lúa.

Phải biết tiết kiệm nước!

GS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ)
GS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ)

Hạn hán và xâm nhập mặn gay gắt hiện nay có tác động của các đập thủy điện gây ra, ảnh hưởng rất nhiều tới hệ sinh thái, đời sống người dân sống ở  lưu vực sông Mekong, trong đó người dân sống tại ĐBSCL chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong những tổn thất dễ nhận thấy nhất là nguồn lợi thủy sản. Chỉ riêng loài cá di cư theo mùa, nếu các đập thủy điện được triển khai thì các loài cá này không về nữa (do dòng chảy, chất lượng nguồn nước bị thay đổi…), sẽ gây tổn thất từ 220.000 - 440.000 tấn cá/năm. Nếu tính với giá 2.500 USD/tấn cá, số tiền tính ra từ 0,5 - 1 tỷ USD/năm.

Cùng với việc tăng cường quan hệ quốc tế về ảnh hưởng của các đập thủy điện thì các cơ quan chức năng cần có những đầu tư lớn trong công tác phòng chống như: xây dựng hệ thống ngăn mặn, trang bị nhiều về máy đo độ mặn, nếu có thể đầu tư cho cả người dân nông thôn biết để phòng tránh những thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, phải biết sử dụng nước tiết kiệm và thay dần những loại cây trồng chịu hạn, mặn. Mới đây, Trung tâm quan trắc Tài nguyên và môi trường TP Cần Thơ tiến hành đo độ mặn thì thấy rằng, mặn đang có dấu hiện xâm nhập vào phía quận Cái Răng. Độ mặn đo được cao nhất hiện nay tại trạm của quận Cái Răng là 0,82 g/l.

Do đó, vấn đề tiết kiệm nước hiện nay rất quan trọng như trong sản xuất nông nghiệp nên cần tưới đúng thời điểm, liều lượng tưới hợp lý, giảm thiểu tổn thất nước… là cách làm cần được ưu tiên lựa chọn. Có nhiều cách tưới để có hiệu quả an toàn là: tưới nhỏ giọt, tưới ngầm, tưới phun… giúp tiết kiệm nước và phân bón. Hạn, mặn rất khó đối phó vì nguồn nước ngọt hạn chế và rất tốn kém. Trong giai đoạn ngắn thì việc nghiên cứu cây, con chịu hạn, mặn không kịp thời và hiệu quả. Hiện nay cần xem xét điều chỉnh thời vụ, chọn các cây con ít sử dụng nước. Về lâu dài vẫn cần nghiên cứu cây con chịu hạn mặn nhưng phải cân nhắc tính hiệu quả cho từng loại cây, con.

Cần đầu tư thêm các công trình ven biển

GS.TS Tăng Đức Thắng, Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam
GS.TS Tăng Đức Thắng, Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam

Do năm 2015 là năm khô hạn kỷ lục trên lưu vực sông Mekong nên tình trạng mặn xâm nhập trong mùa khô năm 2015- 2016 ở ĐBSCL là rất nghiêm trọng (đến sớm, xâm nhập sâu trên diện rộng và kéo dài). Hạn, mặn sẽ ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân; đặc biệt vụ lúa Đông - Xuân và vụ Hè - Thu 2016 nguy cơ thiếu nước cao.

Hiện tại, dòng chảy từ thượng lưu sông Mekong về đồng bằng đang diễn biến phức tạp do có sự chi phối của các hồ chứa thượng lưu. Để giải quyết hạn hán, mặn xâm nhập, phải quan tâm đến các vấn đề lớn như, phải tạo nguồn nước ngọt là đặc biệt quan trọng (nhất là các vùng khan hiếm nước), có một số việc chính phải làm như xây dựng hồ chứa, ao, đập tạm trên kênh mương để tích trữ nước ngọt khi có điều kiện; trồng rừng để giữ nước và cải thiện khí hậu. Qua nghiên cứu thì tình trạng mặn xâm nhập ở ĐBSCL đã có nhiều thay đổi, ảnh hưởng lớn đến sản xuất của các vùng ven biển.

Vì vậy tới đây các ngành chức năng nghiên cứu đầu tư thêm các công trình hạ tầng ven biển như: Trạm bơm Xuân Hòa (Tiền Giang) cho giai đoạn trước mắt và 20 năm tới; dự án Bắc Bến Tre và Nam Bến Tre; cống Vũng Liêm và cống Tân Dinh thuộc dự án Nam Măng Thít; trạm bơm Đại Ngãi (Sóc Trăng); hệ thống kiểm soát mặn-ngọt vùng Hồng Dân, Phước Long, Giá Rai (Bạc Liêu); cống Cái Lớn - Cái Bé (đoạn thuộc tỉnh Hậu Giang)… nhằm chủ động việc kiểm soát và cấp nước ngọt cho các vùng ven biển…

Đẩy mạnh nghiên cứu giống cây ăn trái chịu mặn

PGS. TS Nguyễn Minh Châu, Nguyên Viện trưởng Viện Cây Ăn quả miền Nam
PGS. TS Nguyễn Minh Châu, Nguyên Viện trưởng Viện Cây Ăn quả miền Nam

Cùng với lúa gạo và thủy sản thì cây ăn trái là thế mạnh của ĐBSCL. Nếu như cây lúa thông thường chỉ có 3 tháng là xong 1 vụ, thì cây ăn trái phải mất 3-4 năm canh tác mới cho thu hoạch, chưa kể cây ăn trái cần vốn đầu tư lớn, do đó nếu bị thiệt hại thì nông dân trồng cây ăn trái mất chi phí nhiều hơn.  Toàn vùng ĐBSCL có khoảng 289.000ha cây ăn trái với nhiều chủng loại phong phú, trong đó đa phần là cây có múi - là loại cây rất mẫn cảm với nước lũ và nước mặn. Thực tế tại ĐBSCL thời gian qua đã có nhiều diện tích cây ăn trái bị chết hoặc giảm năng suất do nước mặn tấn công.

Trước tình hình hạn, mặn ngày càng phức tạp, nhiều năm qua Viện Cây Ăn quả miền Nam đã nghiên cứu giống, tìm ra những loại giống cây ăn trái chịu được nước mặn, bởi giống là khâu quan trọng nhất. Viện đã thực hiện các đề tài khoa học cấp Bộ như: “Nghiên cứu đánh giá, lựa chọn cây có múi và cây xoài trong điều kiện mặn và ngập ở ĐBSCL”; “Chọn lọc gốc ghép cây có múi chịu hạn và phèn ở ĐBSCL”… Qua đó, tìm ra các giống bưởi Bồng, bưởi Đường Hồng, bưởi Sung và Sảnh có khả năng chịu được mặn ở nồng độ 8%o; bưởi da xanh ghép trên gốc ghép Sảnh có khả năng sinh trưởng rất mạnh. Khảo nghiệm trong nhà lưới đối với xoài Châu Hạng Võ, xoài ghép xanh ghép trên mắt xoài cát Hòa Lộc và xoài cát Chu chịu được độ mặn 13%o. Tắc ghép với bưởi long Cổ Cò và tắc ghép bưởi da xanh cũng chịu mặn tốt…

Tới đây, cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu và tìm thêm nhiều loại giống cây ăn trái chịu mặn để thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu. Song song đó, phổ biến rộng rãi cho nông dân trồng thử nghiệm, nếu hiệu quả sẽ nhân rộng. Vấn đề quan trọng là các giống cây ăn trái chịu được mặn, nhưng vẫn phải đảm bảo về năng suất và chất lượng; có như vậy thì việc phát triển mới hiệu quả.

Nếu như năm 2011, kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước chỉ đạt hơn 630 triệu USD thì đến năm 2013 đã vượt 1 tỷ USD; năm 2014 đạt xấp xỉ 1,5 tỷ USD. Đặc biệt, năm 2015 kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước đạt tới 2,2 tỷ USD, cao kỷ lục từ trước đến nay. Điều này cho thấy tiềm năng xuất khẩu trái cây rất lớn và rất triển vọng. Vì vậy, việc bảo vệ vườn cây ăn trước hạn mặn của năm 2016, cũng như tìm giống cây thích ứng với biến đổi khí hậu trong thời gian tới là vô cùng cấp bách…   


Người viết : Theo Tạp chí Nông Thôn Việt