Hạn hán ở Khánh Hòa: Cứu lúa hay cấp gạo cứu đói?

Hạn hán ở Khánh Hòa: Cứu lúa hay cấp gạo cứu đói?

Thứ sáu, 20/03/2015, 10:33 GMT+7

Tại cuộc họp chiều 18.3, UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, diện tích đất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi hạn hán trên toàn tỉnh là 2.445ha. Trong số 1.934ha lúa bị ảnh hưởng, có 1.124ha đang bơm tưới, 239ha có khả năng bị thiệt hại do không có nguồn nước bổ sung.

Hạn hán ở Ninh Thuận khiến việc tìm kiếm nguồn nước cho đàn cừu khó khăn hơn bao giờ hết. Ảnh: L.P
Hạn hán ở Ninh Thuận khiến việc tìm kiếm nguồn nước cho đàn cừu khó khăn hơn bao giờ hết. Ảnh: L.P

Nhiều xã không còn nước sản xuất

Trước tình hình hạn hán, Sở NN&PTNN tỉnh đã xây dựng phương án phòng, chống hạn, xâm nhập mặn vụ đông xuân và tiếp tục có những theo dõi sát sao diễn tiến của hạn hán. Theo kế hoạch, vụ hè thu năm 2015, tỉnh Khánh Hòa sẽ ngừng sản xuất khoảng 13.600/18.380ha. Ở huyện Cam Lâm và Khánh Sơn, tình hình hạn hán đang “rất căng”. Theo báo cáo của huyện Khánh Sơn, hiện tại xã Thành Sơn đang không có nước sản xuất, còn các xã Sơn Bình, Sơn Hiệp, Sơn Trung có khả năng thiếu nước cục bộ.

Ông Lê Đức Vinh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - yêu cầu ngành nông nghiệp và các địa phương ưu tiên nước sản xuất cho vụ đông - xuân bù thiệt hại vụ hè - thu, sau đó khoanh vùng diện tích có thể cứu trong vụ hè - thu, cân nhắc về kinh phí giữa việc cứu lúa và cấp gạo cứu đói để chọn phương án phù hợp. “Nhất định không để người dân Khánh Hòa phải chịu đói vì hạn hán” - ông Vinh chỉ đạo. Ông Vinh cũng yêu cầu xây dựng phương án ưu tiên cấp nước sinh hoạt cho dân. Ông Vinh nói: “Hồ hết, nước sông không còn thì phải tiến hành đào giếng”.

 

Về việc hỗ trợ giống sản xuất cho người dân, ông Vinh chỉ đạo hỗ trợ vùng có khả năng sản xuất nhưng phải nghiên cứu lựa chọn giống ngắn ngày hơn. Ngành nông nghiệp phải tính đến phương án làm vụ hè - thu sớm để có thể thu hoạch lúa trước đỉnh hạn.

Nước sông xuống thấp nhất 38 năm

Trong khi đó, mực nước sông Cái, Nha Trang, Khánh Hòa theo quan trắc ngày 1.3 là 3,32m, chỉ còn 2cm nữa sẽ chạm mực nước thấp nhất lịch sử (vào tháng 8.2014) là 3,3m. Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động sáng 18.3, ông Nguyễn Tấn Phương - Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung bộ - nhận định, với tình hình nắng hạn kéo dài và lượng mưa ít, mực nước trên sông Cái có khả năng “chạm đáy” thấp nhất kể từ năm 1977. Các sông khác ở Khánh Hòa cũng ở tình trạng tương tự. Trong tháng 1 và 2, lượng dòng chảy trên các sông tỉnh Khánh Hòa thiếu hụt từ 70 - 80% so với lượng dòng chảy trung bình nhiều năm. Với dự báo tình hình lượng mưa từ tháng 4 - 8.2015 thấp hơn trung bình các năm từ 20 - 50%, lượng dòng chảy trên các sông ở Khánh Hòa từ nay đến tháng 8 có khả năng thiếu hụt 80 - 90%.

Đáng lo ngại là mực nước ở các hồ chứa hiện cũng xuống rất thấp. Lượng nước các hồ Bình Định, Phú Yên chiếm 60 - 80% dung tích thiết kế, các hồ Khánh Hòa, Bình Thuận chỉ chiếm 20 - 40% dung tích thiết kế. Riêng ở các hồ ở Ninh Thuận, mực nước chỉ còn 7 - 18% so với dung tích toàn bộ. Đến ngày 10.3, một số hồ ở tỉnh Khánh Hòa chỉ còn trên “mực nước chết” 0,1 - 6,8m. Riêng hồ Suối Trầu mực nước đã xuống thấp hơn “mực nước chết” 0,4m, một số hồ ở Ninh Thuận có mực nước dưới “mực nước chết” đến 2m.

Theo ông Nguyễn Tấn Phương, nắng nóng và hạn hán kéo dài do hiện tượng El Nino, dự báo trong các tháng tiếp theo, hiện tượng El Nino tiếp tục duy trì ở mức độ yếu đến trung bình.“Tuy nhiên dự báo của chúng tôi cũng chỉ tiệm cận chính xác. Nắng hạn đã vắt từ năm 2014 qua 2015 và có thể kéo dài nữa” - ông Phương nói.


Người viết : Linh Phạm ( Laodong)