Hàng hóa, nông sản điêu đứng vì tin đồn

Hàng hóa, nông sản điêu đứng vì tin đồn

Chủ nhật, 07/08/2016, 15:30 GMT+7

Hàng hóa, nông sản điêu đứng vì tin đồn

Hàng hóa, nông sản điêu đứng vì tin đồn

Xoài có hạt bọc nylon

Tối 31.7 vừa qua, thành viên có nickname Facebook D.T.N đã đăng tải lên trang cá nhân đoạn clip do anh thực hiện, với mục đích cảnh tỉnh người tiêu dùng trong việc mua và ăn loại xoài đang được bày bán khắp các chợ thời gian qua - xoài mút. Đây là loại xoài nhỏ, có vị ngọt thanh và hạt lép, khi ăn người ta hay cầm nguyên cả trái lên để mút, nên có tên gọi như vậy. Theo như video clip, chủ tài khoản tiến hành gọt xoài và tách lấy hạt bên trong. Nhưng khi chẻ đôi hạt xoài thì phát hiện bên trong không có hạt mà chỉ có một lớp nylon màu trắng. 

 hang hoa, nong san dieu dung vi tin don hinh anh 1

 Trong clip, người đàn ông vừa thái xoài vừa khẳng định xoài bị làm giả, do “hạt có một lớp nylon được làm từ tinh dầu hoặc một thứ hóa chất, tinh chất nào đó”. Ảnh chụp từ clip.  

 

Clip thu hút sự quan tâm lớn của người xem, chỉ sau gần nửa ngày, đoạn video tố xoài giả trên đã hút hơn 2,2 triệu lượt xem. Ngay sau khi được đăng tải trên mạng, video clip này nhận được phản hồi từ rất nhiều cư dân mạng. Đa số thể hiện quan điểm không đồng tình vì cho rằng anh D.T.N thiếu kinh nghiệm, không tìm hiểu kỹ nên đưa thông tin thiếu chính xác, chưa qua kiểm chứng.

Ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) khẳng định, giống xoài trong clip vừa lan truyền trên mạng có nguồn gốc Trung Quốc và đã được trồng ở Việt Nam, thông tin trên hoàn toàn thiếu căn cứ.

Tuy nhiên, từ khi tin đồn xoài Trung Quốc làm bằng nylon, nhiều sạp kinh doanh loại xoài này rơi vào cảnh ế ẩm. Chị Lê Thị Lan – chủ sạp trái cây chợ Bàn Cờ, cho biết: “Từ tin đồn chưa được kiểm chứng mấy ngày nay sạp của tôi ế hẳn”.

Bưởi... gây ung thư

Người trồng bưởi khó có thể quên được vụ việc xảy ra vào giữa tháng 7/2007. Thời điểm đó, một số báo chí nước ngoài như BBC Newvà Daily Mail (Anh) đã công bố thông tin “Phụ nữ ăn nhiều bưởi sẽ có nguy cơ ung thư vú”. Thông tin này dựa trên kết quả khảo sát trên 50.000 phụ nữ của hai trường đại học Nam California và Hawaii (Mỹ) cho rằng: những phụ nữ ăn từ 1/4 trái bưởi trở lên mỗi ngày sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú lên đến 30%.

 

 hang hoa, nong san dieu dung vi tin don hinh anh 2

Nông dân trồng bưởi điêu đứng vì thông tin ăn nhiều bưởi gây ung thư vú. Ảnh: Ngọc An

 

Một số tờ báo trong nước trích dẫn nguồn tin này và gây ra sự nhầm lẫn rất tai hại. Mặc dù, đã có nhiều cuộc hội thảo, nhiều nhà khoa học nông lâm có uy tín của Việt Nam lên tiếng trấn an dư luận đồng thời đưa ra nhiều bằng chứng khẳng định bưởi Việt Nam không liên quan.

Tuy nhiên, thông tin nói trên vẫn gây ảnh hưởng tâm lý nặng nề đối với người tiêu dùng và gây thiệt hại nghiêm trọng đến người trồng bưởi.

Chỉ hơn một tháng, giá bưởi tại Đồng bằng Sông Cửu Long đã bị “rớt” từ 8.000-10.000/kg xuống còn 1.000 đồng/kg nhưng vẫn tiêu thụ rất chậm, nhiều người dân đã phải đốn bỏ cây bưởi vì hiệu quả kinh tế.

Khoai lang chuyển xanh, nghi nhiễm chất độc da cam

Ngày 11/1/2016, Cơ quan Nông sản và Thực phẩm Singapore (VAV) lên tiếng bác bỏ thông tin từ báo Today Online (Singapore), khoai lang Việt Nam bị đổi sang màu xanh lục do bị nhiễm chất độc màu da cam từ đất.

Cụ thể, từ chia sẻ của một người dùng mạng xã hội Facebook ở Singapore ngày 4/1 cho biết: "Chị gái mình đã mua khoai lang Việt Nam về ăn. Sau khi luộc và cất trong tủ lạnh qua đêm, người này phát hiện khoai lang đã chuyển sang màu xanh". Đồng thời khẳng định: Đã hỏi ý kiến một bác sĩ thì có nghi vấn rằng rất có thể khoai đã được trồng trên khu vực nhiễm “chất độc da cam”.

 

 hang hoa, nong san dieu dung vi tin don hinh anh 3

Thông tin thiếu kiểm chứng khiến người trồng khoai lang điêu đứng. Ảnh: Facebook

 

VAV khẳng định người này không có kiến thức về khoai lang đồng thời bảo đảm chất độc màu da cam không phải là nguyên nhân khiến khoai lang chuyển sang màu xanh. Cơ quan này cũng khẳng định các sản phẩm nhập khẩu vào Singapore, trong đó có khoai lang Việt Nam, thường xuyên được kiểm tra về các thành phần hóa chất.

Theo TTXVN, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore đã nhanh chóng liên hệ, phối hợp với nhà chức trách sở tại để làm rõ, đồng thời cải chính thông tin thất thiệt này.

Thiệt hại trăm triệu vì tin đồn trái bọc túi Trung Quốc độc hại

Vào tháng 4/2016, nhiều tờ báo, nhất là báo mạng, trang tin điện tử đồng loạt thông tin về việc xoài bọc “túi lạ”, nghi ngờ có chất độc tại các tỉnh ĐBSCL, đặc biệt là các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang.

Ngay sau khi những bài báo trên tung ra, giá xoài đầu mùa tại các tỉnh ĐBSCL đã ngay lập tức tụt từ khoảng 30.000 đồng/kg xuống có lúc chỉ còn 15.000 đồng/kg. 

 hang hoa, nong san dieu dung vi tin don hinh anh 4

  Nông sản được trồng trong "túi lạ" nông dân trồng xoài bị nghi ngờ về sản phẩm: Ảnh: Nông Nghiệp

 

Oái oăm nhất, tất cả các vùng xoài bọc “túi lạ” đều là các vùng xoài xuất khẩu chủ lực của ĐBSCL tại các tỉnh như Tiền Giang, Đồng Tháp để xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc… Điều này đã gây ra thiệt hại rất lớn đối với những người nông dân ở miền Tây.

Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng lấy cả mẫu “túi lạ” bọc xoài lẫn mẫu xoài đi phân tích thì không hề phát hiện ra bất kỳ một chất BVTV, kim loại nặng hay bất kỳ yếu tố độc hại nào.

DN bên bờ vực phá sản vì kết luận...thiếu căn cứ

Không chỉ có nông sản, ngay cả thực phẩm vẫn vướng vào những “đồn thổi” thiếu căn cứ, dù là từ cơ quan chức năng.

Ngày 22.4, đội QLTT 14 – Chi cục QLTT Hà Nội đã đưa ra kết quả kiểm nghiệm 2,2 tấn xúc xích do cơ sở Vietfoods (Bình Dương) cho thấy những mẫu xúc xích này chứa chất sodium nitrate-251 với hàm lượng từ 55 – 100mg/kg.

Ngay sau đó, khi chưa có kết luận kiểm nghiệm, đơn vị quản lý thị trường của Hà Nội đã cung cấp thông tin xúc xích Vietfoods chứa chất cấm gây ung thư cho báo chí và làm dấy lên làn sóng tẩy chay mặt hàng này trong người tiêu dùng, không những khiến Vietfoods lao đao mà cả những hãng sản xuất xúc xích khác cũng bị liên đới.

Ngày 23.5, Bộ Y tế có công văn tham vấn gửi Chi cục QLTT Hà Nội. Hàm lượng sodium nitrate tìm thấy trong xúc xích Vietfoods khoảng 55mg/kg, hoàn toàn an toàn và theo thông lệ quốc tế đã áp dụng tại Mỹ, New Zealand, Singapore, Malaysia…

Hậu quả của quyết định này đã khiến Vietfoods mấp mé bờ vực phá sản. Sau hơn một tháng bị tạm giữ, phần lớn sản phẩm trong số 2,2 tấn xúc xích được trao trả lại cho doanh nghiệp đã hết và gần hết hạn sử dụng. Sản xuất của họ bị đình trệ, công nhân bị mất việc, thậm chí đã có doanh nghiệp đặt vấn đề mua lại nhà xưởng nhưng họ không bán.

Đến giờ tuy kết luận đã minh oan cho Vietfoods song sản xuất vẫn chưa thể vận hành lại như cũ vì hậu quả của thông tin sai là quá lớn, thậm chí vẫn còn đầy rẫy những bài báo, đoạn tin phản ánh xúc xích Vietfoods chứa chất gây ung thư tràn lan trên mạng khiến người tiêu dùng tẩy chay sản phẩm này. Theo DN này, ước tính thiệt hại họ phải gánh chịu lên đến 10 tỷ đồng.

 

 


Người viết : Thái Nguyễn (Zing.vn)