Hiểu cây trồng và vật nuôi từ xa

Hiểu cây trồng và vật nuôi từ xa

Thứ tư, 28/01/2015, 13:51 GMT+7

Bạn đang ngồi uống cà phê, điện thoại đổ chuông cảnh báo các chú tôm đang “kêu la” vì thiếu oxy. Vài thao tác trên điện thoại thông minh, oxy được bổ sung vào ao tôm, bản báo cáo hiện lên cho biết các yêu cầu đã được thực hiện, bạn yên tâm tiếp tục cuộc trò chuyện cùng bạn bè.

Việc áp dụng công nghệ cao nhờ những cảm biến không dây giúp người nông dân có thể hiểu được cây trồng và vật nuôi mà không cần phải đến tận trang trại. Ảnh: THÙY DƯƠNG
Việc áp dụng công nghệ cao nhờ những cảm biến không dây giúp người nông dân có thể hiểu được cây trồng và vật nuôi mà không cần phải đến tận trang trại. Ảnh: THÙY DƯƠNG

Đây không phải là câu chuyện ở đâu đó xa xôi mà đang diễn ra tại huyện Cần Giờ, TPHCM. MimosaTek đang viết những trang đầu tiên của câu chuyện nông nghiệp công nghệ cao nhờ những cảm biến không dây, giúp người nông dân có thể hiểu được cây trồng và vật nuôi mà không cần phải đến tận trang trại.

Thời khắc đã điểm

Năm 2012, giữa lúc đang làm việc tại TPHCM trong vai trò giám đốc phòng dịch vụ kỹ thuật chuyên nghiệp của DTS - một tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại Việt Nam, Nguyễn Khắc Minh Trí quyết định đầu tư trồng dâu trong nhà kính tại Đà Lạt.

Dự án trồng dâu được thực hiện từ cuối tháng 4-2012. Do nhiều lý do, trong đó, một phần do chủ đầu tư không thể toàn tâm toàn ý cho dự án vì vẫn phải đảm nhận công việc tại DTS, dự án hoạt động không như mong đợi và sớm kết thúc vào giữa năm 2014.

Nhưng qua công việc trồng dâu, Trí nhận thấy mình rất cần một phương tiện để quản lý vườn cây từ xa, cần một giải pháp giúp mình hiểu được cây trồng từ xa để có thể tự động hóa và tối ưu quá trình chăm sóc. Anh nghĩ mình cần thì chắc chắn người khác cũng cần, và anh ấp ủ một dự án giúp nông dân giải bài toán này.

Đầu tháng 10-2014, MimosaTek - cái tên được ghép từ tên của loài hoa Mimosa đặc trưng của Đà Lạt và “tek”, một cách viết tắt của từ technology (công nghệ) được đặt cho công ty mới ra đời nhằm mục đích giúp người nông dân làm nông nghiệp công nghệ cao để giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất trồng trọt và đạt được nhiều lợi nhuận hơn.

Qua dự án trồng dâu, bài học được Trí rút ra là không thể khởi nghiệp thành công nếu không dành toàn thời gian, toàn tâm, toàn ý cho dự án của mình. Anh đã quyết định thôi vị trí Giám đốc công nghệ tại DTS và ngưng luôn chức vụ Giám đốc điều hành tại SaigonCTT. Nhiều người bất ngờ trước quyết định này nhưng một số người hiểu Trí đều tin rằng anh sẽ thành công với MimosaTek.

“Đây thật sự là một quyết định khó khăn vì tôi đã gắn bó với công việc gần 10 năm, mọi thứ từ vị trí công việc, thu nhập, môi trường làm việc... đều rất ổn. Nhưng nhìn thấy xu hướng Internet của vạn vật (Internet of things), điện toán đám mây ngày càng phổ biến, ngay cả người nông dân cũng đã dùng điện thoại thông minh và sử dụng Facebook, tôi thấy đây chính là thời điểm thích hợp và có động lực trở thành người hỗ trợ nông dân cất cánh”, Trí chia sẻ những suy nghĩ đằng sau quyết định của mình.

Ông Hồ Tất Và, Giám đốc Công ty TNHH Long Đỉnh, chủ nông trại trà rộng 60 héc ta tại xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng - khách hàng đầu tiên của MimosaTek, nhận xét:

“Trước khi lắp đặt thử nghiệm hệ thống cảm biến tự động, mỗi ngày nhân viên của tôi phải đi đo các thông số của vườn trà (nhiệt độ, độ sáng, độ ẩm...) đến bốn lần. Kết quả cũng chỉ chính xác ở mức tương đối do những giới hạn của thiết bị đo.

Sau khi lắp đặt, không những tiết kiệm được nhân công, kết quả đo chính xác hơn, tôi còn có thể biết được các thông số về môi trường sống của vườn trà bất cứ lúc nào.

Điều này cực kỳ quan trọng vì cây trà rất nhạy cảm với thời tiết. Nhờ cảm biến, tôi biết trong đêm lúc nào lạnh nhất và lạnh bao nhiêu độ để sớm có kế hoạch bón phân ngay vào buổi sáng nhằm hỗ trợ cho cây.

Sắp tới, tôi sẽ đề nghị MimosaTek mở rộng ứng dụng này cho cả vườn trà 60 héc ta của tôi cũng như hoàn thiện thêm những chức năng khác”.

Đầu đã xuôi, hy vọng đuôi sẽ lọt

Sau ba tháng khởi nghiệp, MimosaTek đã có đối tác đầu tiên lắp đặt thử nghiệm sản phẩm. Đó là một vườn trà ô long tại Lâm Đồng. Tại đây, một khu vực 2.000 mét vuông trồng trà đồng nhất được lựa chọn làm mẫu để lắp bảy cảm biến. Mỗi cảm biến đo một thông số gồm: nhiệt độ, độ ẩm không khí, áp suất, ánh sáng, gió, mưa và độ ẩm của đất trồng. Các thông số đo được qua cảm biến sẽ truyền đến điện thoại thông minh của người chủ trang trại. Bất cứ khi nào và ở đâu, chỉ cần bật điện thoại, truy cập vào phần mềm do MimosaTek cung cấp là chủ trại có thể biết được các thông số môi trường tại khu vực lắp đặt cảm biến. Cũng qua điện thoại, chủ trại có thể điều khiển việc tưới nước cho cây.

Đây chỉ mới là giai đoạn đầu của dự án. Giai đoạn tiếp theo, MimosaTek sẽ xây dựng các thuật toán tối ưu để hệ thống có thể tự động chăm sóc cây trồng căn cứ vào diễn biến của thời tiết và nhu cầu của cây, sau đó gửi báo cáo đến người dùng.

Trí cho biết hiện MimosaTek đang phối hợp với đối tác để hoàn thiện dần sản phẩm và chỉ bàn đến vấn đề chi phí khi khách hàng thật sự hài lòng với những lợi ích mà sản phẩm mang lại.

“Chúng tôi cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau tùy theo nhu cầu của từng khách hàng. Có dịch vụ khách chỉ phải trả phí sử dụng hàng tháng mà không lo đến chi phí hạ tầng lắp đặt; có dịch vụ khách cần trả thêm chi phí lắp đặt đối với một số phần cứng chuyên biệt. Dù với phương thức nào, triết lý kinh doanh của MimosaTek là không lấy chi phí phần cứng làm lợi nhuận nhằm tạo điều kiện để mọi khách hàng nông dân đều có cơ hội áp dụng công nghệ vào nông nghiệp”, anh Trí nói.

Ngoài đối tác nêu trên, hiện MimosaTek đang chuẩn bị ký hợp đồng cung cấp phần mềm quản lý sản xuất cho một công ty nuôi gia súc xuất khẩu với nhiều trang trại tại vùng Đông Nam bộ. Với phần mềm này, chỉ cần vài giây thao tác chủ trang trại có thể biết được hồ sơ của một con vật từ lúc vào trại cho đến khi xuất chuồng với đầy đủ những thông tin theo yêu cầu của khách hàng.

Trí cho biết đã có nhiều đối tác/khách hàng chủ động tìm đến đề nghị MimosaTek cung cấp các giải pháp cho những vấn đề mà họ gặp phải. “Những ý tưởng và sản phẩm mẫu của MimosaTek đưa ra được nhà nông đón tiếp nồng nhiệt khiến chúng tôi thêm tự tin với con đường đã chọn”, Trí nói.

Trí cũng chia sẻ MimosaTek đang ấp ủ thêm gói dịch vụ truy vết sản phẩm nhằm giúp các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản tạo được lòng tin từ khách hàng nước ngoài khi bước đầu chưa có thương hiệu.

 


Người viết : Đức Tâm (Thời báo Kinh tế Sài Gòn)