Hồ tiêu lại 'nóng'
Thứ tư, 19/08/2015, 16:29 GMT+7
Giá hồ tiêu lại tăng cao kỷ lục. Chuyện chặt cà phê, cao su, điều... chuyển sang trồng hồ tiêu lại tiếp diễn ồ ạt mà chưa có lời giải. Nguy cơ tự đánh mất thị trường bởi cách sản xuất ồ ạt, chạy theo số lượng của ngành hồ tiêu Việt Nam là khá cao.
Trong khi một số mặt hàng chủ lực như cà phê, gạo, cao su... giảm mạnh cả về khối lượng, kim ngạch, thì xuất khẩu hồ tiêu giảm hơn 20% về khối lượng nhưng giá trị vẫn tăng.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, khối lượng tiêu xuất khẩu tháng 7/2015 ước đạt 10.000 tấn, với giá trị đạt 104 triệu USD. Khối lượng xuất khẩu tiêu 7 tháng đầu năm 2015 lên 98.000 tấn, giá trị 920 triệu USD, giảm 20,6% về khối lượng nhưng tăng 1,9% về giá trị.
Giá tăng kỷ lục
Giá tiêu xuất khẩu hiện đang cao kỷ lục trong lịch sử ngành hồ tiêu, với 2 mặt hàng tiêu đen và trắng.Theo thông tin từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), hiện tiêu đen xuất khẩu có giá 8.860 USD/tấn, tiêu trắng đạt 12.683 USD/tấn. Giá tiêu tăng cao như vậy, được các chuyên gia phân tích là lượng cầu không nhiều biến động so với năm trước, nhưng so với cung, cầu vẫn cao hơn.
Các thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ, Singapore và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất, với 39,84% thị phần. Các thị trường có giá trị tăng mạnh là Đức (41,5%), Thái Lan (38,8%), và Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (34,7%).
Dự báo tình hình xuất khẩu những tháng cuối năm, bà Nguyễn Mai Oanh, Phó Chủ tịch VPA, cho biết tuy số lượng xuất khẩu có thể không bằng 2014, nhưng với giá xuất khẩu trên 9.000 USD/tấn, tổng kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam hoàn toàn có thể đạt 1,2 tỷ USD như năm trước. Nguyên nhân được cho là do nhu cầu thế giới năm nay sẽ cao hơn năm trước, đặc biệt là một số thị trường lớn như Trung Quốc đang tăng mạnh sẽ khiến giá khó giảm nhiều.
Giá hồ tiêu tăng cao như làn gió mạnh cuốn phăng đi các loại cây trồng khác chỉ để dành đất cho cây hồ tiêu. Tại nhiều địa phương trồng tiêu, làn sóng chặt cây cà phê, cao su, điều, phá sân, vườn, nhà nhà đua nhau trồng tiêu đã mạnh như vũ bão.
Tại các huyện Buôn Đôn, Cư Kuin (Đăk Lăk), nhiều vườn hồ tiêu đang có giá trong khi nhiều vườn cà phê già cỗi, đang cho năng suất thấp, hiệu quả kinh tế kém nên nhiều hộ dân, chặt bỏ cà phê chuyển sang trồng tiêu.
Đại diện Sở NN&PTNT Đăk Lăk lo ngại diện tích tiêu sẽ vượt gấp đôi quy hoạch ở mức 10.000 ha thay vì con số5.700 - 5.800 ha như dự kiến của ngành nông nghiêp. Các vùng trồng tiêu ngoài quy hoạch ở địa bàn Ea HLeo, Krông Buk, Buôn Hồ, Krông Pak, Krông Năng… hiện đã lên đến 300 - 400 ha. Đây là mối lo của ngành nông nghiệp vốn đã bấp bênh và thiếu bền vững như hiện nay.
Thống kê của Sở NN&PTNT Đăk Nông cho thấy chỉ trong 7 tháng đầu năm 2015, trên địa bàn toàn tỉnh đã có thêm gần 3.000 ha tiêu được trồng mới, tập trung nhiều ở các huyện Tuy Đức, Đăk Song, Đăk Rlấp, Cư Jút và Đăk Glong. Toàn tỉnh có hơn 17.000 ha tiêu, nhưng thực tế con số này được cảnh báo có thể lên tới 20.000 ha, cao gấp 3 lần quy hoạch về phát triển cây tiêu ở Đăk Nông vì những cây trồng ở vùng bìa rừng thung sâu không thể thống kê hết được.
Điều đáng nói là việc trồng tiêu được nông dân làm bất chấp mọi lời khuyến cáo, bất chấp điều kiện đất xấu khiến chi phí đầu tư tăng cao nhưng nông dân vẫn tính toán theo kiểu "đếm cua trong lỗ" và mải miết đầu tư.
Giúp nông dân "tự bơi"
Với cách tư duy như vậy, nhiều nơi người dân bạt đồi, xẻ đất đá tìm mọi cách để phát triển vườn tiêu. Tuy nhiên, chỉ có điều nông dân của ta có thói quen khi làm ăn vẫn thường tư duy một chiều.
Thường tính toán phần lợi nhuận thu được khi thuận lợi mà không hoặc ít tính đến khả năng thua lỗ bởi ảnh hưởng của thời tiết, sức mua của thị trường, ảnh hưởng của thổ nhưỡng, chất lượng cây giống. Việc nhiều nông dân sản xuất theo kiểu tù mù, thấy người ta làm được thì mình chắc sẽ làm tốt dù chưa từng có kinh nghiệm sản xuất hồ tiêu sẽ dễ dẫn đến hậu quả mà không ai khác chính những nông dân đó phải gánh chịu.
Theo Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch VPA, từ năm 2007 đến nay, giá hồ tiêu luôn giữ ổn định ở mức 180.000 - 200.000 đồng/kg, đã kích thích người dân mạnh dạn đầu tư cho cây tiêu. Vấn đề đáng lo ngại là nhiều diện tích trồng trên nhiều vùng đất không phù hợp khiến cho vốn đầu tư tăng cao, nhưng hiệu quả lại thấp.
Việc tăng nóng diện tích ngành hồ tiêu của Việt Nam thời gian qua tiềm ẩn rủi ro rất cao, vì cả nông dân và doanh nghiệp đều chạy theo năng suất và sản lượng thay vì chất lượng. Trong khi khả năng rớt giá sâu do cung vượt cầu trên thị trường hồ tiêu thế giới hoàn toàn có thể xảy ra trong vài năm tới.
Bên cạnh đó, mặc dù Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia là thị trường chính nhập khẩu hồ tiêu Việt Nam, nhưng lại có những đòi hỏi rất khắt khe về chất lượng và uy tín thương mại. Trong khi đó, tại nhiều nơi, để chạy theo số lượng, nhiều người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép dẫn đến nhiều rủi ro từ thị trường.
Hậu quả, từ quý III/2013, EU đã cảnh báo về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật có trong tiêu đen của Việt Nam vượt ngưỡng an toàn. Đến năm 2014, EU làm quyết liệt hơn và đã có khá nhiều lô hàng của Việt Nam bị trả về. Các nước khó tính trong khối EU đang dần chuyển sang nhập khẩu tiêu từ Ấn Độ và Brazil.
Cơn sốt hồ tiêu cứ diễn ra như vũ bão mặc sự khuyến cáo của chính quyền địa phương. Từ câu chuyện hồ tiêu, nhân rộng ra nhiều loại cây khác, cho thấy chính quyền đương nhiên không thể dùng mệnh lệnh hành chính để can thiệp chuyện trồng, chặt cây của nông dân. Điều quan trọng là cần có biện pháp tuyên truyền sâu đến cho nông dân để họ nhận thức, thay đổi tư duy và có đầy đủ kỹ năng, hiểu biêt về kỹ thuật, thị trường để có thể "tự bơi" mà không đuối.
Người viết : Thu Hường (Thời báo kinh doanh)
Các tin khác :
- VEDAN VIỆT NAM LIÊN TIẾP KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ VỚI “THƯƠNG HIỆU VÀNG NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2024” (24/10/2024)
- HDBank vừa đồng loạt triển khai những hoạt động ý nghĩa, sát cánh cùng khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi và hoàn lưu bão (24/10/2024)
- Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam: Cùng Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam, Agribank kiến tạo tương lai tươi sáng cho nông nghiệp Việt (22/10/2024)
- Triển lãm Quốc tế VINACHEM EXPO 2024 và CAC Vietnam 2024 sẽ diễn ra từ ngày 27 - 29/11/2024 tại Trung tâm Hội chợ & Triển lãm Sài Gòn (SECC) (11/04/2024)
- Tổng hội NN&PTNT Việt Nam tập huấn liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và thị trường nông sản tại Bắc Kạn (19/11/2021)
- Lãnh đạo Tổng hội nông nghiệp và PTNT Việt Nam đã đến thăm và làm việc tại Sơn La (19/03/2021)
- Hơn 8.000m2 rừng bị tàn phá ở Kon Tum (23/10/2020)
- Kết luận của Phó Thủ tướng về việc xuất khẩu gạo (23/04/2020)
- Thủ tướng chỉ thị cấp bách tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó dịch Covid-19 (25/03/2020)
- Huyện Đức Hòa đưa thêm 3 công trình cầu giao thông nông thôn vào sử dụng (17/02/2020)