Hòa Vang huy động gần 1.700 tỷ đồng xây dựng NTM

Hòa Vang huy động gần 1.700 tỷ đồng xây dựng NTM

Thứ sáu, 03/04/2015, 09:56 GMT+7

Đã đến nhiều làng quê trên phạm vi cả nước nhưng tôi thấy ít nơi nào diện mạo nông thôn mang dáng dấp đô thị như ở Hòa Vang. 

Mô hình nuôi cá lồng bè trên sông Cu Đê ở xã Hòa Bắc.
Làng quê lên phố

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đầu tư không nhỏ từ ngân sách, hỗ trợ rất hiệu quả của các tổ chức, đơn vị, DN..., huyện Hòa Vang, địa phương duy nhất ở Đà Nẵng xây dựng NTM đã giành thành tựu nổi bật trên tất cả các lĩnh vực.

Tiếp theo 2 xã Hòa Tiến, Hòa Châu về đích cuối năm 2013; bốn xã Hòa Phong, Hòa Phước, Hòa Khương, Hòa Phú đã hoàn thành 19/19 tiêu chí cuối năm 2014. Với đà này, 5 xã còn lại sẽ hoàn thành tiêu chí NTM vào cuối năm nay, vượt kế hoạch đề ra 1 năm.

Mỗi xã được đầu tư hơn 150 tỷ đồng

Đã đến nhiều làng quê trên phạm vi cả nước nhưng ít nơi nào diện mạo nông thôn mang dáng dấp đô thị như ở Hòa Vang. Không chỉ điện đường, trường, trạm... hoàn thiện, hiện đại, mà tỷ lệ nhà ở dân cư ở huyện này xây cao tầng khá lớn.

Ông Nguyễn Vệ, cán bộ MTTQ Việt Nam huyện của một tỉnh Bắc miền Trung đã nói như vậy khi chúng tôi đưa đoàn do ông phụ trách tham quan một số xã của huyện Hòa Vang, nhân chuyến vào Đà Nẵng công tác cách đây không lâu.

Với 119 thôn của 11 xã, dân số khoảng 120 nghìn người, hơn 4 năm qua, Hòa Vang đã huy động tổng nguồn lực gần 1.700 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách hơn 240 tỷ đồng, vốn đầu tư thông qua lồng ghép các chương trình, dự án hơn 690 tỷ đồng, nguồn đóng góp của nhân dân hơn 340 tỷ đồng, hỗ trợ của các tổ chức, đơn vị, DN... hơn 78 tỷ đồng...

Tính ra, bình quân mỗi xã được đầu tư 154 tỷ đồng.

Ông Vệ cho biết thêm: Điều ghi nhận hơn cả ở địa phương này là đã huy động được nguồn lực rất lớn từ sức dân. Tính ra, nhân dân mỗi xã đã đóng góp hơn 30 tỷ đồng, điều mà có lẽ ít nơi nào làm được.

Sau khi ghé thăm các khu phố tại thôn Bầu Cầu xã Hòa Châu, chúng tôi đến nơi mà thôn xóm vẫn như hàng chục năm trước, có chăng nay đường rộng hơn, nhà cao hơn và đời sống khá giả hơn, đó là thôn Trà Kiểm xã Hòa Phước.

Vừa đến đầu thôn, ai nấy yêu cầu dừng xe xuống ngắm cảnh sắc làng quê, nhất là cổng làng uy nghi vừa hoàn thành cách đây hơn một tháng.

Trong vai hướng dẫn viên du lịch không chuyên, tôi giới thiệu về thôn Trà Kiểm, làng quê có bề dày gần 700 năm với những người cùng đi.

Về vị trí địa lý, Trà Kiểm là thôn cực Nam của Đà Nẵng, tiếp giáp với Quảng Nam. Đây là thôn có hoạt động chăn nuôi rất phát triển, trong số 180 hộ có hơn 60 hộ nuôi chim cút quy mô gia trại. Không ít gia đình thu nhập 2-3 tỷ đồng/năm từ chim cút.

Cổng chào của thôn có tổng vốn đầu tư 140 triệu đồng từ đóng góp của nhân dân. Cổng chào này vừa có nét cổ kính, vừa hiện đại, quy mô lớn nhất tại các làng xã ở Hòa Vang.

Cách đây không lâu, con đường này chỉ rộng 3,5 m, quanh co, nay là tuyến liên thôn rộng 5,5 m. Chiếc xe 16 chỗ ngồi chở đoàn tham quan di chuyển chầm chậm trên đường bê tông xuyên qua địa bàn thôn Trà Kiểm.

Chạy qua gần hết địa bàn thôn, chị Lê Thị An, phó đoàn đánh giá: Nói đúng hơn, thôn này nửa quê nửa phố. Đường sá thoáng rộng, có đèn cao áp chiếu sáng ban đêm, nhà cao tầng, trông từa tựa như phố.

Thế nhưng xen kẽ giữa những ngôi nhà xây tầng kiểu biệt thự, không ít ngôi nhà trệt, khuôn viên thoáng rộng, nhiều cây cối, thỉnh thoảng bắt gặp các lũy tre, đây chính là vóc dáng của làng quê Việt.

Tại thời điểm này, gần 100% thôn ở Hòa Vang đã triển khai việc thu gom rác tại nhà, 97% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh. Phong trào "Thôn không rác" và "Ngày Chủ nhật xanh sạch đẹp" duy trì thường xuyên đã làm đổi thay cơ bản nhận thức của mỗi người dân, từ đó ai nấy tự giác hơn, tích cực hơn trong việc bảo vệ môi trường.

Tôi phụ họa thêm: Trà Kiểm là thôn tiên phong trong nâng cấp mạng lưới giao thông. Đến nay, 100% trục chính và kiệt xóm đều bê tông hóa. Nhiều năm nay, thôn này dẫn đầu Hòa Phước về thu nhập, nay xấp xỉ 30 triệu đồng/người/năm. Không ít người từ thành phố về đây du ngoạn đều thầm ước được sống trong khung cảnh nửa quê nửa phố này.

Chú trọng phát triển kinh tế

Bên cạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo hướng đô thị, 4 năm qua, huyện Hòa Vang đặc biệt chú trọng phát triển tế, trong đó ưu tiên xây dựng các vùng SX tập trung, kinh tế hộ quy mô gia trại...

Bốn năm qua, huyện đã xây dựng khá thành công 5 vùng rau an toàn, 2 vùng chuyên SX lúa giống, 4 vùng trồng hoa quy mô lớn. 19 thôn tiếp nhận khá nhiều vốn đã triển khai hiệu quả đề án cải tạo vườn tạp.

Đến nay, một số vườn thanh long ruột đỏ, tre lấy măng đã cho thu hoạch, hiệu quả kinh tế cao. Một số loài cây ăn quả dài ngày như bơ, mít đã gần cho thu hoạch.

Gần 3.000 lao động nông thôn được đào tạo nghề, 7.200 lượt người tham gia nhiều đợt tập huấn kỹ thuật... 70 mô hình phát triển kinh tế hộ được hỗ trợ kinh phí phát triển quy mô lớn.

Mô hình nuôi cá lồng bè trên sông Cu Đê ở xã Hòa Bắc
Mô hình nuôi cá lồng bè trên sông Cu Đê ở xã Hòa Bắc

Sau 4 năm có thêm 4 HTX, 21 tổ hợp tác thành lập, 2 làng nghề đó là làng chế biến rượu cần Phú Túc của bà con Cơ Tu, làng bánh tráng Túy Loan ra đời. 19 cơ sở SX đã đăng ký thương hiệu, trong đó 2 cơ sở đã tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử...

Một số vùng SX tập trung như vùng nuôi tôm Trường Định (Hòa Liên), nuôi cá nước ngọt Nam Thành (Hòa Phong), Phú Sơn 2 (Hòa Khương), trồng hoa Nhơn Thọ (Hòa Phước), nuôi chim cút Trà Kiểm (Hòa Phước), vùng SX lúa giống Hòa Tiến, ươm keo giống ở Hòa Hải (Hòa Phú) đã khẳng định ưu thế vượt trội về thu nhập, là cơ hội làm giàu cho hàng nghìn nông hộ.

Cũng từ bước đột phá này, Hòa Vang đã đẩy nhanh công cuộc xóa nghèo. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới giảm xuống dưới 5%. Thu nhập bình quân đầu người 25 triệu đồng/năm. Địa phương này cũng đạt kết quả rất quan trọng trong đảm bảo môi trường nông thôn sạch, đẹp trong lành.


Người viết : Nguyễn Cầu (Nongnghiep)