Về làng biển bãi ngang ở Quảng Bình 3 tháng sau thảm họa cá chết, chúng tôi cảm nhận thật rõ một không gian ảm đạm. Con cá khó kiếm tìm khiến cuộc sống ngày mỗi khó khăn. Càng khắc khoải bởi tiếng thèm cá từ ngư dân và bà con miền biển. Và hoang mang bởi nghề gần bờ thất bát trắng tay; rồi chợ búa, muối mắm... ngày mỗi vắng vẻ.
Ba tháng nằm bờ |
Biển gần hiu hắt
Ông Hoàng Đình Phi, trưởng thôn làng biển Xuân Hòa (Quảng Xuân, Quảng Trạch, Quảng Bình) cho biết: Làng có 839 hộ dân, 3.800 khẩu; dân làm ăn với 270 tàu thuyền, trong đó có 27 tàu trên 90CV trở lên, 74 chiếc dưới 90CV, 61 bơ nan, còn lại mủng chai 108 chiếc. Loại dưới 90CV và các thứ bơ nan, mủng chai đã hoàn toàn nằm bờ từ ngày cá chết hàng loạt. “Cũng có hai tàu đi liều gần bờ, vào được khoảng 3 tấn nhưng rồi không ai mua nên đành chôn tiêu hủy”, ông Phi cho hay.
Ngư dân Nguyễn Văn Đông cho biết: “Mùa biển năm nay thật sự không có đồng bạc nào cả, chỉ gạo cứu trợ và tiền hỗ trợ của nhà nước. Thuyền hoàn toàn đóng chặt vào bờ cả ba tháng nay. Mọi năm, đánh bắt gần bờ, đi chuyến nào là có miếng ăn, miếng bán, còn năm nay… nhà nào cũng phải chòi đạp trên bờ”. Phó Bí thư Đảng ủy xã Quảng Xuân, ông Dương Minh Hợi dẫn chúng tôi ra biển Xuân Hòa. Biển vắng vẻ, nếu bình thường, không có chuyện cá chết, bãi Xuân Hòa luôn nhộn nhịp tàu đánh cá gần bờ. Ông Hợi nói: “Rất nan giải, có thuyền về thì các dịch vụ trong bờ mới vận hành. Nhưng ngư dân gác lưới, không có tiền thì hàng quán cũng điêu đứng”. Ở các xã Ngư Thủy Nam, Ngư Thủy Trung, Ngư Thủy Bắc (huyện Lệ Thủy), Hải Ninh (huyện Quảng Ninh), tình hình ngày mỗi khó khăn hơn. Bà Nguyễn Thị Hoa cho biết: “Chưa có năm nào như năm này, khó đến mức không thể hình dung ra được”.
Nghịch lý dân biển thèm cá
Ngư Thủy đoạn cuối tháng 6-2016, nghề đánh cá nước mặt đang thu sản lượng lớn nhưng Bí thư Đảng ủy xã Ngư Thủy Nam, ông Nguyễn Thanh Lâm kể buồn: “Cá đưa vào toàn là cá nước mặt như nục, cơm, trích di cư theo luồng từ nơi khác. Nhiều nhưng bán ở các đình chợ không ai mua. Còn vùng rạn ngư dân đi câu hoàn toàn vắng bóng cá tầng đáy, trong khi cá tầng đáy mới có giá trị cao. Nhà tôi kêu thợ về làm nhà, chuẩn bị mồi đồ biển tươi rói nhưng không ai dám thò đũa. Tâm lý sợ cá độc vẫn còn”. Người như ông Lâm, thèm cá quá thì “cũng đi mua mấy con cá trích tươi, nướng lên ăn liều dù trong bụng ngai ngái vì không biết sau này có việc gì không”. O Trần Thị Sô (72 tuổi), một trong những cựu pháo binh Ngư Thủy năm xưa, than thở: “Cá chết, không có món biển, người cứ dại đi. Có mấy thuyền trong làng Liêm Tiến đi đánh cá nước mặt, o xin chút ít, họ cho thì kho mặn lên ăn cho đỡ thèm”. O nói thêm: “Vợ chồng o già rồi không sợ chết, nên liều ăn, chứ người trẻ, họ ngại lắm”. Ngược ra xã biển Quảng Phú, Quảng Trạch, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Từ ngày cá biển chết, gia đình chuyển sang ăn cá nước ngọt nhưng ăn mãi cũng chán. Thèm, nhớ cá biển, có lúc tui đi tìm mua về ăn một mình, chứ không dám cho vợ con ăn vì sợ”. Bà Trần Thị Bê ở làng Thanh Bình (Quảng Xuân) thì nói: “Thèm quá mà đánh liều, kiếm vài con cá nục kho cho đỡ quay quắt chứ cũng sợ lắm. Sống bên biển, thèm đồ biển mà không dám ăn thì đúng là cực hình”.
Nỗi lo tái nghèo
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú cho biết: “Cá chết, ảnh hưởng rất lớn đời sống người dân. Hộ nghèo năm 2016 còn 4,4%, nhưng năm nay khó khăn do cá chết chắc sẽ tăng thêm hơn 2%”. Ông Dũng nói thêm, riêng về diêm dân làm muối có 271 hộ, với 73ha, mỗi vụ trung bình đem lại cho các hộ dân 6-7 tỷ đồng, nhưng người làm muối đã đóng cửa ruộng muối từ ngày xảy ra cá chết. Mất không chừng đó tiền, như vậy hộ nghèo chắc chắn sẽ tăng. Người làm nghề biển gần bờ “đóng thuyền” từ ngày cá chết. Ba tháng không đi biển, thiệt hại vô cùng lớn, rồi thì tương lai cũng chưa thể ra khơi được, nguy cơ tái nghèo tăng cao, ông Dũng đánh giá.
Ông Nguyễn Viết Ánh, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết: “Xã Hải Ninh có một số ít tàu xa bờ, còn lại 460 thuyền đánh gần bờ là tái nghèo luôn”. Trong khi đó ở xã Ngư Thủy Nam, ông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, số hộ tái nghèo có thể sẽ tăng so với năm trước bởi năm nay cá chết kéo theo quá nhiều hệ lụy. Ở thôn Xuân Hòa, ông Phi cũng khẳng định, hộ nghèo sẽ tăng do cá chết, cần có các giải pháp đồng bộ để bà con ngư dân ổn định lâu dài vì không thể trông chờ mãi vào gạo cứu trợ của Nhà nước. Ngư dân Nguyễn Hòa nói: “Không sản xuất bình thường được thì có cả núi vàng vẫn sẽ nghèo. Ra biển mới là thượng sách nhưng giờ thì chẳng biết bao giờ mới đi biển lại được”.
Nguyên nhân gây ra cá chết vừa được công bố, nhưng nỗi hoang mang của người dân giờ chỉ vơi đi chứ chưa thể dứt hẳn được. Bởi sắp tới sinh sống thế nào? Dù có được bồi thường, hỗ trợ đi nữa thì chuyển nghề là câu chuyện không thể ngày một ngày hai với người dân sinh ra chỉ biết có nghề biển. Biển bao giờ bình thường lại như xưa? Quá nhiều câu hỏi, mà câu trả lời thì tự thân người dân không thể có được…