Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Long An năm 2016

Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Long An năm 2016

Thứ ba, 18/10/2016, 15:51 GMT+7

Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Long An năm 2016

Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Long An năm 2016

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tạo mọi điều kiện để Long An thu hút đầu tư

Sáng nay, 17-10, tại TP Tân An, UBND tỉnh Long An tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Long An năm 2016 với chủ đề “Hội nhập – Phát triển bền vững". Tham dự hội nghị có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình và gần 600 đại biểu đến từ Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ban ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh thành, các tổ chức quốc tế, lãnh sự nước ngoài tại Việt Nam, các hiệp hội ngành nghề, các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư trong và ngoài nước, gần 100 cơ quan thông tấn báo chí đến đưa tin.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Bí thư Tỉnh ủy Long An Phạm Văn Rạnh và Chủ tịch UBND tỉnh Long An Trần Văn Cần, đồng chủ trì hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, ông Trần Văn Cần khẳng định, các hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh Long An trong thời gian qua đã tận dụng và phát huy tốt những lợi thế của tỉnh và mang lại hiệu quả thiết thực. Đến nay, Long An có gần 7.900 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng vốn đăng ký trên 189.000 tỷ đồng. Gần 1.300 dự án đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn gần 140.000 tỷ đồng.

Toàn tỉnh Long An có 16 khu công nghiệp đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy khoảng 61%, có 14 cụm công nghiệp đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy hơn 88%. Thu hút đầu tư nước ngoài đứng đầu các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, với 772 dự án của 37 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào tỉnh Long An với số vốn đăng ký trên 5,1 tỷ USD. Long An hiện có khoảng 5.000 ha đất sạch có khả năng tiếp nhận các dự án đầu tư đến năm 2020.

Tại Hội nghị Xúc tiến Đầu tư lần này, UBND tỉnh Long An giới thiệu 16 dự án mời gọi đầu tư, bao gồm: Khu kinh tế cửa khẩu Long An; Khu công nghiệp Phú An Thạnh; Khu công nghiệp Việt Phát; Hệ thống tiêu thoát nước mưa và hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt thành phố Tân An; Khu sinh thái Đồn Rạch Cát; Khu phức hợp giải trí Khang Thông; Trung tâm công nghệ sinh học vùng Đồng Tháp Mười; Khu vực tiếp nhận kho vận, logistic - Cảng Long An; Khu vực tiếp nhận kho vận lương thực tại vùng Đồng Tháp Mười; Trung tâm kho vận và dịch vụ logistic Bến Lức; Phát triển chăn nuôi bò thịt; Đầu tư sản xuất và xây dựng nhà máy chế biến khoai mỡ; Trục hạ tầng giao thông - đô thị kết nối với TPHCM; Đường vành đai thành phố Tân An; Nhà máy chế biến Thanh Long; Dự án phát triển năng lượng mặt trời.

Tổng giá trị 16 dự án mời gọi đầu tư vào Long An là hơn 7 tỷ USD và 6.300 tỷ đồng. Hiện nay đã có 6 nhà đầu tư đăng ký cam kết đầu tư vào Long An với số vốn đăng ký hơn 2 tỷ USD và hơn 5.000 tỷ đồng.

Các đại biểu tham dự hội nghị đều cho rằng Long An có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển cả về nông nghiệp và công nghiệp. Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, Long An chiếm hơn nữa tổng diện tích vùng Đồng Tháp Mười với nhiều vùng đất rộng lớn, rất thuận lợi để phát triển nông nghiệp, trở thành một trong những tỉnh cung cấp lúa gạo lớn nhất cả nước. Về phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư, GS.TS Võ Thanh Thu cho biết, qua thực hiện đề tài nghiên cứu về tình hình phát triển kinh tế của Long An thời gian qua, cho thấy Long An là tỉnh thu hút nguồn vốn FDI rất lớn, số dự án nước ngoài đăng ký vào hoạt động đầu tư trên địa bàn tỉnh chiếm đến 60% dự án đầu tư vào cả vùng đồng bằng sông Cửu Long. Long An đứng thứ 12 cả nước về thu hút đầu tư. TS Trần Du Lịch cũng ví von rằng Long An cần lựa chọn và thu hút những “con sếu” đầu đàn để phát triển “đàn sếu” trong từng lĩnh vực thu hút đầu tư.

Tại hội nghị, UBND tỉnh Long An đã ký kết 4 biên bản ghi nhớ đầu tư với các công ty liên doanh nước ngoài và doanh nghiệp trong nước nhằm triển khai thực hiện các dự án trục giao thông nối Tiền Giang – Long An – TPHCM, xây dựng tuyến đường vành đai thành phố Tân An, đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, khu dân cư trên địa bàn huyện Bến Lức, huyện Đức Hòa. Tỉnh Long An cũng đã trao 12 giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án về xây dựng hạ tầng, sản xuất đồ dùng bằng kim loại, chế biến thức ăn chăn nuôi, sản xuất giày dép, may mặc, bao bì… Ngoài ra, UBND tỉnh Long An cũng chứng kiến lễ ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh của 6 đơn vị doanh nghiệp trong và ngoài nước hợp tác khai thác cảng biển quốc tế Long An, xuất khẩu chuối sang thị trường Nhật Bản, xây dựng khu trung tâm thương mại – dịch vụ ô tô Trường Hải.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những nỗ lực và đánh giá cao những thành tựu nổi bật mà tỉnh Long An đã đạt được trong thời gian qua. Long An là địa phương có mức chuyển dịch kinh tế nhanh, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI của Long An đứng thứ 9 trong cả nước và đứng thứ 2 tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Trong 5 năm qua, Long An đã thu hút được hơn 700 dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài với hơn 5 tỷ USD vốn đăng ký đầu tư.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Long An nằm ở vị trí cửa ngõ nối TPHCM với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, có cảng biển, đất đai rộng lớn, rất thuận lợi để phát triển cả nông nghiệp và công nghiệp. Cho nên trong thời gian tới, Long An cần có sự đột phá mạnh mẽ trong phát triển, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư tìm đến Long An. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, Long An cần hướng tới xây dựng mô hình chính quyền điện tử gắn với hoạt động hành chính công, tạo hành lang pháp lý minh bạch, công bằng. Đồng thời, lãnh đạo tỉnh Long cần tăng cường đối thoại với doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, tích cực cải thiện môi trường đầu tư và đảm bảo thực hiện nghiêm các cam kết với doanh nghiệp. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị với các doanh nghiệp, nhà đầu tư có lời nói và hành động thống nhất, không chậm trễ trong triển khai dự án sau khi được trao giấy phép.

Trong quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn tỉnh Long An cần chú trọng tính liên kết vùng, tranh thủ sự hỗ trợ của các địa phương lân cận như TPHCM, các tỉnh Đông Nam Bộ, khu vực đồng bằng sông Cửu Long để đẩy mạnh phát triển. Đồng thời, tỉnh Long An cũng phải xây dựng được thế mạnh phát triển đặc trưng, tạo sự khác biệt trong thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Long An phải giải quyết tốt bài toán kết nối giao thông và bảo vệ môi trường để hướng đến sự phát triển bền vững, lâu dài.

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao cho các bộ, ngành quan tâm xem xét tạo cơ chế, chính sách trong các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Long An. “Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để Long An thu hút đầu tư, đột phá trong phát triển, giúp Long An hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Long An Trần Văn Cần cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến tìm hiểu cũng như thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn của tỉnh, với phương châm: "chúng tôi xem khó khăn của doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng là khó khăn của chúng tôi và thành công của họ cũng chính là thành công của chúng tôi". “Để tiếp tục cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư, góp phần thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh; trong thời gian tới Long An tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, nhất là về giải phóng mặt bằng. Đồng thời, lãnh đạo tỉnh sẽ định kỳ làm việc với các doanh nghiệp để động viên, hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển”, ông Cần khẳng định.

 


Người viết : Lê Ngân