Khảo sát một số mô hình HTX đã thành công tại các tỉnh như Đồng Tháp, Hà Tĩnh hay Hà Nội cho thấy vai trò đóng góp quan trọng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhận diện rõ một số đặc trưng cơ bản của mô hình HTX kiểu mới trong cơ chế thị trường…
Nhìn chung, kinh tế hợp tác xã (HTX) ở nước ta đã có nhiều đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng phát triển đất nước. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu đổi mới 1986-1996 thì số lượng HTX lại bị giảm đi đáng kể (năm 1986 cả nước có 73.470 HTX, đến năm 1996 chỉ còn 18.607 HTX). Năm 2003, cả nước chỉ còn 14.000 HTX, bằng 75% số lượng HTX năm 1996 và bằng 19% số lượng HTX năm 1986, tức là 81% HTX đã bị giải thể hoặc sáp nhập.
HTX gắn với việc tái cơ cấu nông nghiệp
Nhưng khoảng 10 năm gần đây thì HTX lại có xu hướng phát triển mạnh về số lượng. Và HTX ngày càng thể hiện vai trò cực kỳ quan trọng trong chính sách tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của Đảng và nhà nước bởi đây là những chính sách mang lại nhiều lợi ích cho người nông dân.
Thành công về các mô hình HTX tại một số tỉnh, thành đã chứng tỏ đây là “cách hiệu quả nhất, để giúp cho việc xây dựng nước nhà, là cách làm cho nông dân đoàn kết, làm cho nhà nông thịnh vượng” (Đường Kách Mệnh). Với thành công của mỗi HTX dù chưa đủ thể hiện tính bền vững trong sự phát triển nhưng cũng đã làm rõ thêm những bước đi của việc tái cơ cấu nền nông nghiệp ở từng địa phương gắn với việc xây dựng nông thôn mới.Hiệu quả hoạt động của HTX như thế nào có thể thấy rõ qua thu nhập thực tế của người nông dân. Thí dụ như đối với HTX Tân Cường, xã Phú Cường, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Tại đây, người nông dân đã biết đến khái niệm “cổ đông nông dân” và trong năm 2014 mỗi cổ đông của HTX này đã được nhận cổ tức 70.000 đồng/cổ phần với mệnh giá của một cổ phần là 120.000 đồng, tương đương hơn 58%/mệnh giá, một tỷ lệ cao mà nhiều công ty mơ ước chia cho các cổ đông.
Còn đối với Hợp tác xã Đan Hoài - Đan Phượng - Hà Nội thì các nông dân đã tự góp vốn, tạo ra sự đổi mới bằng mô hình liên kết trồng hoa với Tập đoàn Flora (Đài Loan). Nhờ liên kết mà doanh thu từ sản xuất hoa lan hồ điệp trong nhà kính hiện đại đạt từ 4-5 tỷ đồng/ha/năm; doanh thu từ sản xuất hoa lan vũ nữ, hoa ly trong nhà lưới hiện đại cấp II đạt từ 1,2-2 tỷ đồng/ha/năm. HTX đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho trên 30 lao động và gần 100 lao động bán thời gian, với thu nhập trung bình 3,5 triệu đồng/tháng. Hằng năm, HTX cung cấp cho thị trường hàng trăm nghìn cây lan hồ điệp, hàng chục nghìn hoa ly, lan vũ nữ... với phẩm chất không thua kém hoa nhập khẩu về độ bền và màu hoa. Về giá cả thì tùy từng giống lan, kiểu hoa, màu sắc mà mỗi giò lan có giá từ hàng chục ngàn đến hàng trăm ngàn đồng. Nếu đem tạo dáng, kết giò trong các chậu đẹp, kiểu dáng sang trọng thì giá còn đắt hơn nhiều, nhất là vào dịp lễ, Tết. Do vậy mà thu nhập của nông dân tham gia HTX đã cao lên. Hiện mỗi cành hoa có trên 13 bông, khi chưa liên doanh với Flora, hầu hết các cơ sở trồng hoa lan chỉ đạt được cao nhất là 12 bông/cành.
Đặc trưng của HTX kiểu mới
Có thể khẳng định những mô hình hợp tác xã như đã nói ở trên là những mô hình HTX kiểu mới với một số đặc trưng mới. Trước tiên, đây là mô hình HTX đã làm cầu nối gắn người nông dân sản xuất với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm từ đó mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người nông dân. Mô hình mới này đã tập trung tiếp cận bài toán kinh tế theo hướng làm sao tăng được giá trị gia tăng, tăng lợi nhuận trên cơ sở giảm được giá thành đầu vào chứ không chờ vào vào sự "kêu van" để có những quyết định hành chính tăng giá, trợ giá từ nhà nước như trước đây. Mô hình này đã nhấn mạnh tới sự đồng lòng, đồng thuận, tự giác tham gia hợp tác của người nông dân. Và mô hình này cũng sẽ dần dần tiến tới giải quyết cách làm manh mún, nhỏ lẻ cá thể để tạo ra một tổ hợp sản xuất, kinh doanh rộng hơn.
Chẳng thế mà trong một buổi tọa đàm về tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh mình, ông Lê Minh Hoan, bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp đã từng nêu quan điểm: Những tín hiệu về cánh đồng liên kết gần đây là khởi đầu cho bước chuyển mình hướng đến xây dựng nền nông nghiệp bền vững, khi người sản xuất trả lời được câu hỏi “trồng cây gì? bán cho ai? và bán như thế nào?” thì doanh nghiệp cũng trả lời cho mình câu hỏi “mua ở đâu? mua cái gì? và mua như thế nào?”. Chính các “cổ đông nông dân” và các doanh nghiệp mới trả lời chính xác điều mà thị trường đặt ra. HTX từng bước đầu tư, tích lũy để hình thành nên những vùng sản xuất quy mô lớn và đồng bộ kết cấu hạ tầng cũng như áp dụng khoa học kỹ thuật vào thâm canh, sản xuất, xây dựng phát triển thương hiệu, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản hàng hóa.
Cuối cùng, cũng như các doanh nghiệp, HTX kiểu mới quan trọng là hoạt động tuân theo quy luật của kinh tế thị trường nghĩa là dựa trên quan hệ hợp đồng, cạnh tranh chứ không phải cưỡng bức hay tiến cống. Và sự liên kết với các doanh nghiệp giúp HTX nắm bắt được tín hiệu của thị trường, ước lượng được nhu cầu của thị trường.
Đúng như ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Mặt trận tổ quốc Việt Nam nói: HTX kiểu mới sẽ giúp “nông nghiệp Việt Nam có khả năng chuyển sang một giai đoạn phát triển mới về chất, có tính đột phá, vì nó khắc phục được các yếu kém, cản trở kéo dài suốt 30 năm qua”. HTX kiểu mới sẽ làm cho thu nhập của người nông dân tăng cao, hạn chế điệp khúc được mùa rớt giá, tăng giá trị hàng hóa nông nghiệp xuất khẩu nhờ hàng hóa có xuất xứ, có thương hiệu, Nhà nước thuận lợi hỗ trợ vốn, KHCN, tiếp thị ra thị trường nước ngoài, đào tạo nhân lực, xây dựng thương hiệu cho nông dân./.