Hưởng lợi từ sản xuất tôm chuyên hoặc tôm - lúa tại vùng mặn?

Hưởng lợi từ sản xuất tôm chuyên hoặc tôm - lúa tại vùng mặn?

Thứ năm, 07/04/2016, 16:07 GMT+7

 Muốn “làm giàu nhờ nước mặn” thì cần phải biết dùng nước mặn như thế nào cho có lợi nhất. Báo chí chưa đăng tải chi tiết kỹ thuật sử dụng nước mặn để nuôi tôm, nhất là nuôi trong ruộng lúa, như thế nào mà không làm đất bị nhiễm mặn. Do đó có sự hiểu lầm của rất nhiều độc giả. Sau đây tôi xin trình bày kỹ hơn về kỹ thuật này, và sau đó nói thêm tại sao nhiều nông dân ta bị sạt nghiệp vì nuôi tôm, và khi có chủ trương nuôi tôm vùng mặn thì điều tiên quyết là nhà nước cần tổ chức cấu trúc hạ tầng thế nào cho nông dân chắc chắn làm giàu, chứ không thể để cho nông dân tự phát như trong thời gian vừa qua.

GS. Võ Tòng Xuân (phải) trên cánh đồng cùng với nông dân.
GS. Võ Tòng Xuân (phải) trên cánh đồng cùng với nông dân.

Kỹ thuật nuôi tôm trong ruộng lúa đầu tiên được khám phá bởi ông Ba Sên ở xã Long Điền Đông C, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Sau đó chúng tôi ở Viện Hệ thống Canh tác ĐBSCL của Đại học Cần Thơ nghiên cứu cơ sở khoa học của kỹ thuật này. Nhiều cơ quan khoa học quốc tế, đặc biệt là Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Úc, đã hợp tác với chúng tôi từ những năm 1991 trở đi. Kết quả khả quan đã được báo cáo rộng rãi, quí độc giả nào cần tham khảo xin lên GOOGLE gõ dòng chữ “rice-shrimp farming system, Mekong Delta” thì sẽ đọc được các thông tin này. Đáng chú ý nhất là báo cáo của Hội thảo về Cải tiến quản lý hệ thống lúa-tôm để ứng phó với biến đổi khí hậu tại ĐBSCL của Việt Nam do Chương trình nghiên cứu “Thích ứng và Chống chịu Biến đổi khí hậu” của Quỹ Rockefeller tài trợ tổ chức tại Cần Thơ ngày 29/07/2015.

Điển hình nuôi tôm tự phát tại vùng mặn bán đảo Cà Mau (Giá Rai, Bạc Liêu).
Điển hình nuôi tôm tự phát tại vùng mặn bán đảo Cà Mau (Giá Rai, Bạc Liêu).

Trong thời gian qua, nhiều nông dân gần nguồn nước mặn đã áp dụng kỹ thuật trồng lúa - nuôi tôm, trở nên khá giả. Những ruộng lúa này cũng là vuông tôm được đắp bờ bao, có mương sâu cho tôm sinh trưởng, bên trong cấy lúa vào đầu mùa mưa. Cuối mùa mưa, lúa được gặt xong, trong khi đất còn sình sền sệt (không được để ruộng khô nứt nẻ) thì cho nước mặn vào pha với nước ngọt còn trong ruộng, và thả tôm giống vào ruộng. Vì nước mặn vào ruộng lúc mặt ruộng còn ướt nên nước mặn chỉ ở trên mặt chứ không thể thấm vào đất ruộng bên dưới. Khi mùa mưa đến, nông dân dùng nước mưa đầu mùa để đẩy nước mặn ra ngoài sông và bắt đầu vụ lúa mới. Nếu cho nước mặn vào ruộng lúc đất khô nứt nẻ thì đất bị nhiễm mặn không trồng lúa được.

MỘT THÍ DỤ TẠI INDONESIA : Công nghệ nuôi tôm tại Tulang Bawang, tỉnh Lampung, Nam Sumatra, Indonesia (do Công Ty CP Prima đầu tư). Mỗi vuôn tôm được lấy nước mặn pha nước ngọt đến đúng độ mặn từ một kênh tưới riêng; và thải nước cũ ra một kênh tiêu riêng.
MỘT THÍ DỤ TẠI INDONESIA : Công nghệ nuôi tôm tại Tulang Bawang, tỉnh Lampung, Nam Sumatra, Indonesia (do Công Ty CP Prima đầu tư). Mỗi vuôn tôm được lấy nước mặn pha nước ngọt đến đúng độ mặn từ một kênh tưới riêng; và thải nước cũ ra một kênh tiêu riêng.

Nhiều nông dân khác trong vùng ngọt hóa phải trồng lúa, thấy mấy bạn bên ngoài đê ngọt hóa nuôi tôm khá giả hơn mình, đã lén phá đê ngăn mặn để lấy nước mặn nuôi tôm, đạt kết quả trong vài năm đầu rất khả quan, xây nhà mới, tậu nhiều vật dụng sang trọng. Tất cả họ đều hành động một cách tự phát, bất hợp pháp (ngược với chủ trương sản xuất lương thực của nhà nước). Những vuông tôm của họ được xây dựng nối tiếp nhau một cách vô tổ chức (xem ảnh vệ tinh của GOOGLE), nước thải từ vuông tôm này được vuông tôm kia hứng, làm cho bệnh tôm lây lan ngày càng trầm trọng, khiến nhiều người nuôi tôm trở nên sạt nghiệp sau vài năm làm giàu trước đó. Nhìn sang các nước Thái Lan, Philippines, Indonesia, người ta áp dụng công nghệ nuôi tôm được nhà nước cho đầu tư một cách khoa học, nông dân sản xuất rất yên tâm và hiệu quả cao. Cơ sở hạ tầng của công nghệ này chủ yếu có trung tâm chế biến đông lạnh tôm, có hệ thống kênh mương phân chia các vuông tôm (xem ảnh vệ tinh của GOOGLE dưới đây) bao gồm kênh chính lấy nước mặn từ sông hoặc biển vào pha với nước ngọt từ giếng khoan để có độ mặn thích hợp cho tôm, từ kênh chính này nước mặn đã pha được dẫn vào các kênh tưới dọc theo một bên các vuông tôm, một hệ thống kênh tiêu dọc theo bên kia của vuông tôm sẽ hứng nước thải dẫn vào một kênh tiêu chính để đưa ra biển xử lý.

Chủ trương nuôi tôm vùng ven biển hoặc vùng nhiễm mặn bên trong đất liền không thể thành công được nếu nhà nước cứ để cho dân tự phát xây dựng vuông tôm lung tung như hiện nay. Nhà nước, với vốn vay của WB hoặc ADB, cần tổ chức một cách đúng kỹ thuật, với hệ thống kênh mương như trên đây. Trong thời kỳ đổi mới tư duy, Đảng và Nhà nước sẽ chuyển “sản lượng lúa” sang “GDP” thì ngành thủy lợi sẽ chuyển từ phục vụ trồng lúa sang phục vụ cho nuôi thủy sản - chủ yếu là tôm chuyên canh, hoặc lúa-tôm - để bảo đảm thành công. Có tổ chức theo chuỗi giá trị liên kết 4 nhà như thế này, chúng tôi chắc chắn nông dân nuôi tôm sẽ hưởng lợi, doanh nghiệp chế biến sẽ hưởng lợi, và ngân sách địa phương sẽ tăng cao hơn lúa. Tất cả đều hướng về tăng GDP của cá nhân và của quốc gia.


Người viết : GS. Võ-Tòng Xuân - Theo Tạp chí Nông thôn Việt