Hướng mở cho nông dân

Hướng mở cho nông dân

Thứ tư, 28/01/2015, 14:04 GMT+7

Câu chuyện về bao tiêu 21 tấn lúa/ha/năm đang được nhiều nông dân các xã Mỹ Quý, Mỹ Hòa và Mỹ Đông (huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) bàn tán rôm rả, khi nơi đây đang bước vào thu hoạch vụ lúa đông xuân sớm 2014 - 2015. Ở nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đang chủ trương mở rộng mô hình “cánh đồng lớn”, khuyến khích doanh nghiệp tham gia gắn kết cùng với nông dân bằng việc đầu tư vật tư và bao tiêu sản phẩm sau khi thu hoạch; còn sản lượng thì do nông dân tự lo và giá cả phải theo thị trường. Riêng HTX Đức Huệ ở huyện Tháp Mười lại đưa ra hình thức bao tiêu rất lạ khiến ai nấy bất ngờ. Đó là bao tiêu “sản lượng” với mức khá cao 21 tấn lúa/ha/năm. Theo tính toán của ngành nông nghiệp, năng suất lúa bình quân ở ĐBSCL vụ đông xuân là trúng nhất đạt khoảng 7 - 8 tấn/ha, trong khi vụ hè thu và vụ thu đông chỉ dao động khoảng 6 tấn/ha, thậm chí có nơi chỉ 4 - 5 tấn/ha. Tính chung 3 vụ đạt khoảng 17 - 19 tấn/ha/năm là cùng. Thế nhưng, HTX Đức Huệ lại dám đứng ra bao tiêu cho nông dân Tháp Mười tới 21 tấn/ha/năm. Đặc biệt, chỉ cần hai bên thống nhất là nông dân nghiễm nhiên có được số lúa trên mà không cần phải ra ruộng vất vả phun thuốc, bón phân hoặc lo sợ thiên tai, mất mùa. Mô hình này nói không ai tin nhưng lại là sự thật đang diễn ra ở xứ Tháp Mười.

Giải thích chuyện trái khoáy này, Giám đốc HTX Đức Huệ, ông Huỳnh Thanh Thấm, cho biết: “Xuất phát từ nỗi lòng của người làm lúa một nắng hai sương nhưng cuộc sống cứ mãi chật vật bởi giá cả không ổn định, đầu ra bấp bênh, năng suất trồi sụt do tác động thời tiết, dịch bệnh… Đặc biệt là đến nay vẫn còn phổ biến thực trạng sản xuất manh mún kiểu mạnh ai nấy làm đã khiến chi phí giá thành tăng cao, lợi nhuận thu về rất thấp. Sau thời gian dài suy nghĩ tìm hướng đi mới mang tính “đột phá” cho cây lúa, đầu vụ đông xuân 2015 này, HTX Đức Huệ mạnh dạn thí điểm mô hình mới là bao tiêu sản lượng cho nông dân “trọn gói” cả 3 vụ/năm, với mức bình quân là 7 tấn/ha/vụ; tương đương 21 tấn/ha/năm (3 vụ). Theo đó, nông dân chỉ cần giao cho HTX 1ha đất là nhận về 21 tấn lúa mà không cần ra ruộng canh tác ngày nào. Sau khi thu hoạch lúa, nông dân chỉ hoàn lại cho HTX 22 triệu đồng/vụ tiền chi phí đầu tư”.

Mô hình này nông dân được cái lợi trước tiên là cầm chắc lợi nhuận hơn 39 triệu đồng/ha/năm (nếu tính giá lúa chỉ 5.000 đồng/kg, còn giá lúa cao hơn thì lợi nhuận sẽ nhiều hơn). Song song đó, nông dân không lo cảnh chạy vạy tiền mua vật tư, sợ mua nhầm phân thuốc giả, sợ dịch bệnh, mất mùa… bởi toàn bộ khâu canh tác đã có HTX lo liệu. Cái lợi thứ hai là sau khi giao đất cho HTX sản xuất thì nông dân có thời gian rảnh để làm những việc khác như buôn bán, làm ở các xí nghiệp, công ty… hoặc vào làm ở các khâu dịch vụ của HTX với mức lương bình quân 150.000 đồng/ngày/người. Để thực hiện mô hình mới này, HTX Đức Huệ vận động các thành viên hùn vốn khoảng 2 tỷ đồng để mua phân thuốc, đầu tư sản xuất lúa. Huy động hàng chục máy xới đất, máy cày, máy bơm, máy cắt lúa… cùng làm cho HTX. Liên kết với các công ty sản xuất vật tư nông nghiệp cung ứng vật tư giá sỉ cho HTX và hợp tác cùng doanh nghiệp lương thực thu mua lúa khi tới vụ thu hoạch. Cách làm này, HTX không thu lợi từ sản lượng, mà chủ yếu thu từ các khâu làm dịch vụ để bù vào. Cái được lớn nhất là tổ chức lại sản xuất theo quy mô lớn, gắn chặt đầu vào - đầu ra, từ đó tiết giảm được chi phí đáng kể và lợi nhuận thu về nhiều hơn.

Còn ở Vĩnh Long, có Tổ dịch vụ sản xuất nông nghiệp “trọn gói” thuộc xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình. Nhiệm vụ của tổ là huy động các máy móc, phương tiện làm lúa gom về một mối, sau đó hợp đồng với nông dân cùng xuống giống đồng loạt để tiết giảm chi phí bơm rút nước, làm đất… Tổ dịch vụ này còn có đội ngũ hàng chục người chuyên bón phân, phun thuốc, chăm sóc lúa… hộ nào không có điều kiện trực tiếp canh tác thì chỉ cần gọi điện là có người đáp ứng ngay với chi phí thấp hơn khoảng 20% so với thuê mướn bên ngoài. UBND xã Mỹ Lộc nhìn nhận, từ khi có mô hình này đã tạo ra nhiều cái lợi mà nông dân là người trực tiếp được hưởng từ những dịch vụ chất lượng và giá rẻ. Xóa được tình trạng sản xuất riêng lẻ, tự phát, rồi nông dân thoát được cảnh bị thương lái ép giá, bởi tất cả các khâu đã có tổ dịch vụ đứng ra đảm trách. Thậm chí có hộ không cần lội ruộng mà vẫn thu lời đều đặn từ mỗi vụ lúa. Tương tự như vậy, những nông dân trồng hành lá ở xã Tân Bình, huyện Bình Tân (Vĩnh Long) đang trúng đậm vụ hành giáp Tết 2015. Theo HTX Rau củ quả Tân Bình, giá hành lá vụ này dao động từ 700.000 - 800.000 đồng/tạ, giúp nông dân lời khoảng 100 - 120 triệu đồng/ha/vụ (2 tháng/vụ). Được như vậy là nhờ HTX quy tụ nông dân vào sản xuất liên kết theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, ký hợp đồng với một số công ty ở Bạc Liêu và TPHCM bao tiêu toàn bộ sản phẩm giá “sàn” 10.000 đồng/kg trở lên.

Có thể thấy ở ĐBSCL ngày càng xuất hiện nhiều mô hình hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ nông sản mang tính đột phá, ở đó vai trò HTX rất quan trọng. Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, trước mắt tỉnh chọn khoảng 16 HTX để thí điểm mô hình này; trong đó có việc đưa cán bộ trình độ đại học về làm ở HTX. Sau khi các HTX hoạt động hiệu quả, ổn định thì mới nhân rộng. Mục tiêu cốt lõi là từng bước thay đổi tập quán sản xuất của nông dân, liên kết lại theo chuỗi giá trị, nhằm kéo giảm chi phí giá thành xuống để tăng lợi nhuận. Đây chính là hướng đi mới và là điểm tựa vững chắc cho nông dân. Đồng thời cũng là “đích đến” của đề án tái cơ cấu nông nghiệp.

 

 


Người viết : Huỳnh Phước Lợi (SGGP)