Khó giàu, nông dân chực bỏ ruộng

Khó giàu, nông dân chực bỏ ruộng

Thứ tư, 05/08/2015, 10:56 GMT+7

Được tiếng làm ăn có lời, thu nhập của xã viên cao hơn nông dân bên ngoài nhưng chính xã viên cũng như giám đốc HTX Nghĩa Đạo, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh đều thừa nhận “làm nông nghiệp bấp bênh, vất vả lắm, chỉ đủ sống, khó mà giàu được”.
 

Bấp bênh

Một xã viên chua chát so sánh có khu công nghiệp, làm 1 tháng thu nhập 4- 5 triệu đồng bằng 1 tấn thóc "nhẹ nhàng, không phải đội nắng, đội mưa tối ngày”. Làm nông một mẫu ruộng 3-6 tháng trời, nông dân mới thu được hơn 2 tấn thóc. Mất 320 nghìn/công cấy lúa, chi phí máy cày 130 nghìn, thêm chi phí phân đạm, còn lại không nhiều. Có hộ làm 6 tháng trời lãi đúng 1 triệu đồng.

Ngay như việc trồng dưa chuột, dưa bao tử xuất khẩu được xem là lãi nhiều hơn thóc nhưng không phải ai cũng may mắn năm nào cũng được mùa. Vụ dưa bao tử đầu năm nay có thể được coi là "mất mùa" bởi công ty cung ứng giống dưa mới để thử nghiệm, một phần do thời tiết nắng nóng, dưa không hợp, cho năng suất thấp.

Thời tiết không thuận, giống không hợp khiến nhiều nông dân điêu đứng
Thời tiết không thuận, giống không hợp khiến nhiều nông dân điêu đứng

Có hộ trồng 1,5 sào được mỗi 2 triệu đồng nhưng ngày nào cũng phải bỏ công chăm bón. Năm trước, một luống dưa được 15 cân thì năm nay có hộ chỉ được vài cân. Giá thu mua của công ty dù vẫn 6.500/kg loại 1, 4.000/kg loại 2 như cũ và HTX có hỗ trợ tiền giống thuốc, nông dân vẫn than lỗ.

“Chúng tôi bây giờ chỉ thích công ty về đây thôi. Công ty về, trẻ đi làm công ty, mỗi tháng có 4-5 triệu đồng bỏ túi, già như tôi đi làm ruộng phụ thêm đủ ăn chứ làm nông chính như bây giờ khổ quá”, xã viên này than thở. Nhiều xã viên khác cũng cho biết vụ lúa vừa rồi trúng mùa nhưng đến nay các công ty mãi không thấy đến thu mua dù đã ký hợp đồng trước.

Cuộc sống người nông dân còn nhiều bấp bênh khiến không ít người muốn bỏ ruộng đi làm công nhân
Cuộc sống người nông dân còn nhiều bấp bênh khiến không ít người muốn bỏ ruộng đi làm công nhân

Trong cảnh đó, HTX đề nghị công ty hỗ trợ 50% tiền giống để giảm thiệt hại cho xã viên. "Dù hỗ trợ chăng nữa, xã viên vẫn bị thiệt hại. Đây cũng là kinh nghiệm để HTX dừng lại tìm giống khác tốt hơn cho dân. Còn nếu biết ngay từ đầu như thế chả ai dám làm”, ông Vương Bá Huyền, Giám đốc HTX Nghĩa Đạo nói.

Tiểu nông tự phát

Ông Huyền phát sốt cảnh các công ty chưa thu mua thóc của xã viên như hợp đồng nhưng nói đi phải nói lại “lỗi này tại dân”. Giám đốc HTX kể, dù có hướng dẫn các xã viên gặt theo từng khu nhưng họ không nghe. Cứ thấy máy đến đâu tranh nhau gặt từ ô nọ sang ô kia, từ giống nọ sang giống kia, công ty về thấy chất lượng không đảm bảo nên không mua nữa.

Về quy trình kỹ thuật trồng trọt, HTX hướng dẫn người dân thuộc lòng quy tắc “phải cấy một rãnh, phơi già, gạn sạch, không bị lẫn” nhưng không ít hộ tự ý làm khác đi. Rồi có tình trạng, năm nay giá thóc rẻ, công ty cân ít hơn vụ chiêm. Nhưng chính sự tùy tiện của nông dân khiến các công ty phải siết chặt chất lượng, nhất là thời điểm hạ giá.

Hình ảnh quen thuộc cạnh bờ ruộng của nông dân vùng Bắc Bộ
Hình ảnh quen thuộc cạnh bờ ruộng của nông dân vùng Bắc Bộ

Ông Huyền than thở cái khó hiện nay của HTX Nghĩa Đạo nói riêng và nhiều HTX nông nghiệp khác là vẫn phụ thuộc vào doanh nghiệp từ khâu cung ứng giống đầu vào đến giá cả thu mua đầu ra. Dù HTX có thỏa thuận trước nhưng cũng có lúc gặp rủi ro như vụ dưa chuột và lúa mới đây.

Không chỉ vậy, nhiều xã viên cũng chính là bên hay phá vỡ hợp đồng đã ký với các công ty. Năm 2008, HTX Nghĩa Đạo đưa giống cà rốt về cho các xã viên trồng và đã ký kết giá cố định với các công ty. Ấy vậy mà nông dân thấy giá bên ngoài cao hơn, lại tuồn ra ngoài bán hết. Sau này HTX không dám trồng nữa.

Hay như vụ dưa chuột xuất khẩu mới đây, trời nắng dưa chuột bán được giá, dân cũng bán ra ngoài làm HTX thu hụt 50% sản lượng. HTX ký với công ty 120 tấn nhưng chỉ thu được 56 tấn.

Nông dân bắc giàn, buộc dây cho dưa chuột
Nông dân bắc giàn, buộc dây cho dưa chuột

“Nông dân mình cũng ghê lắm. Cứ ở ngoài được giá hơn là HTX thu mua hụt đi, còn ở ngoài giá thấp hơn, nông dân lại đổ về HTX bán. Anh em trong HTX cũng kiểm tra, giám sát nhưng họ hái hoa màu mang về nhà tối gọi người đến cân, HTX biết làm thế nào được”.

Rồi ông lại tặc lưỡi, thôi thì miễn dân có lợi là được. "HTX làm ăn lâu năm với các công ty nên có hụt sản lượng so với hợp đồng họ cũng không gây khó dễ cho mình" - ông Huyền cho biết.

20 năm làm HTX, ông Huyền luôn tâm tư, làm nông nghiệp giá trị sản xuất ra lúc nào cũng thấp, trong khi vật tư, phân bón đầu vào ngày càng cao, nông dân lãi rất ít. HTX dù rất cố gắng tìm đầu ra cho nông dân với giá cả có lợi nhất nhưng cũng có giới hạn. Mỗi năm chỉ trên dưới 100 ha sản xuất bán cho công ty, phần còn lại nông dân vẫn tự bơi. Nhất là hiện nay, xã vẫn chưa làm được thương hiệu nào cho bà con.

Xã viên tận dụng đất trống giữa hai vụ chính trồng thêm dưa gang để tăng thu nhập 
Xã viên tận dụng đất trống giữa hai vụ chính trồng thêm dưa gang để tăng thu nhập 

Cái may mắn của Nghĩa Đạo là đến nay chưa hộ nào bỏ ruộng như nhiều địa phương khác. 100% đất nông nghiệp vẫn được canh tác, không dưa, rau, hoa màu thì cũng lúa giống. Nhưng để nông dân bám ruộng, làm giàu được rất khó. Về lâu dài ông Huyền lo ngại, nông dân không còn thiết tha với nông nghiệp, lại bỏ ruộng đi làm công nhân, chỉ còn lại những cụ ông, cụ bà bám ruộng kiếm sống.


Người viết : Thu Hằng - Ảnh Lê Anh Dũng VietNamNet