Kết quả ấy là sự nỗ lực bằng những cách làm sáng tạo, qua đó, khơi dậy sức mạnh của nhân dân.
Tạo phong trào để lôi cuốn người dân
Về An Dương hôm nay, cảnh vật có nhiều thay đổi, những con đường dẫn ra cánh đồng xa tít tắp được bê tông hóa uốn lượn như dải lụa, đường làng ngõ xóm được mở rộng và trải nhựa, sạch bóng rác… đời sống người nông dân đã đỡ vất vả hơn nhờ hiệu quả từ những đề án phát triển sản xuất như chương trình cơ giới hóa đồng bộ, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, đề án hỗ trợ xi măng xây dựng đường giao thông nội đồng…
Nông dân huyện An Dương (Hải Phòng) sử dụng máy cấy lúa tự động.
Được biết, hưởng ứng Chương trình xây dựng NTM, 1.709 hộ dân An Dương đã tham gia hiến đất với 15.468m2 đất thổ cư và 31.989m2 đất nông nghiệp.
Có được kết quả đó, huyện An Dương đã chủ động thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) xây dựng NTM. Từ đó hướng dẫn các địa phương triển khai các biện pháp, rà soát đánh giá thực trạng nông thôn theo bộ tiêu chí quốc gia; lập quy hoạch và đề án xây dựng NTM cấp xã; lựa chọn các xã có tiêu chí hoàn thành cao, có khả năng huy động nguồn lực của địa phương, năng lực đội ngũ cán bộ tốt để tập trung chỉ đạo và đầu tư thực hiện chương trình, đề ra mục tiêu kế hoạch hàng năm, phấn đấu đến năm 2015 có 5 xã đạt chuẩn NTM (đạt 30%) và đến năm 2020 đạt 100% số xã đạt chuẩn NTM.
Cơ giới hóa nông nghiệp trên những cánh đồng xã An Hồng (An Dương, Hải Phòng).
Các phòng ban chức năng của huyện kết hợp với các xã thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm phát động phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư” gắn với phong trào “toàn dân chung sức xây dựng NTM” do thành phố phát động.
Để người dân hiểu sâu, rõ về mục đích, ý nghĩa của Chương trình, BCĐ xây dựng NTM đã kết hợp với các cơ quan truyền thông, đặc biệt là đài phát thanh xã tuyên truyền sâu rộng tới nhân dân. Tại UBND các xã và các thôn đều có đặt các panô với khẩu hiệu “Toàn dân chung sức xây dựng NTM”. Các hội nghị như “Thanh niên huyện An Dương với Chương trình xây dựng NTM” cũng được tổ chức thu hút đông đảo thanh niên tham gia…
Hồi sinh những cánh đồng hoang
Theo ông Đinh Văn Hùng - Trưởng phòng NNPTNT huyện An Dương: Việc xây dựng NTM không thể chạy theo thành tích, mà xây dựng NTM là phải làm cho nhân dân có cuộc sống khấm khá và giàu có hơn, khơi dậy được sức mạnh trong lòng dân để phát triển kinh tế -xã hội. Điều ông Hùng mừng nhất là trong thời gian vừa qua toàn huyện có khoảng 4207,99ha ruộng bị bỏ hoang do nhiều yếu tố khách quan. Nhưng từ ngày có chủ trương xây dựng NTM thì có khoảng trên 70% phần ruộng bị bỏ hoang được hồi sinh, những trang trại, vườn cây, ao cá, cánh đồng mẫu lớn được mọc lên trên phần ruộng bị bỏ hoang đem lại nguồn thu nhập cho người dân.
Hiện nay, An Dương đã đạt trung bình 13,06/19 tiêu chí theo bộ tiêu chí quốc gia, bộ mặt nông thôn đã có nhiều thay đổi, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao, xã hội nông thôn ổn định.
Quan điểm
Ông Phùng Văn Thanh - Chủ tịch UBND huyện An Dương
Năm 2015 huyện An Dương sẽ tập trung chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương, tăng cường tuyên truyền khơi dậy tinh thần đoàn kết chung tay xây dựng NTM để hoàn thành kế hoạch năm 2015 có 5 xã đạt chuẩn NTM (đạt 30%) và đến năm 2020 đạt 100% số xã đạt chuẩn NTM.
|
Nhằm đạt được mục tiêu phát triển sản xuất, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, An Dương đã thực hiện gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp theo quy hoạch trên cơ sở thực hiện 6 đề án trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, cánh đồng mẫu lớn, cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp, đề án phát triển vùng sản xuất tập trung, chương trình trồng cây phân tán…
Năm 2013, An Dương đã chọn 2 địa phương để triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn là xã An Hòa với mô hình cánh đồng mẫu lớn diện tích 30ha trên lúa và xã An Hồng với cánh đồng mẫu lớn diện tích 15ha khoai tây và đã thu được kết quả tốt. Năm 2014, mô hình cánh đồng mẫu lớn trên lúa với diện tích 30ha được tiếp tục triển khai tại xã Tân Tiến và An Hòa.
Song song với đó, đề án cơ giới hóa cũng được triển khai, các loại máy móc phương tiện cơ giới được đưa vào sử dụng thay thế sức lao động của con người. Người dân phấn khởi nhìn những chiếc máy làm đất, máy cấy, máy gặt đập liên hợp, giàn gieo hạt tự động, máy đồng cơ phun thuốc bảo vệ thực vật… “lao động” ầm ầm trên những thửa ruộng rộng lớn. Việc đưa máy móc vào thay sức con người đã giảm chi phí sản xuất từ 4-4,5 triệu đồng/ha, giảm 20% so với chi phí sản xuất đại trà. Giá trị sản phẩm tăng từ 15-20% (từ 5-8 triệu đồng/ha).
Theo thống kê của UBND huyện An Dương, đến nay, toàn huyện đã có 1460 ha vùng sản xuất tập trung, giá trị sản xuất đạt 150-300 triệu đồng/ha, có những vùng đạt 1.000 triệu đồng/ha (vùng trồng hoa, cây cảnh, vùng chăn nuôi, vùng rau màu tập trung). Kinh tế gia trại, trang trại tiếp tục phát triển chiếm 23% giá trị kinh tế nông nghiệp.
Ông Phùng Văn Thanh- Chủ tịch UBND huyện An Dương cho biết: Năm 2015 huyện An Dương sẽ tập trung chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương, tăng cường tuyên truyền khơi dậy tinh thần đoàn kết chung tay xây dựng NTM để hoàn thành kế hoạch năm 2015 có 5 xã đạt chuẩn NTM (đạt 30%) và đến năm 2020 đạt 100% số xã đạt chuẩn NTM.