Khởi nghiệp nông nghiệp - một vài lưu ý

Khởi nghiệp nông nghiệp - một vài lưu ý

Thứ năm, 07/07/2016, 11:16 GMT+7

Khởi nghiệp, dù trong lĩnh vực nào, luôn là một câu chuyện khó khăn và nông nghiệp cũng thế. Xin kể một câu chuyện nhỏ. Tôi có người bạn rất mê côn trùng và năm 2012, anh bắt tay vào làm thực phẩm từ các loại côn trùng. Anh tìm đến các trang trại để học hỏi cách nuôi rồi sau đó chính thức trở thành một người chuyên mua đi bán lại cho các quán ăn.

Tiếp thêm một bước, từ “thương lái” anh trở thành “doanh chủ” bắt tay vào nuôi và trực tiếp chế biến thành sản phẩm với thương hiệu của riêng mình để bán ra thị trường. Dĩ nhiên câu chuyện nếu chỉ có vậy thì không có gì thú vị. Trong quá trình khởi nghiệp, anh tích cực tham dự các sự kiện, chia sẻ về câu chuyện của mình và năm 2015, anh may mắn gặp được một người cố vấn - mentor từ chương trình SME Network Mentoring - tạm dịch “Mạng lưới cố vấn dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ”. Chính người cố vấn này giúp anh rất nhiều và trở thành một nhà đầu tư thiên thần góp vốn cho anh vượt qua giai đoạn khó khăn khi mở rộng sản xuất cũng như kết nối dự án của anh đến các quỹ đầu tư.

Vú sữa Lò Rèn sạch được nhiều bạn trẻ lựa chọn là “cây giống cho khởi nghiệp”. Ảnh: Mon Võ.
Vú sữa Lò Rèn sạch được nhiều bạn trẻ lựa chọn là “cây giống cho khởi nghiệp”. Ảnh: Mon Võ.

Trong khởi nghiệp, khi dự án của bạn được một người có uy tín giới thiệu, đó là một điều may mắn rất lớn.

Xin tạm dừng câu chuyện bạn tôi ở đây. Và bắt đầu với câu hỏi đầu tiên mà rất nhiều bạn trẻ khởi nghiệp đặt ra là tiền đâu để khởi nghiệp?

Xin thưa, khởi nghiệp không chỉ cần tiền mà cần rất nhiều tiền. Nếu bạn không có sự tích lũy trước đó, sẽ rất rất khó để bạn bắt đầu khởi sự kinh doanh.

Chúng ta thấy có rất nhiều cuộc thi khởi nghiệp nhưng bạn thấy đó, các dự án khởi nghiệp nông nghiệp được đầu tư ít nhiều đều đã có sản phẩm mẫu và hoạt động một thời gian trước khi nhận được đầu tư.

MimosaTEK bắt đầu từ tháng 10-2014, đến cuối năm 2015 mới chính thức thương lượng cùng các quỹ đầu tư. Người bạn kinh doanh côn trùng kể trên cũng lấy ngắn nuôi dài qua công việc thương lái, các dự án bán bánh mì và sữa bắp ở đường phố trong ba năm trước khi gặp được nhà đầu tư thiên thần (Angel Investor). Hay ngay như chàng trai Võ Văn Tiếng trồng lúa ở Đồng Tháp, ngoài 2 ha trồng lúa thuê trả sau từ chính gia đình, Tiếng cũng có một khoản tích lũy nhất định để cải tạo đất, đầu tư hệ thống thủy lợi ban đầu.

Do vậy, điều đầu tiên, nếu bạn đam mê khởi nghiệp nhưng không có vốn, hãy đi làm để tích lũy và một gợi ý có thể tham khảo là làm cho các công ty cùng lĩnh vực mà mình theo đuổi để hiểu thêm về ngành, xây dựng mối quan hệ bên cạnh quá trình tích lũy.

Dĩ nhiên, viết như vậy không có nghĩa rằng đừng hi vọng trông chờ nguồn vốn từ các cuộc thi khởi nghiệp. Hãy cứ hi vọng nhưng cần tỉnh táo và thực tế.

Quay lại câu chuyện đầu tiên, có lẽ bạn nghĩ rằng người bạn trên thật may mắn khi gặp được một Angel Investor?

Đứng ở góc nhìn của một Angel Investor, họ chỉ đầu tư vào một startup khi nhìn thấy người sáng lập có sự đam mê/nhiệt huyết trong công việc, hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực mình làm và tin vào tính khả thi của dự án. Hiểu như vậy, bạn sẽ thấy may mắn không đến ngẫu nhiên và đôi khi may mắn cần cả một quá trình.   

Ngày nay, khởi nghiệp, đặc biệt khởi nghiệp nông nghiệp rất được xã hội quan tâm và nhiều tổ chức ra đời để hỗ trợ các bạn trẻ.

Nếu bạn đã, đang hoặc dự định sẽ khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp thì hãy đến các địa chỉ cần biết (xem trang 20 -21), đồng thời cần xây dựng các mối quan hệ để bạn có thể dễ dàng hòa mình cùng cộng đồng khởi nghiệp, nơi biết đâu bạn tìm được một người đồng sáng lập, một người cố vấn, một nhà đầu tư … Đừng quên, trong khởi nghiệp, mối quan hệ (network) là một nguồn vốn vô hình quý báu mà các bạn cần phải xây dựng


Người viết : Đức Tâm (Tạp chí Nông thôn Việt)