Khởi nghiệp nông nghiệp tại sao không?

Khởi nghiệp nông nghiệp tại sao không?

Thứ năm, 07/07/2016, 11:11 GMT+7

Xưa nay, có được một sự nghiệp vững vàng là điều ai cũng mơ ước. Những năm gần đây, việc kết nối toàn cầu trở nên hết sức dễ dàng. Qua đó, câu chuyện dám nghĩ, dám làm để thành công của nhiều tỉ phú thế giới đã tạo nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho thế hệ trẻ Việt Nam khởi nghiệp. Trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đã có những dự án khởi nghiệp thành công. Tuy nhiên, nó vẫn chỉ là số ít và thật sự còn chưa tương xứng với tiềm năng.

Nông sản do các bạn trẻ khởi nghiệp được trưng bày trong (Ảnh: Phú Li)
Công nghệ tưới nhỏ giọt hoặc phun sương có thể thay thế phương pháp tưới truyền thống lãng phí nước như hiện nay. (Ảnh: Phú Li)

Lĩnh vực mang ý nghĩa sống còn

Nông nghiệp là ngành chủ yếu tạo ra thực phẩm để nuôi sống nhân loại. Có một thực tế mà không ai phủ nhận, đó là diện tích đất có thể canh tác trên thế giới ngày càng giảm, trong khi dân số thì ngày một tăng. Như vậy, khi nào mà khoa học thế giới còn chưa tạo ra được một dạng “siêu thực phẩm” (kiểu như chỉ cần uống một viên dưỡng chất bé như viên thuốc cảm là có thể sống cả tháng như các câu chuyện viễn tưởng hay nói) thì sự tồn tại và phát triển của nông nghiệp vẫn mang ý nghĩa sống còn với toàn cầu.

Việt Nam từ xa xưa vẫn được biết đến là một nước nông nghiệp. Hiện nay, tuy đã có sự chuyển dịch hoạt động khá nhiều giữa các lĩnh vực, song vẫn có đến 70% (trong 90 triệu người) dân số nước ta tham gia vào nông nghiệp hay nuôi trồng thủy sản. Mặc dù vậy, trải qua hàng ngàn năm, nền nông nghiệp Việt Nam hãy còn nhiều hạn chế mang tính lạc hậu, kéo theo đó là việc hao tổn nhiều sức lao động, trong khi năng suất và chất lượng sản phẩm thấp.

Như trên có đề cập, yêu cầu cấp thiết đối với nền nông nghiệp thế giới nói chung, và Việt Nam nói riêng hiện nay, là phải nâng cao vượt trội tính hiệu quả trong điều kiện tài nguyên hạn hẹp. Làm nông ngày nay không thể cứ trông chờ thời tiết hay sự may rủi, mà là phải chủ động kiểm soát và hướng đến kết quả mong muốn trong một chừng mực hợp lí.

Thực tế thì sao? Nền nông nghiệp Việt Nam hiện còn tồn tại vô số vấn đề. Những lô hàng nông sản, thủy sản xuất đi lại bị trả về do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật hay chất cấm nói lên điều đó. Ngay ở thị trường nội địa, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đang là mối lo ngại sâu sắc. Ngoài ra, chất lượng, năng suất, giá trị hàng nông, thủy sản nước ta luôn bị đánh giá thấp hơn so với những nước khác.

Người nông dân Việt Nam nào phải biếng nhác, họ rất cần cù, chịu khó. Tuy nhiên,  mỗi công đoạn sản xuất từ chọn giống, gieo trồng, chăm sóc cho tới thu hoạch, họ thường chỉ dựa vào kinh nghiệm và biện pháp thủ công là chính. Như vậy, sao tránh khỏi việc cho ăn, chăm sóc lúc thừa, lúc thiếu? Sản phẩm làm ra “có vấn đề” cũng không có gì là lạ.

Khái quát lại, vấn đề lớn nhất của cả nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay, là việc áp dụng khoa học, công nghệ cao vào sản xuất còn quá khiêm tốn. Trong khi đó, nhu cầu từ thị trường thế giới và cả nội địa đòi hỏi phải có sự thay đổi. Không ai khác, những người trẻ (vốn có kiến thức và tiếp cận dễ dàng hơn với sự phát triển thời đại) mặn mà với nông nghiệp, được kì vọng sẽ làm nên một sự biến chuyển ngoạn mục.

Người trẻ không quan tâm hoặc e ngại

Tại một cuộc thi về khởi nghiệp năm 2015, trong số 57 dự án vào đến vòng bán kết, chỉ có 6 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp, một con số thật khiêm tốn. Từ thực tế khởi nghiệp cũng cho thấy, đa phần người trẻ lựa chọn những lĩnh vực chẳng liên quan gì đến nông nghiệp. Theo cái nhìn của các chuyên gia, đây là điều bình thường bởi ai cũng dễ bị hấp dẫn với những cái mới mang xu hướng thời đại như điện thoại hay mạng internet.

Hội chợ Nông sản xuất khẩu 2015. Ảnh: Duy Minh.
Nông sản do các bạn trẻ khởi nghiệp trưng bày tại Hội chợ Nông sản xuất khẩu 2015. Ảnh: Duy Minh.

Xét về khía cạnh tâm lí, đa phần người trẻ xuất thân từ nông thôn. Ngay từ bé, họ đã chứng kiến ông bà, cha mẹ của mình vất vả trên đồng ruộng. Từ lúc đó, trong họ đóng đinh cái suy nghĩ rằng nông nghiệp thật nhọc nhằn, nghèo khó, họ muốn hoàn toàn thoát khỏi nó. Nếu hỏi một đứa bé Việt Nam nào đó rằng mơ ước sau này làm gì? Câu trả lời thường là bác sỹ, giáo viên. Lớn lên, sự hào nhoáng của ngành ngân hàng, tài chính hay bất động sản, sự “hợp thời” của công nghệ thông tin hay internet trở thành hấp lực. Trong số các thần tượng của giới trẻ hiện nay, những Bill Gates, Steve Jobs, Tim Cook, Mark Zuckerberg… chẳng có cái tên nào gắn với nông nghiệp.

Dĩ nhiên, thật khó đòi hỏi một người chẳng có chút hứng thú nào với nông nghiệp tham gia vào ngành này. Song bên cạnh đó, vẫn không hiếm những người trẻ tuy quan tâm nhưng còn e ngại.

Rào cản mấu chốt có lẽ là những định kiến xã hội. Chẳng biết từ bao giờ, người ta cứ mặc định việc nhà nông chỉ dành cho người ít được học hành. Nếu “anh, chị” đã “chữ nghĩa một bồ” thì phải làm gì khác mới rạng danh dòng tộc, mới giúp gia đình nở mày, nở mặt được. Một sinh viên nếu tốt nghiệp đại học xong trở về làm vườn, sẽ được xem là quá đỗi “không bình thường”. Người ngoài bàn tán đã đành, người trong gia đình cũng thường kịch liệt phản đối.

Tuy nhiên, có một công thức chung cho những người thành công, đó là dám vượt qua những định kiến, dám nghĩ và dám làm. Hơn nữa, sao cứ phải e ngại dấn thân vào một lĩnh vực có thật nhiều tiềm năng?

Như trên có nói, nền nông nghiệp Việt Nam hiện có vô số vấn đề cần giải quyết. Lời giải cho mỗi vấn đề, cũng chính là cơ hội để tìm thấy thành công cho bản thân. Tại một hội thảo hồi năm 2015, đại diện một doanh nghiệp từng chia sẻ rằng khi thu mua xoài từ nông dân, đã phải trả lại một lượng nhất định do sản phẩm bị dập, không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Vị này gợi ý rằng, việc sản xuất sọt đựng hàng bằng chất liệu chống va đập cũng là một cơ hội để khởi nghiệp. Hay như một doanh nghiệp đã thành công với sản phẩm thanh long sấy do nhận thấy hàng năm nông dân phải đổ bỏ khá nhiều loại trái này vì bán tươi không kịp.

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều doanh nghiệp từ các nước tiên tiến như Mỹ hay Nhật đã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam. Lẽ nào ta chấp nhận bỏ ngỏ sân nhà? Nếu vậy, ắt có ngày chúng ta phải lâm vào cảnh tiếc nuối như ngành bán lẻ đang mắc phải. Nông nghiệp kiểu mới là một xu hướng tất yếu. Đó cũng là nơi mà những người trẻ có thể khẳng định bản thân, cũng như tìm thấy sự thành công cho mình.


Người viết : Phú Li (Tạp chí Nông thôn Việt)