Không minh bạch sao vay được vốn!

Không minh bạch sao vay được vốn!

Chủ nhật, 07/08/2016, 15:33 GMT+7

Không minh bạch sao vay được vốn!

Không minh bạch sao vay được vốn!

Mặc dù có đến cả chục ngân hàng thương mại (NHTM) tung ra các gói ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vay với hạn mức mỗi nơi lên đến vài ngàn tỉ đồng song những DN này vẫn kêu thiếu vốn.

Ngân hàng lo phát sinh nợ xấu

Theo Hiệp hội DNNVV Việt Nam, dù rất thiếu vốn nhưng hiện chỉ khoảng 30% DNNVV tiếp cận được tín dụng ngân hàng (NH) và các quỹ hỗ trợ của nhà nước. Nguyên nhân các NH chưa “gật đầu” là do đánh giá tín nhiệm DN thấp nên không dám mạo hiểm giải ngân nhằm tránh phát sinh nợ xấu.

Đại diện nhiều NH cho rằng khó khăn lớn nhất khi xét duyệt hồ sơ vay của DNNVV là thiếu thông tin phân tích, đánh giá và thẩm định nhu cầu vay vốn của khách hàng. Hồ sơ của phần lớn DN là thiếu minh bạch, báo cáo tài chính chưa được quan tâm dẫn đến dữ liệu, số liệu phản ánh chưa chính xác, chưa được kiểm toán nên thiếu tin cậy. Do đó, ngay cả khi cho vay tín chấp, mức độ giải ngân cũng rất hạn chế. Cho vay dựa vào báo cáo tài chính của DN thì rất rủi ro.

 

Nhiều nguyên nhân khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận được vốn ngân hàng Ảnh: Tấn Thạnh
Nhiều nguyên nhân khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận được vốn ngân hàng Ảnh: Tấn Thạnh

 Ông Trần Hoài Nam, Phó Tổng giám đốc NH Phát triển TP HCM (HDBank), cho biết có DN muốn vay 50 tỉ đồng bằng báo cáo thuế nhưng doanh thu trong báo cáo chỉ thể hiện 20 tỉ đồng nên NH không có cơ sở để “gật”. Còn nếu vay thế chấp, DN thường nâng giá trị tài sản bảo đảm lên quá cao. Ví dụ, căn nhà muốn thế chấp có giá thị trường khoảng 10 tỉ đồng nhưng DN bảo cao hơn. Đến khi NH định giá thấp hơn thị trường do theo các quy định hiện hành, DN không chấp nhận nên không được vay.

Theo ông Đinh Văn Khải, Giám đốc NH Việt Nam Thương Tín (VietBank) Chi nhánh TP HCM, ngoài tài sản thế chấp, DN còn có thể vay nếu có phương án sản xuất khả thi. Tuy nhiên, nhiều DN lại không chứng minh được năng lực tài chính dù đang kinh doanh hiệu quả và có uy tín trên thương trường. Thông thường, báo cáo của DN không phơi bày toàn bộ hoạt động của mình, nhất là các thông tin về thuế; mua hàng hóa, nguyên liệu sản xuất thì không có hợp đồng, hóa đơn; sản phẩm làm ra bán cho ai cũng không thể hiện bằng chứng từ. Vì thế, NH không biết được dòng tiền của DN đi đâu, về đâu nên không có cơ sở để cho vay. “Có DN thú nhận việc mua nguyên liệu sản xuất có hóa đơn phải nộp thuế GTGT 10%, trong khi lợi nhuận chưa chắc đến mức này nên họ chọn mua phương án không hóa đơn” - ông Khải nói.

Hiện nay, nhiều NH đã cho DN vay không tài sản bảo đảm nhưng bù lại dòng tiền của DN phải thanh toán qua NH cho vay (thường gọi là thế chấp dòng tiền). Thế nhưng, không mấy DN chấp nhận điều kiện này vì muốn “né” mọi thông tin liên quan đến mua bán.

Chọn trước mắt, không nghĩ lâu dài

Bà Nguyễn Thị Hoài Phương - kế toán trưởng Công ty CP Thương mại, Dịch vụ và Xây lắp dầu khí - cho biết nhiều DN tìm mọi cách giảm lợi nhuận trước thuế để giảm số thuế thu nhập DN phải nộp. Ví dụ, lẽ ra phải nộp 100 triệu đồng thuế/năm thì DN “hô biến” để chỉ còn phải nộp 10 triệu đồng. Như vậy, trước mắt, DN lợi 90 triệu đồng tiền thuế nhưng lại mất cơ hội vay vốn từ NH để phát triển. Nếu DN này vay được vài tỉ đồng đổ vào vốn lưu động, mở rộng quy mô sản xuất, tăng lợi nhuận, từ đó tái đầu tư, quay vòng vốn sinh ra lợi nhuận mới. Hiệu quả này lớn hơn nhiều so với 90 triệu đồng né thuế và cũng không vi phạm pháp luật. “Tuy nhiên, trong tình hình làm ăn khó khăn như hiện nay, nhiều DN cho rằng cần phải sống sót trước nên họ xử lý theo hướng có lợi trước mắt” - bà Phương nhận xét.

Để giải quyết vấn đề vốn, lãnh đạo nhiều NH cho rằng giải pháp căn cơ là cần có một đơn vị kiểm toán của nhà nước đánh giá năng lực tài chính của DNNVV, đồng thời mọi giao dịch về hàng hóa, nguyên liệu đầu vào, sản phẩm đầu ra của DN phải thể hiện bằng hợp đồng, hóa đơn, chứng từ mua bán. Khi đó, NH mới có cơ sở để cho vay không cần tài sản bảo đảm.

Cần đổi mới điều kiện vay

GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, đề nghị sửa đổi cơ bản điều kiện vay tín dụng NH bằng việc thẩm định dự án đầu tư và phương án kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục cho vay. Cụ thể là đổi mới quy định về tiền vay và điều kiện vay theo hướng phù hợp với hạn chế của DN về tài sản thế chấp nhưng lại có ý tưởng và sáng kiến kinh doanh. NH cần đầu tư vào công nghệ và nhân lực để đủ năng lực thẩm định dự án đầu tư, phương án kinh doanh của DN nhằm quyết định cung cấp các khoản tín dụng trên cơ sở hiệu quả kinh doanh thay cho thế chấp tài sản. Sau đó, NH theo dõi, cập nhật tình hình kinh doanh, hàng tồn kho của DN để kịp thời xử lý mọi tình huống, hạn chế phát sinh nợ xấu.

 


Người viết : Tô Hà - Thy Thơ (NLĐ)