Kịch bản đấu tranh chống tội phạm môi trường

Kịch bản đấu tranh chống tội phạm môi trường

Thứ sáu, 06/05/2016, 15:54 GMT+7

Lỗi từ một tai nạn chìm tàu chở hóa chất thì gọi là sự cố. Nhưng lỗi của ai đó, tổ chức nào đó vì lợi nhuận mà cố tình gây ra thảm họa “bức tử biển Đông” thì phải xem là tội phạm. Và đương nhiên đấu tranh chống loại tội phạm có tri thức, có thế lực, đặc biệt là thế lực về tài chính, bao giờ cũng là cuộc đấu tranh đầy khó khăn phức tạp, đòi hỏi phải kết hợp nhiều mặt trậ thì  mới có khả năng thành công.

Đoàn phóng viên ghi nhận “thảm họa” cá chết trắng miền Trung. Ảnh: Hồ Ngọc Minh.
Đoàn phóng viên ghi nhận “thảm họa” cá chết trắng miền Trung. Ảnh: Hồ Ngọc Minh.

Từ thực tế đánh giá cho thấy khả năng rất cao độc tố gây chết cá biển chính là nhóm không phân hủy sinh học và nó phải là nhân tai (do con người gây ra). Cơ chế ngộ độc như sau: Độc tố khi hòa tan vào nguồn nước, trước mắt là sinh vật phù du bị nhiễm độc. Cá tôm ăn sinh vật phù du nhiễm độc hay hô hấp phân tử độc tố trong nước. Độc tố thường là nhóm hóa chất không phân hủy sinh học, khi thấm vào máu nó chuyển sang cấu trúc phức chất và do không có tính phân hủy sinh học nên hệ thống men tiêu hóa, gan, thận… sẽ không phân hủy được phức chất này. Lượng độc tố tăng lên trong cơ thể và đến ngưỡng của ngộ độc thần kinh thì động vật sẽ chết. Ở ngưỡng chưa gây độc thần kinh thì động vật vẫn sống, nhưng trong mô có sự tích tụ phức chất gắn với gốc độc tố. Sẽ vô cùng nguy hiểm, nếu thực phẩm này lại cung cấp cho con người, mà từ đó tạo thành chuỗi hiệu ứng suy giảm sự sống, kể cả con người. Vì thế, mai đây khi cá không còn chết hàng loạt vì biển đã pha loãng độc tố hay tội phạm môi trường giảm xả thải thì cũng không lấy đó làm mừng. Hàng loạt thủy sinh nhiễm độc dưới “ngưỡng chết” vẫn tồn tại. Độc tố vẫn lắng đọng trong mô. Ngư dân đánh bắt về vẫn mua bán phục vụ người dân Việt. Với cơ chế hóa sinh và chuỗi lắng đọng sinh học cùng quá trình tái phát tán sinh thái như trên, có thể khẳng định: tai nạn ở biển miền Trung chắc chắn là một thảm họa chứ không thể là sự cố như nhiều báo chí vẫn nêu.

Xin đề xuất một kịch bản đấu tranh chống tội phạm và khắc phục thảm họa như sau:

1. Tổ chức thu hồi và thiêu hủy hợp chuẩn đối với cá chết.

Trước mắt, Chính phủ cần chỉ đạo ngay cho các Bộ: Tài nguyên Môi trường, Bộ NN&PTNT và UBND các tỉnh miền Trung tổ chức thu gom, cập nhật số liệu và giao cho các công ty công ích địa phương thiêu hủy hợp chuẩn. Kinh phí này địa phương hay TW tạm ứng, sau này khi vụ kiện phán quyết bên gây thảm họa phải đền bù theo luật và thông lệ quốc tế.

2. Tổ chức ban chuyên án điều tra (hình sự) 

Là chức năng nhiệm vụ điều tra khởi tố bị can trong phòng chống tội phạm môi trường của Cục Cảnh sát Môi trường - Bộ Công an. Chi phí cho điều tra này cũng cập nhật để sau này khi vụ kiện phán quyết bên gây thảm họa phải đền bù theo luật và thông lệ quốc tế.

3. Thanh kiểm tra hành chính và kiểm toán kỹ thuật môi trường.

Các dự án đầu tư trước khi thực hiện đều phải qua quy trình bắt buộc là lập thủ tục đánh giá tác động môi trường (hay viết tắt là ĐTM, tiếng Anh là EIA: Environmental Impact Assessment, tạm gọi là tiền kiểm). Trong quá trình hoạt động, tổ chức khai thác dự án có trách nhiệm báo cáo hoạt động định kỳ (báo cáo năm hoặc 6 tháng) cho cơ quan quản lý. Khi có sự cố môi trường, tổ chức khai thác dự án có trách nhiệm báo cáo sự cố, biện pháp xử lý và khắc phục sự cố cho cơ quan quản lý. Mặc dù trước đến nay, công tác “hậu kiểm” gần như bỏ ngỏ và phần nào mang tính hình thức.

Cần phải xác định thảm họa môi trường biển miền Trung có yếu tố gây “phát tán” lâu dài, tác động về độc học với sinh học và đời sống hệ lụy nhiều thập kỷ về sau, do đó việc thanh kiểm tra cần thiết triển khai ngay: Tổ chức thanh tra toàn bộ các cơ sở sản xuất và xả thải trên lưu vực (Hà Tĩnh đến Thừa Thiên- Huế ); Lấy lời khai và tài liệu báo cáo của người lãnh đạo cơ sở; Kết hợp chuyên gia kiểm toán kỹ thuật môi trường làm công cụ giám sát. Chi phí cho công việc này cũng cập nhật để sau này khi vụ kiện phán quyết bên gây thảm họa phải đền bù theo luật và thông lệ quốc tế.

4. Mời gọi hợp tác quốc tế

Môi trường hiện nay đã mang tính toàn cầu. Do đó qua thảm họa này, cần mời ngay các tổ chức thuộc chính phủ và cả phi chính phủ, các tổ chức quốc tế, những chuyên gia giỏi của các nước như Mỹ, Nhật bản và châu Âu đến phân tích để tham mưu giải pháp khắc phục thảm họa, cũng như những thủ tục kiện cáo bồi thường thiệt hại. Kêu gọi Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên WWF vào cuộc ngay! Chi phí cho hoạt động này cũng cập nhật để sau này khi vụ kiện phán quyết bên gây thảm họa phải đền bù theo luật và thông lệ quốc tế.

5. Tổ chức Diễn đàn xã hội

Cần lưu ý rằng , trong chiến lược phát triển, những lĩnh vực nào có các đối tượng liên đới thì phải để họ có tiếng nói, từ hoạch định chính sách đến quản lý triển khai thực tế tầm cơ sở. Trong câu chuyện “quan hệ tế nhị” có thể có của bộ ngành hay chính quyền địa phương với doanh nghiệp FDI thì một diễn đàn xã hội sẽ là bước đệm khoa học và cần thiết để đối thoại tích cực cho cả các bên. Diễn đàn dùng công cụ online và khi offline thì tổ chức bằng các cuộc hội thảo. Diễn đàn là lực lượng xã hội cùng góp phần với Nhà nước trong việc xây dựng và thực thi pháp luật, khắc phục tệ quan liêu, tham nhũng của một số cán bộ trong bộ máy nhà nước, là “màng lọc” hạn chế những khiếm khuyết của thị trường, nhằm đạt tới mục tiêu cuối cùng là xây dựng một xã hội tốt đẹp, phồn vinh, hạnh phúc. Như vậy trong thảm họa môi trường biển miền Trung này, diễn đàn đóng vai trò như một cơ cấu xả áp cho các mối quan hệ trong khắc phục thảm họa, đồng thời sẽ là bài học cho nhưng mặt trận tương tự trong  tương lại. Chi phí cho hoạt động này cũng cập nhật để sau này khi vụ kiện phán quyết bên gây thảm họa phải đền bù theo luật và thông lệ quốc tế.

6. Thông qua vụ kiện

Dân tộc ta sẵn sàng mở cửa mời gọi FDI đến đầu tư, nhưng việc họ kiếm tiền (economic), họ phải có trách nhiệm đối với xã hội và môi trường (education và environment). Đó là nguyên tắc và mệnh lệnh của cuộc sống và luật pháp. Về mặt chuyên môn, chắc chắn phải tổ chức ĐTM cho sự cố môi trường nguy hiểm này, nhằm đánh giá một cách chính xác các thiệt hại đã gây ra cho biển Việt Nam, người dân Việt Nam; có đủ căn cứ vững chắc để đưa các đối tượng liên quan tội phạm ra vành móng ngựa.

Thay lời kết

 Chắc chắn, nếu kịch bản trên được tổ chức thì cuộc đấu tranh chống tội phạm môi trường cho vụ “bức tử biển Đông” sẽ đi vào hồi kết có hậu. Hy vọng, mọi người có lương tri trách nhiệm đều đồng lòng rằng, Tổ quốc Việt Nam - nơi mà cha ông chúng ta đã đổ không biết bao nhiêu công sức để giữ gìn, không thể là nơi để một nhóm người, chỉ vì lợi ích cho riêng mình mà thực hiện hành vi tội phạm mang tính thời đại: tội phạm môi trường.


Người viết : Mạc Can Phục (Tạp chí Nông thôn Việt)