Kiểm soát chặt an toàn thực phẩm, nông sản

Kiểm soát chặt an toàn thực phẩm, nông sản

Thứ ba, 20/01/2015, 16:07 GMT+7

Hiện nay nhiều loại thực phẩm, nông sản không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái… xuất hiện tràn lan trên thị trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN-PTNT, để tìm hiểu về việc kiểm soát các mặt hàng nông sản, thực phẩm trong dịp cuối năm.

 

ông Nguyễn Xuân Hồng
ông Nguyễn Xuân Hồng

 

- Phóng viên: Thưa ông, làm cách nào để đảm bảo kiểm soát chặt chẽ thị trường thực phẩm cuối năm?

 Ông NGUYỄN XUÂN HỒNG: Dịp cuối năm và dịp Tết Âm lịch, nhu cầu thực phẩm và nông sản, rau củ quả tăng cao nhất so với các mùa khác trong năm. Do vậy lượng hàng hóa được cung ứng cũng tăng nhanh theo, ngoài nguồn sản xuất trong nước còn có nông sản nhập khẩu. Nhưng cũng vì vậy mà vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, nông sản trở nên nóng hơn, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải phối hợp tăng cường kiểm tra, kiểm soát để phát hiện những trường hợp vi phạm.

Bộ NN-PTNT vừa chọn năm 2015 là năm về an toàn vệ sinh thực phẩm. Cụ thể, năm 2015 sẽ kiểm tra, phân loại 100% cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản chủ lực (gồm trà, rau, gạo, thịt, thủy sản nuôi) và công khai kết quả phân loại trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân, doanh nghiệp biết. Đối với vấn đề tồn dư hóa chất, kháng sinh và thuốc bảo vệ thực vật, mục tiêu trong năm 2015 là sẽ giảm 10% tỷ lệ mẫu vượt ngưỡng tồn dư đối với thịt, thủy sản nuôi, rau, chè, gạo và giảm 10% tỷ lệ mẫu ô nhiễm vi sinh trong thịt heo, thịt gà so với năm 2014. Bộ NN-PTNT sẽ triển khai chương trình chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn, kết hợp triển khai kiểm nghiệm nhanh tại các chợ đầu mối, các cơ sở kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

- Nguồn cung thực phẩm trong nước chứa nhiều nguy cơ và khó kiểm soát, người tiêu dùng bất an với trái cây, rau củ quả nhập khẩu. Làm thế nào để kiểm soát chặt nguồn nông sản này?

Việc kiểm tra an toàn thực phẩm đối với rau quả nhập khẩu là trách nhiệm của Cục Bảo vệ thực vật và công việc này đang được tiến hành thường xuyên, liên tục. Cách làm của chúng tôi đang áp dụng là, nếu một nước nào muốn xuất khẩu trái cây sang Việt Nam thì phải gửi toàn bộ thông tin về quy trình sản xuất loại trái cây đó, trong đó có cả việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, các loại chất bảo quản sang phía Việt Nam để xem xét, phân tích. Trong thực tế, Cục Bảo vệ thực vật đang hợp tác với các nước xuất khẩu trái cây sang Việt Nam để tiến hành phân tích nguy cơ.

Mặc dù trên thế giới có hàng ngàn hoạt chất đang được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp nhưng đối với từng loại cây trồng, phải xem trên cây, quả có những loại sâu bệnh nào và để phòng trừ các loại sâu bệnh đó thì người sản xuất thường phải sử dụng các hoạt chất thuốc nào. Đồng thời, chúng tôi cũng lấy một số mẫu để quét, phân tích mối nguy với phương pháp hiện đại cho rất nhiều hoạt chất để xem trong các mẫu trái cây, rau củ quả nhập khẩu về có chứa những hoạt chất nào. Theo quy định, nếu phát hiện có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc bảo quản hoặc kích thích vượt mức cho phép là lô hàng bị giữ lại, bắt buộc tái xuất và bị tăng tần suất kiểm tra, lấy mẫu đối với các lô hàng nhập khẩu sau đó.

Hiện nay trong dịp cuối năm, lượng hàng hóa nhập khẩu về nhiều. Cục Bảo vệ thực vật và Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo các đơn vị tại cửa khẩu tăng cường kiểm tra và lấy mẫu các lô trái cây, nông sản thực phẩm để phát hiện các vi phạm, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

* Bộ NN-PTNT yêu cầu các địa phương cử cán bộ bám sát cơ sở hướng dẫn nông dân thực hiện các quy trình, kỹ thuật sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, chất xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; vận động người dân “nói không” với việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, kháng sinh, chất kích thích sinh trưởng trong sản xuất, kinh doanh; không sử dụng chất cấm trong sản xuất, kinh doanh rau quả, thịt gia súc, gia cầm, thủy sản.

- Một sự kiện mới đây là Việt Nam đã quyết định đóng cửa nhập khẩu trái cây từ Australia. Tuy nhiên nhiều người lại lo ngại nguồn cung trong nước sẽ bị khan hiếm, đẩy giá lên cao…?

Việc tạm đóng cửa đối với các mặt hàng trái cây, nông sản từ Australia để kiểm soát chặt chẽ mối lo dịch ruồi giấm Địa Trung Hải đang hoành hành ở Australia có thể tràn vào Việt Nam, là bước cần thiết để đảm bảo ngăn ngừa dịch hại cho sản xuất nông nghiệp trong nước và cũng gián tiếp bảo vệ người tiêu dùng. Dịp cuối năm và mùa đông, người Việt Nam cũng tiêu thụ ít trái cây nhập ngoại hơn so với mùa hè nên không ảnh hưởng tới giá. Ngoài nguồn trái cây nhập khẩu từ Australia, chúng ta còn nhập từ nhiều nước khác như Thái Lan, Mỹ, New Zealand, Trung Quốc…

- Trong thời gian qua, có không ít mặt hàng nông sản xuất khẩu của chúng ta bị cảnh báo, điều này đã làm ảnh hưởng tới uy tín của nông sản Việt Nam. Vậy cần làm gì để chấn chỉnh?

Năm 2014, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt mốc gần 1,5 tỷ USD, tăng gần 500 triệu USD so với năm trước, bên cạnh các thị trường cũ như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc… chúng ta đã mở rộng thêm hàng loạt thị trường lớn, khó tính và giàu tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Ấn Độ… với hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, xuất khẩu rau quả của chúng ta vẫn còn chứa nhiều rủi ro từ vấn đề kiểm soát an toàn thực phẩm. Đây chính là rào cản kỹ thuật mà nếu không chủ động tháo gỡ thì nông sản Việt Nam sẽ mất lợi thế cạnh tranh, thậm chí bị cấm cửa tại nhiều quốc gia… Do đó, mục tiêu chiến lược quan trọng mà chúng ta cần nhắm tới là sản xuất những mặt hàng rau củ quả sạch - chất lượng, đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế về quy trình, kỹ thuật sản xuất…

Bên cạnh các mô hình sản xuất công nghệ cao, hiện nay một số doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền rau quả đóng hộp, đông lạnh phục vụ xuất khẩu. Rau quả chế biến sâu không chỉ tăng giá trị mà còn đem lại lợi thế cạnh tranh. Kiểm soát chặt chẽ dư lượng là cách để tăng uy tín và giữ vững thị trường cho nông sản Việt Nam. Để làm được điều này, không chỉ cần nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước mà người dân cũng cần nêu cao tinh thần vào cuộc.

- Xin cảm ơn ông!

 

 


Người viết : Phúc Hậu (SGGP)