Lãi 500 triệu đồng/ha từ rau VietGAP

Lãi 500 triệu đồng/ha từ rau VietGAP

Thứ hai, 02/02/2015, 11:02 GMT+7

Đó là kết quả của mô hình liên kết “4 nhà” tại huyện Mộc Châu (Sơn La) trong khuôn khổ Dự án “Cải thiện liên kết giữa thị trường và người sản xuất rau trái vụ vùng Tây Bắc Việt Nam”, do Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Australia (ACIAR) tài trợ.

Thu nhập tăng gấp 2 lần

Trước khi tham gia vào dự án, gia đình anh Nguyễn Văn Thành ở bản Tự Nhiên, xã Đông Sang đã có kinh nghiệm trồng rau nhiều năm, nhưng chủ yếu là canh tác tự phát theo mùa vụ nên thường xuyên phải đối mặt với cảnh được mùa mất giá, thu nhập bấp bênh. Từ năm 2012, được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Sơn La hỗ trợ xây dựng mô hình theo chuỗi sản xuất, tiêu thụ rau an toàn VietGAP, gia đình anh đã có nơi tiêu thụ ổn định thông qua hệ thống siêu thị tại Hà Nội. “Hiện nhà tôi trồng hơn 3.000m2 rau các loại, thu hoạch đến đâu tiêu thụ hết đến đấy, trung bình mỗi năm thu hơn 300 triệu đồng” – anh Thành phấn khởi nói.

Nhờ trồng rau theo quy trình VietGAP, gia đình chị Nguyễn Thị Duyên ở bản Tự Nhiên đã có thu nhập khá.
Nhờ trồng rau theo quy trình VietGAP, gia đình chị Nguyễn Thị Duyên ở bản Tự Nhiên đã có thu nhập khá.
Chị Trần Thị Nhàn ở bản Tự Nhiên cho biết thêm, với hơn 4.000m2 rau trồng theo quy trình VietGAP, nhà chị không chỉ giảm được gần 50% lượng thuốc trừ sâu so với trước, mà đầu ra rất thuận lợi, giá bán cao hơn thị trường tự do gấp 2 lần. “Mỗi năm nhà tôi cung cấp cho thị trường hàng trăm tấn rau củ quả các loại, thu nhập hơn 400 triệu đồng” - chị Nhàn khoe.

Bà Nguyễn Thị Luyến – Chủ nhiệm HTX rau an toàn VietGAP bản Tự Nhiên cho hay, thời gian đầu, việc vận động các hộ dân tham gia vào dự án gặp rất nhiều khó khăn bởi bà con e ngại về hiệu quả kinh tế của mô hình. Tuy nhiên, sau khi triển khai thử nghiệm trên 6 hộ và thu được thành công, cả bản đã có 38 hộ xin tham gia dự án với tổng diện tích canh tác gần 14ha.

Xây dựng thương hiệu rau sạch Mộc Châu

Bà Lê Thị Kim Oanh – Chuyên viên phòng Kinh tế huyện Mộc Châu, điều phối viên dự án cho biết: Mộc Châu được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, thổ nhưỡng và điều kiện địa lý nên việc triển khai dự án đã thu được nhiều kết quả tốt. Cụ thể, tại 3 điểm triển khai, diện tích rau VietGAP đã tăng lên 21ha với 64 hộ tham gia. Nhờ tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất rau an toàn nên chất lượng rau của các hộ luôn đảm bảo, được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Sơn La cấp chứng nhận. Hiện, sản phẩm rau an toàn của bà con đã có mặt tại nhiều siêu thị lớn ở Hà Nội như Minh Hoa, Fivimart, Co.opmart..., giá bán luôn cao gấp 2 lần rau bán ngoài chợ truyền thống. Sau khi trừ chi phí, thu nhập bình quân của bà con đạt khoảng 500 triệu đồng/ha/năm.

Trao đổi với NTNN, ông Lê Phúc Hà – Trưởng phòng Kinh tế huyện Mộc Châu cho biết: “Mộc Châu đang là địa phương có diện tích trồng rau lớn nhất tỉnh Sơn La, với nhiều chủng loại độc đáo. Thời gian qua, huyện đã ký kết hợp tác với một số doanh nghiệp ở Hà Nội để đầu tư và bao tiêu sản phẩm rau an toàn cho bà con. Hiện, chúng tôi đang xúc tiến xây dựng thương hiệu rau sạch Mộc Châu để đến cuối tháng 4 sẽ được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) cấp chứng nhận”.

  Ông Lê Phúc Hà cũng cho biết, nhằm đáp ứng nhu cầu rau sạch của thị trường Hà Nội cũng như mở rộng thêm các thị trường khác, từ nay đến năm 2020, huyện Mộc Châu sẽ phát triển vùng rau VietGAP lên khoảng 300ha, đồng thời đặc biệt chú trọng việc nâng cao chất lượng rau để khẳng định thương hiệu.  

Người viết : Trần Quang (Dân Việt)