Ngày 10/3 vừa qua, 5 ngày sau khi Tạp chí Nông thôn Việt số 2 xuất bản với chuyên đề chính là “Sản xuất, kinh doanh phân bón - Vì sao vẫn rối rắm?”, Trung ương Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã họp hội nghị thường vụ mở rộng tại khách sạn REX, thành phố Hồ Chí Minh. Tuy là cuộc họp thường kỳ của Hiệp hội với nhiều nội dung về nhân sự, phương hướng hoạt động..., nhưng những nội dung mà Tạp chí Nông thôn Việt đã đề cập, lại tiếp tục được nhắc đến một cách cụ thể, đầy bức xúc với tiếng nói của chính những người trong cuộc.
“Nóng” nhất: Nghị định 202!
Nghị định 202 của Thủ tướng Chính phủ quy định về quản lý kinh doanh phân bón vừa có hiệu lực thi hành vào đầu tháng 2/2016 tiếp tục là “tiêu điểm” của các mối quan tâm. Theo báo cáo của Hiệp hội, hiện nay cả nước có hơn 800 cơ sở sản xuất phân bón (tập đoàn, tổng công ty, công ty, chi nhánh), trong đó TPHCM chiếm số lượng lớn nhất với 491 công ty, chi nhánh (bao gồm 267 đơn vị sản xuất phân bón). Số lượng doanh nghiệp ngày càng nhiều, nhưng theo đánh giá, điều đáng lo ngại là mức độ bát nháo ngày càng tăng, chứ không giảm như kỳ vọng sau khi Nghị định 202 và các văn bản hướng dẫn kèm theo ra đời. Thậm chí, theo lãnh đạo Hiệp hội, “tình hình phân bón giả, phân bón kém chất lượng không giảm mà đang có dấu hiệu phức tạp hơn. Lợi ích nhóm, bảo kê, bao che... đã vô hiệu hóa các văn bản. Ngoài thị trường thì các loại phân bón rễ bị biến thành nước, phân bón trung lượng, vi lượng loạn xạ... Phân giả Urea, DAP, Kali bị phát hiện tràn ngập ở Ninh Thuận, Bình Thuận, các tỉnh Tây nguyên, đồng bằng sông Cửu Long. Thanh tra thì ăn hối lộ (Vĩnh Long), quản lý thị trường tham gia bán phân bón giả (Long An)...” Ông Nguyễn Hạc Thuý, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội bức xúc cho rằng: “Tình trạng này kéo dài sẽ khiến nông dân chết, các doanh nghiệp sản xuất đàng hoàng bị ảnh hưởng nặng nề”.
Đồng quan điểm trên, ông Phan Huy Đức, Công ty TNHH Hiếu Giang khẳng định: “Các đơn vị làm ăn chân chính thường bị làm khó, bị trói tay trói chân, dù Nhà nước luôn bảo tạo điều kiện”. Ông nêu cụ thể nhiều trường hợp đã đầu tư nhà máy hàng mấy chục tỷ đồng, đã có sản phẩm bán ra thị trường. Nay, với quy định mới, phải làm thủ tục lại từ đầu. Chỉ riêng công tác khảo nghiệm cần đến 1 năm. Vậy trong thời gian đó phải làm thế nào? Cũng theo ông Đức, việc phối hợp giữa hai Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chưa nhịp nhàng. Đến nay, số lượng doanh nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cấp giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ chưa quá hai bàn tay, trong đó không ít doanh nghiệp được du di “cho nợ” 1, 2 thủ tục. Đại diện Công ty CP Phân lân nung chảy Văn Điển cho rằng, hai năm mà Nghị định 202 đưa ra cho phép các doanh nghiệp hoàn thiện các điều kiện lại chính là khoảng trống rất lớn, sinh ra nhiều hơn nữa các doanh nghiệp đội lốt, làm ăn gian dối. Hay như quy định về hợp quy, bao nhiêu năm không làm, nay yêu cầu làm cũng tốt nhưng chậm chút thì có chết ai. Điều đáng nói là trong khi hướng dẫn Bộ Công thương chưa có, lý ra chưa xong các thủ tục thì chưa phạt, nhưng các cơ quan chức năng lại kiểm tra phạt rất tích cực. Hậu quả là chỉ gây khó cho các doanh nghiệp đàng hoàng; bởi nhiều doanh nghiệp làm hợp quy dỏm 100% thì không biết ai sẽ kiểm tra, kiểm tra được hay không?
Mở đường thoát: xuất khẩu!
Ông Nguyễn Văn Hào, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón và Hóa chất Cần Thơ chua chát: “Doanh nghiệp của tôi thành lập từ 1977, chiếm đến 35 -40% thị phần ĐBSCL. Nhưng đến nay, với những bát nháo, hỗn loạn của thị trường trong nước, đành phải chọn đường thoát là xuất khẩu. Vì sao? Vì không tính tiền quản lý, không tính khấu hao, không tính nhiều thứ khác nữa.. thì giá thành của doanh nghiệp vẫn cao hơn giá của các doanh nghiệp tư nhân (chủ yếu là mới ra đời). Điều đáng nói là họ không có công nghệ vì hiện đại hơn mình. Vậy vì sao họ rẻ hơn, chắc ai cũng biết! Trong khi đó, nông dân miền Tây nói riêng, cả nước nói chung thường không có tiền để mua phân bón, chủ yếu là mua chịu, cuối mùa thu hoạch xong mới trả. Vì thế, họ gần như lệ thuộc hoàn toàn vào các đại lý phân bón. Đại lý phân bón thì hám lợi, cứ ai chiết khấu cao cho mình là thay họ quảng cáo, bán càng nhiều càng tốt, bất chấp chất lượng ra sao? Đồng tình với ý kiến này, một số lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng, họ đang bị cạnh tranh không sòng phẳng. Các thương hiệu càng lớn càng bị làm giả. Tình trạng này vô hình trung khiến cho người dân chọn cách xài hàng ngoại cho chắc ăn. Hậu quả là doanh nghiệp Việt chết trên sân nhà!
Ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng Giám đốc Công ty CP CNN Tiến Nông (Thanh Hóa) lại lưu ý Hiệp hội nên có ý kiến về vấn đề quy hoạch ngành phân bón. Nên hay không nên quy hoạch, cần xác định rõ ràng, vì nếu làm không khéo sẽ dẫn đến tình trạng thừa phân bón, nhất là khi hiện nay nhiều chuyên gia đã cho rằng việc bón phân của người dân Việt Nam là vô cùng lãng phí. Tình trạng này kéo dài không chỉ lãng phí tiền bạc của người dân, mà còn gây ra tác hại vô cùng lớn đối với môi trường, chất lượng đất. Cũng theo ông Phong, Nhà nước cần có các chính sách, cơ chế hỗ trợ để ngành phân bón phát triển, có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực, tiến tới tham gia vào thị trường thế giới. Các thủ tục hành chính cần công khai minh bạch, làm thế nào để quản lý được nhưng không gây khó khăn cho doanh nghiệp. Trên thực tế, theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp, rào cản về thủ tục hành chính (hợp quy, cấp phép…) là rào cản có thật, đặc biệt đối với các doanh nghiệp lớn. Tại hội nghị, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp lắc đầu khi nhắc đến quy định cần có “bằng hóa học” đối với lãnh đạo các doanh nghiệp phân bón. Có vị giám đốc cho biết, ngoài bằng đại học ông đã có trước khi thành lãnh đạo doanh nghiệp, ông đã phải theo học ngành ngoại thương vì doanh nghiệp của ông tham gia xuất nhập khẩu, giờ thì phải chạy đi học để có “bằng hóa học” vì đó là điều kiện bắt buộc đối với doanh nghiệp phân bón. Nhiều giám đốc cho biết 2 năm để có một cái bằng, không phải là chuyện dễ dàng. Điều quan trọng là nó có cần thiết hay không khi bản thân các vị này đã lãnh đạo các doanh nghiệp phân bón nhiều năm và trong doanh nghiệp của họ có hàng chục kỹ sư chuyên ngành hóa.
Cơ quan chức năng … cũng kêu
Có mặt tại hội nghị, lãnh đạo Cục Hóa chất (Bộ Công thương) và Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết: Hiện nay, ai cung cấp thông tin chính xác về tình trạng phân bón giả, kém chất lượng sẽ được thưởng, có mức thưởng đến 50 triệu đồng, tuy vậy thông tin mà các cơ quan chức năng nhận được vẫn chưa nhiều. Hai Bộ cũng đã làm việc với Bộ Công an để siết chặt việc kiểm tra, xử lý, phát hiện những vi phạm trên phạm vi toàn quốc. Về các thủ tục hành chính, các điều kiện cấp phép, do văn bản đã quy định như vậy nên trước mắt phải chấp hành. Tuy nhiên, những kiến nghị của doanh nghiệp cũng được ghi nhận, sẽ đề xuất điều chỉnh nếu thấy hợp lý. Về công tác hậu kiểm, các cơ quan chức năng cho biết đây là việc vô cùng khó khăn. Một vài đoàn kiểm tra đã bị “đầu gấu” đe dọa.