Treo ao, bán đất
Ông Trần Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX Thới An (quận Ô Môn, TP Cần Thơ), than thở: “Nói đến con cá tra là cảm thấy nản. Khó khăn bủa vây người nuôi do giá cả trồi sụt thất thường. Giá cá tra cỡ lớn 1-1,2 kg/con chỉ còn khoảng 21.000 đồng/kg, cá tra cỡ nhỏ hơn giá chỉ 20.000 đồng/kg”.
Với mức giá này, theo ông Hải, người nuôi đang lỗ khoảng 1.000-2.000 đồng/kg. “Nếu tính trong vòng năm năm trở lại đây, nông dân tự bỏ vốn nuôi cá tra đã giảm 90%, chỉ còn khoảng 10% số lượng người nuôi”, ông Hải cho hay. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên, theo ông Hải do xuất khẩu khó khăn, doanh nghiệp (DN) giảm mua cá tra nguyên liệu nên người nuôi cũng phải giảm nuôi.
Người nuôi tôm cũng rơi vào cảnh ngộ tương tự, thậm chí còn bi đát hơn. “Do dịch bệnh, giá bán lại thấp nên nuôi không có lãi. Giá tôm thẻ, tôm sú đều giảm 25.000-35.000 đồng/kg, thấp nhất từ đầu năm đến nay. Ví dụ như tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg đáng ra giá bán phải 100.000 đồng/kg mới có lời nhưng giá hiện nay chỉ 75.000-76.000 đồng/kg”, ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ nhiệm HTX nuôi tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng), buồn bã cho biết.
Trước tình hình trên, nhiều hộ nuôi tôm đành treo ao hoặc bán đất, bán luôn cả trang trại nuôi tôm vì thua lỗ. Ông Nhiệm nói lo nhất là người bỏ tiền mua lại ao nuôi tôm, trang trại lại có thương nhân Trung Quốc đứng đằng sau.
Thu hoạch cá tra ở Thốt Nốt (Cần Thơ). |
Nỗi lo mất thị trường, mất hợp đồng
Ông Hải nói nhiều người lấy hết tài sản ra thế chấp ngân hàng hoặc vay mượn để đầu tư cho con cá có chất lượng tốt. Còn việc chế biến, xuất bán thì DN và cơ quan chức năng phải hỗ trợ nông dân. Bởi vậy phải làm sao để kết nối, liên kết và mở rộng thị trường để DN bán cá có lãi thì lúc đó họ mới mua cho nông dân giá cao được.
Tuy nhiên, hiện các DN xuất khẩu thủy sản cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự như nông dân vì thị trường giảm tiêu thụ, giá bán không thể cạnh tranh lại các nước xuất khẩu khác.
Theo ông Trần Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Công nghiệp Thủy sản Miền Nam - SOUTHVINA (TP Cần Thơ), hiện xuất khẩu cá tra sang thị trường châu Âu và các nước gặp khó nên đơn hàng ít, các DN cạnh tranh với nhau từ đó kéo giá xuất bán sụt giảm. Với thị trường Mỹ thì vẫn gặp rào cản thuế chống bán phá giá nên không nhiều DN vào được thị trường này.
“Dự kiến năm nay thu về từ xuất khẩu khoảng 40 triệu USD nhưng với tình hình khó khăn như hiện nay thì đạt 80% theo kế hoạch đã là mừng”, ông Quang chia sẻ.
Một trong những DN xuất khẩu tôm lớn của nước ta, ông Trần Văn Lĩnh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, chia sẻ: “Thua về giá là nguyên nhân chính khiến tôm xuất khẩu Việt Nam khó cạnh tranh với các nước. Trong khi DN Việt Nam không thể bán giá thấp để cạnh tranh với các nước vì hạ giá là lỗ, nên xuất khẩu hiện đang bế tắc”.
Một số DN xuất khẩu thủy sản khác thì cho rằng nếu xuất khẩu cuối năm khả quan, ổn định trở lại thì DN Việt Nam lại rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu để chế biến xuất khẩu. Nguy cơ mất hợp đồng, mất thị trường vào tay các nhà xuất khẩu thủy sản lớn trên thế giới là rất lớn.
Nuôi gia công để tránh rủi ro
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), nhận định khó khăn nhất của người nuôi tôm, cá hiện nay là thiếu vốn, không thể tiếp cận với vốn vay ngân hàng. Nhiều người chỉ có thể vay được từ các đại lý thu mua nên phụ thuộc và phải mua thức ăn, thuốc thủy sản theo hướng dẫn của các đại lý. “Vì vậy, cần có nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý để hỗ trợ người nuôi”, ông Hòe đề nghị.
Nuôi gia công cho các DN cũng là một trong những giải pháp để người nuôi giảm thiệt hại. Cụ thể người nuôi có ao, DN cung cấp con giống, thức ăn, kỹ thuật; DN sẽ trả phí gia công cho người nuôi (ví dụ: 1 kg cá thu hoạch, người nuôi được trả 2.000 đồng).
Ông Hòe nhận xét: “Hình thức liên kết nuôi gia công này có lợi cho các DN lẫn nông dân. Người nuôi khỏi lo dịch bệnh, giá cả bấp bênh, còn DN vừa đảm bảo nguồn nguyên liệu vừa kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm”.
Về thị trường xuất khẩu, theo ông Hòe, DN cần chú ý cập nhật thông tin các thị trường mà Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA). Từ đó có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu khi thuế quan dỡ bỏ, mở hạn ngạch nhập khẩu như Nga, Hàn Quốc.
VASEP cho hay giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước sáu tháng đầu năm ước đạt gần 3 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2014. Mỹ - thị trường nhập khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam giảm hơn 29% so với cùng kỳ năm 2014. Xuất khẩu sang thị trường khác như Nhật Bản và Hàn Quốc cũng giảm đáng kể. Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, diện tích nuôi cá tra sáu tháng đầu năm ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long giảm mạnh. Như Hậu Giang giảm 24%, Tiền Giang giảm 26%, Bến Tre giảm 24%... Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng đạt 35.000 ha, giảm 26,5% so với cùng kỳ năm ngoái; sản lượng giảm hơn 22%. Cần có nguồn vốn vay trung hạn với thời gian cho vay là 10 năm cho người nuôi tôm, cá. Vì với giá cả bấp bênh như hiện nay, nông dân không xoay trở kịp với việc vay tiền trong thời gian ngắn. Ông Nguyễn Văn Nhiệm - Chủ nhiệm HTX nuôi tôm Mỹ Thanh |