Lâm Đồng: Đẩy mạnh các biện pháp phát triển Hợp tác xã gắn với tái cơ cấu nền kinh tế

Lâm Đồng: Đẩy mạnh các biện pháp phát triển Hợp tác xã gắn với tái cơ cấu nền kinh tế

Thứ hai, 16/03/2015, 16:11 GMT+7

Những năm qua, Lâm Đồng đã hình thành và phát triển được hệ thống các Hợp tác xã (HTX) trong hầu hết các ngành kinh tế và phân bổ ở tất cả các huyện, thành phố thuộc tỉnh. Với lợi thế gắn liền với địa bàn dân cư và dựa vào cộng đồng, khu vực HTX đã có những đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Mô hình một HTX trồng rau tại tỉnh Lâm Đồng (Ảnh: baolamdong.vn)
Mô hình một HTX trồng rau tại tỉnh Lâm Đồng (Ảnh: baolamdong.vn)

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, tính đến gần cuối năm 2014 toàn tỉnh Lâm Đồng có 165 HTX và Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở, 2 Liên hiệp HTX nông nghiệp. Trên lĩnh vực nông nghiệp, toàn tỉnh có 92 HTX nông nghiệp và 2 Liên hiệp HTX với những lĩnh vực hoạt động chính gồm: cung ứng vật tư đầu vào các loại phân bón, thức ăn gia súc, giống cây trồng, giống vật nuôi, hướng dẫn kỹ thuật; tổ chức ký hợp đồng thu mua - tiêu thụ sản phẩm như rau, hoa, sữa…

Trên lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại, tỉnh có 29 HTX, trong đó 26 HTX hoạt động trên lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và 3 HTX hoạt động thương mại. Về lĩnh vực vận tải, toàn tỉnh có 20 HTX, trong đó có 17 HTX đang hoạt động với 810 xã viên.

Kinh tế tập thể (KTTT) trong lĩnh vực nông nghiệp mà nòng cốt là HTX tại tỉnh những năm qua tuy gặp nhiều khó khăn nhưng dần được củng cố, có nhiều bước phát triển, góp phần giải quyết các mối quan hệ sản xuất ở vùng nông thôn. Trong đó, một số HTX, tổ hợp tác (THT) nông nghiệp thực sự là tổ chức đại diện cho nông dân trong việc lập kế hoạch tổ chức sản xuất, cung cấp dịch vụ đầu vào, giải quyết đầu ra cho sản phẩm của các thành viên.

Bên cạnh đó, việc phát triển sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao do các tổ chức KTTT là đầu mối triển khai đã giúp một bộ phận nông dân tiếp cận với những thành tựu mới trên các lĩnh vực giống cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật canh tác, cách quản lý và tổ chức sản xuất, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường. Thông qua đó từng bước giúp nông dân chủ động hợp tác về nhân lực, nguồn vốn; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất tạo ra sản phẩm chất lượng, sản lượng lớn. Đồng thời cũng là cầu nối thu hút được các doanh nghiệp tham gia vào các mối liên kết sản xuất giúp các thành viên an tâm sản xuất. Nhiều HTX, THT đã mạnh dạn mở rộng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, sắp xếp củng cố lại tổ chức để hoạt động theo Luật HTX mới, xúc tiến thương mại mở rộng thị trường tiêu thụ.

Thêm vào đó, liên kết giữa các HTX, THT với các doanh nghiệp, tổ chức khác theo hướng xây dựng những mối quan hệ kinh doanh ổn định, bền vững được tăng cường. Hình thức và nội dung liên kết, hợp tác đa dạng, như ứng trước vật tư, nguyên liệu cho sản xuất, cung ứng giống cây trồng, vật nuôi,…tạo vùng nguyên liệu tập trung, chất lượng và khối lượng sản phẩm đảm bảo yêu cầu cung ứng theo yêu cầu khách hàng.

Tuy nhiên, hiện, số lượng các HTX còn hạn chế, quy mô hầu hết còn nhỏ, sức cạnh tranh chưa cao nên nhìn chung khu vực HTX tại tỉnh phát triển còn chậm cả về lượng và chất. Trong đó, tăng trưởng của khu vực HTX chưa ổn định, còn thấp; hiệu quả hoạt động kinh tế của HTX chưa cao, số lượng HTX có lãi tăng nhưng mức lãi còn ít. Số lượng HTX yếu kém giảm chậm, vẫn còn những HTX hoạt động rất hạn chế, hình thức, làm ăn thua lỗ, lợi ích HTX mang lại cho thành viên chưa nhiều.

Bên cạnh đó, những khó khăn nội tại của HTX chậm được khắc phục, đặc biệt khó khăn về vốn, cơ sở vật chất, công nghệ sản xuất. Trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý các HTX còn yếu. Nhiều cán bộ HTX chưa qua đào tạo chuyên môn nghiệp vụ. Hoạt động của các HTX còn thiếu gắn bó với nhau, chưa có sự liên kết hệ thống cả về kinh tế, xã hội và tổ chức. Các hoạt động liên doanh, liên kết giữa các HTX với nhau còn ít, nội dung hạn chế. Tuy đã hình thành được một số liên hiệp HTX, nhưng quy mô nhỏ, liên kết nội tại chưa chặt chẽ, hiệu quả hoạt động chưa cao, hỗ trợ HTX thành viên còn ít.

Nguyên nhân của những hạn chế trên do bản thân các HTX chưa nỗ lực vươn lên, còn lúng túng trong việc định hướng kế hoạch sản xuất kinh doanh; các nguồn lực để KTTT phát triển còn hạn chế. Đội ngũ cán bộ quản lý HTX thiếu năng động, sáng tạo, trình độ năng lực quản lý điều hành HTX còn hạn chế, đa số là chưa được đào tạo bài bản. Thực lực của HTX chưa đủ mạnh để liên doanh, liên kết phát huy được những lợi thế sẵn có của từng HTX.

Nhằm phát triển KTTT mà nòng cốt là HTX, theo UBND tỉnh Lâm Đồng, thời gian tới, tỉnh sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp thiết thực. Cụ thể, về nông nghiệp, tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng hạ giá thành và nâng cao chất lượng dịch vụ; mở rộng dịch vụ tín dụng nội bộ, dịch vụ tiêu thụ sản phẩm. Thành lập các THT, HTX theo mô hình kinh doanh đa ngành, vừa làm dịch vụ phục vụ hoạt động kinh tế xã viên, vừa phát triển hoạt động tín dụng, thương mại. Tạo điều kiện cho các HTX mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, liên kết, hợp nhất, sáp nhập thành các HTX có quy mô lớn hơn theo hướng mở rộng các dịch vụ phục vụ đa dạng trong nông nghiệp. Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, chuyển giao khoa học công nghệ, khuyến nông, khuyến ngư, bảo vệ thực vật, thú y.

Về công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX mở rộng quy mô, phạm vi hoạt động, đồng thời nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX nhằm cung cấp dịch vụ phục vụ sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của xã viên. Gắn hoạt động đổi mới các HTX với các chương trình khuyến công, để góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại các cụm điểm công nghiệp.

Về thương mại, phát triển các hình thức tổ chức liên kết kinh tế thích hợp giữa các HTX với nhau và giữa HTX với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác theo hướng quy mô vùng hoặc toàn quốc. Phát triển THT, HTX thương mại của các hộ buôn bán cá thể; phát triển HTX chợ, kể cả HTX chợ đầu mối ở những nơi có điều kiện để thu hút đông đảo tiểu thương, người bán hàng tại chợ trở thành xã viên HTX.

Về giao thông vận tải, chú trọng phát triển các HTX cung cấp dịch vụ cơ khí, sửa chữa phương tiện vận tải cho xã viên. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX dịch vụ vận tải, cung cấp các dịch vụ cần thiết cho các thành viên. Khuyến khích tạo điều kiện hình thành các liên hiệp HTX, để các HTX thành viên có điều kiện hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Về xây dựng, khuyến khích thành lập mới HTX, xây dựng thí điểm và phát triển HTX nhà ở; mở rộng HTX cung ứng dịch vụ, vật liệu xây dựng. Về lĩnh vực môi trường, khuyến khích tạo điều kiện phát triển các HTX dịch vụ vệ sinh môi trường tại các khu dân cư. Phát triển các HTX dịch vụ bảo vệ môi trường cho các cơ sở sản xuất (hộ gia đình, cá thể, doanh nghiệp) trên cùng địa bàn; phát triển các HTX nước sạch tại các khu dân cư, nhất là ở nông thôn.

 


Người viết : BT (Báo điện tử ĐCSVN)