Lấy gạo Nhật làm thương hiệu gạo Việt?
Thứ bảy, 05/12/2015, 10:30 GMT+7
Mới đây Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) lại đề xuất đưa thêm giống lúa Japonica của Nhật vào danh mục giống lúa chọn làm thương hiệu gạo Việt Nam.
Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã ưu tiên chọn ba giống lúa gồm Jasmine, lúa thơm và nếp đặc sản để xây dựng thương hiệu.
Thế nhưng mới đây Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) lại đề xuất đưa thêm giống lúa Japonica của Nhật vào danh mục giống lúa chọn làm thương hiệu gạo Việt Nam. Đề xuất này lập tức vấp phải sự phản đối của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp.
Coi chừng bị kiện
Giải thích lý do đưa giống lúa Nhật vào danh mục chọn xây dựng thương hiệu gạo quốc gia, ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng Thư ký VFA, cho biết do giống lúa này đang được nhiều thị trường tiêu thụ mạnh. Riêng vụ đông xuân, lúa Japonica được trồng hơn 5.000 ha, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, sản xuất tại Việt Nam.
“Ngoài ra, mới đây VFA và Bộ Công Thương đã có chuyến khảo sát tại Trung Quốc qua đó cho thấy thị trường này đang có nhu cầu nhập loại gạo trên rất lớn” - ông Huệ cho biết thêm.
Việt Nam có nhiều giống lúa gạo đặc sản có thể chọn làm thương hiệu. Ảnh: HTD |
Tuy nhiên, GS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, một trong những chuyên gia hàng đầu trong ngành lúa gạo, lại có góc nhìn hoàn toàn khác. GS Xuân đánh giá gạo Japonica là gạo ngon và nổi tiếng nhất Nhật Bản. Loại gạo này hạt tròn, dẻo, hương thơm. Khi chín, hạt cơm trắng bông, căng bóng rất hấp dẫn. Đặc biệt loại gạo này chứa nhiều chất chống ôxy hóa giúp phòng, chống bệnh tật và người Nhật thường chọn làm sushi.
“Tuy nhiên, tại Việt Nam, các giống lúa Japonica chủ yếu được trồng ở các tỉnh phía Bắc. Cũng là Japonica nhưng trồng ở Việt Nam không dẻo như gạo Japonica trồng tại Nhật nên rất khó được các thị trường khó tính chấp nhận. Còn thị trường Trung Quốc thì rủi ro cao” - GS Xuân phân tích.
Hơn nữa, theo GS Xuân, phải xem xét vấn đề bản quyền. Bởi nếu đây không phải là giống lúa do Việt Nam lai tạo, không dính líu gì đến gen lúa Việt Nam, hoặc không phải giống được lấy từ Viện Lúa Quốc tế (IRRI) thì không nên chọn làm thương hiệu quốc gia vì có thể đối diện với các vụ kiện tranh chấp. “Tốt nhất không nên chọn gạo Japonica làm thương hiệu gạo Việt” - GS Xuân chốt lại.
Thị phần khiêm tốn, kén người mua
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát, cho rằng khi chọn loại gạo vào danh mục xây dựng thương hiệu gạo Việt thì nó phải đáp ứng được các yêu cầu như có sản lượng đủ lớn, được thị trường chấp nhận, chất lượng cao, có giá cả cạnh tranh.
Là đơn vị đang trồng giống lúa Japonica, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An, cho biết hiện nay công ty có vùng nguyên liệu khoảng 1.000 ha trồng giống lúa trên. Hiện công ty xuất khẩu mặt hàng này theo đơn đặt hàng của đối tác Nhật Bản và Úc với giá xuất khẩu khoảng 700 USD/tấn, cao hơn so với gạo thơm cao sản Jasmine.
Tuy nhiên, ông Bình cho rằng không thể lấy gạo Japonica, một giống gạo đặc sản Nhật làm thương hiệu gạo xuất khẩu Việt Nam. Bởi giống Japonica đang trồng tại Việt Nam cũng chưa đạt đúng chất lượng của loại giống lúa này, hạt cơm dẻo nhưng không đủ độ dẻo và chất lượng để làm sushi - món ăn truyền thống của người Nhật.
“Nói thị trường loại gạo này tiềm năng nhưng thực ra sản lượng tiêu thụ không lớn, chủ yếu là thị trường ngách cao cấp. cần chọn những loại gạo có thị trường lớn, chất lượng tốt, năng suất cao và có tính Việt Nam làm thương hiệu” - ông Bình đề nghị.
Một số công ty xuất khẩu gạo khác cũng cho biết Japonica không phải giống gạo Việt Nam. Rất ít người mua về ăn hằng ngày như các loại gạo khác.
Nên học người Thái
Theo ông Tuấn, hiện nay Thái Lan chỉ có khoảng 10 giống lúa, trong khi Việt Nam có trên 100 giống lúa. Không chỉ vậy, lúa Việt Nam trồng xen lẫn nhau, manh mún… nên nhiều năm qua không thể xây dựng được thương hiệu gạo quốc gia.
Tuy vậy, trong hàng trăm giống lúa của Việt Nam có nhiều giống đặc sản vừa thơm, ngon, năng suất cao, vừa có thể trồng được số lượng lớn, xuất khẩu khá tốt. Nếu chọn những giống lúa này làm thương hiệu quốc gia có thể phát triển với diện tích lớn, phục vụ tốt xuất khẩu, thay vì chọn một giống gạo của nước khác.
Chia sẻ quan điểm này, GS Xuân cho hay Thái Lan đã làm thương hiệu gạo cách đây 30 năm. Chẳng hạn với hai loại gạo thơm đặc sản của Thái Khao Dawk Mali hay Thaihommali, các nhà khoa học sau khi thống nhất chọn làm thương hiệu, họ ra đồng lựa những nhánh lúa chất lượng nhất đem về làm giống, nhân giống cho nông dân trồng. Sau đó thành lập tiểu ban đánh giá chất lượng gạo quốc gia. Tiếp đến, các chuyên gia về lúa gạo ăn thử các loại gạo xem loại nào thơm, ngon cơm nhất sẽ chọn loại đó làm thương hiệu quốc gia. Thái Lan chỉ chọn ra 3-4 giống lúa với hơn 10 doanh nghiệp xây dựng thương hiệu gạo.
“Học người Thái, Campuchia cách đây vài năm cũng đã xây dựng được thương hiệu gạo. Họ chọn ra tám doanh nghiệp có năng lực, tâm huyết với ngành gạo, được rót vốn hỗ trợ, xây dựng những trung tâm chế biến gạo hiện đại, phát triển vùng nguyên liệu trồng các loại gạo muốn xây dựng thương hiệu quốc gia” - ông Xuân chia sẻ.
Đề xuất một số loại gạo Việt làm thương hiệu Một số chuyên gia cho rằng Việt Nam nên phát triển một số loại gạo để xây dựng thương hiệu gạo quốc gia. Thứ nhất là gạo thơm + cao sản như Jasmine, gạo ST Sóc Trăng khai thác những thị trường cao cấp, khó tính. Thứ hai là gạo đặc sản địa phương “gen Việt Nam”, gạo thơm, dẻo ngon cơm như Nàng thơm chợ Đào, Tám Xoan, Hương Sen… Thứ ba là loại gạo cao sản, chất lượng trung bình như IR50404, OM6365 phục vụ những thị trường tiêu thụ số lượng lớn với giá rẻ như Đông Nam Á, châu Phi. Cuối cùng là nhóm gạo nếp năng suất cao. Phải chọn gạo thuần Việt Nói đến thương hiệu gạo quốc gia là phải chọn loại gạo thuần Việt, có tính Việt vì nó là linh hồn của ngành gạo nước ta. Vì thế giống lúa Nhật Japonica không thể chọn làm thương hiệu gạo Việt. Hơn nữa giống lúa này có nguồn gốc trồng ở khí hậu ôn đới, dù vẫn thích nghi nhiệt đới nhưng chất lượng sẽ không cao. Việt Nam có thể chọn những giống lúa cao sản, gạo trắng hạt dài như Jasmine vì giống lúa này đã được người Việt thuần hóa. GS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL |
Các tin khác :
- VEDAN VIỆT NAM LIÊN TIẾP KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ VỚI “THƯƠNG HIỆU VÀNG NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2024” (24/10/2024)
- HDBank vừa đồng loạt triển khai những hoạt động ý nghĩa, sát cánh cùng khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi và hoàn lưu bão (24/10/2024)
- Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam: Cùng Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam, Agribank kiến tạo tương lai tươi sáng cho nông nghiệp Việt (22/10/2024)
- Triển lãm Quốc tế VINACHEM EXPO 2024 và CAC Vietnam 2024 sẽ diễn ra từ ngày 27 - 29/11/2024 tại Trung tâm Hội chợ & Triển lãm Sài Gòn (SECC) (11/04/2024)
- Tổng hội NN&PTNT Việt Nam tập huấn liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và thị trường nông sản tại Bắc Kạn (19/11/2021)
- Lãnh đạo Tổng hội nông nghiệp và PTNT Việt Nam đã đến thăm và làm việc tại Sơn La (19/03/2021)
- Hơn 8.000m2 rừng bị tàn phá ở Kon Tum (23/10/2020)
- Kết luận của Phó Thủ tướng về việc xuất khẩu gạo (23/04/2020)
- Thủ tướng chỉ thị cấp bách tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó dịch Covid-19 (25/03/2020)
- Huyện Đức Hòa đưa thêm 3 công trình cầu giao thông nông thôn vào sử dụng (17/02/2020)