Lâu nay, nhiều báo cáo đã đề cập đến việc liên kết trong chăn nuôi nhưng chỉ giới hạn ở liên kết dịch vụ chăn nuôi mà chưa nói đến “liên kết để tạo ra chuỗi giá trị hàng hóa hoàn chỉnh”.
Các liên kết chuỗi giá trị hàng hóa bán hoàn chỉnh
Bán hoàn chỉnh ở đây chính là các mối liên kết chưa tạo ra được một chuỗi giá trị hàng hóa khép kín từ A đến Z, thiếu khâu này hay khâu khác trong chuỗi giá trị hàng hóa hoàn chỉnh. Sau đây là một số ví dụ về mối liên kết bán hoàn chỉnh - liên kết dịch vụ, thể hiện ở các dạng sau:
a. Nuôi gia công cho các công ty (đầu vào, đầu ra do công ty lo) phương thức này có lúc gây khó khăn cho người nuôi khi ế hàng.
b. Đầu vào do DN liên kết với HTX bán con giống, thức ăn, thú y và hỗ trợ kỹ thuật cho người nuôi, sản phẩm bán cho DN. Doanh nghiệp tự giết mổ - chế biến đưa ra thị trường, hoặc giao vật nuôi sống cho các nơi khác (phương thức này HTX chỉ đại diện người nuôi làm dịch vụ một phần đầu vào. Không cân đối được nhu xã hội, không ổn định thu nhập cho người nuôi khi ế hàng).
c. Đầu vào: Chỉ bán con giống, người nuôi tự mua thức ăn hoặc pha chế thức ăn, mua thuốc thú y trên thị trường để sử dụng hay nhờ thú y địa phương giúp đỡ. Đầu ra: Bán gà thịt, một phần giết mổ đưa ra thị trường (liên kết không hoàn chỉnh đầu vào, đầu ra tự do người nuôi chắc chắn không ổn định thu nhập).
d. Đầu vào mua qua dịch vụ HTX: Con giống – thức ăn – thú y. Đầu ra: Người nuôi bán gà thịt hoặc trứng thương phẩm cho thương lái (phương thức này người nuôi không ổn định thu nhập).
e. Đầu vào: HTX chỉ cung cấp con giống (thức ăn và thuốc thú y mua tự do). Đầu ra bán gà thịt theo hợp đồng cho các cơ sở giết mổ tư nhân, hay hợp đồng dịch vụ với HTX (không liên kết chặt chẽ trong chuỗi sản xuất, thu nhập người nuôi không ổn định).
f. Đầu vào: Dịch vụ tự do. Đầu ra: Thu mua giết mổ - đối với vịt thịt và trứng muối (liên kết này tùy theo giai đoạn, phụ thuôc về nhu cầu của thị trường, không ổn định thu nhập cho người nuôi hoặc chỉ thu nhập theo mùa vụ).
Trong quyết định liên Bộ số 986/QĐ-BNN-BKHCN ngày 9/5/2014 tất cả các danh mục trong Quyết định chưa thấy đề cập đến công nghệ sau thu hoạch của chăn nuôi, do vậy cần có một chính sách đồng bộ về lĩnh vực này để hình thành những cụm công nghệ giết mổ, chế biến, bảo quản, tồn trữ và thị trường sau thu hoạch trong ngành chăn nuôi ở một số vùng với cấp độ khác nhau. |
Với những rủi ro như đã nêu trên người nuôi không an tâm sản xuất vì bấp bênh ở đầu ra. Vậy cần liên kết tạo ra chuỗi giá trị hàng hóa dù ở quy mô nào cũng giúp chăn nuôi phát triển bền vững, liên kết đó sẽ đem lại lợi ích cho các thành viên.
Chăn nuôi ở Việt Nam hầu như thiếu liên kết để tạo ra chuỗi giá trị hàng hóa, lý do chính là tiềm thức của nông dân còn ảnh hưởng nặng bởi nền văn hóa sản xuất tiểu nông, thiếu tin tưởng trong phân chia quyền lợi, chưa có một chính sách phù hợp cụ thể và đồng bộ để khuyến khích và hỗ trợ các mô hình tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa chính là chuỗi sản phẩm từ chăn nuôi đến giết mổ - chế biến - bảo quản, tồn trữ sau thu hoạch và thị trường và sẽ tạo ra thương hiệu hàng hóa có chất lượng, an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, ổn định sản xuất, thu nhập ổn định.
Do chưa có tiền lệ hỗ trợ ở khâu sau thu thoạch của chăn nuôi trong sản xuất nông nghiệp, chưa có chính sách cụ thể để tạo ra một ngành công nghiệp chế biến sản phẩm chăn nuôi phổ cập với quy mô phù hợp ở cấp hợp tác xã. Chính điều này là một trong những yếu tố làm cho ngành chăn nuôi còn lắm rủi ro.
Liên kết khép kín trong chăn nuôi ở cấp độ HTX
Hiện chúng ta đã có một số mô hình liên kết khép kín trong chăn nuôi ở dạng HTX song chưa đủ sức khâu nối các mô hình này trong một khu vực để tạo ra chuỗi giá trị hàng hóa về sản phẩm chăn nuôi từ giết mổ, chế biến, bảo quản, tồn trữ và tiêu thụ ở cấp vùng.
Muốn liên kết tạo ra được chuỗi giá trị hàng hóa mà doanh nghiệp không tự nguyện tham gia sẽ không có đầu ra ổn định cho sản phẩm của người nông dân. Chính vì lẽ đó Nhà nước cần có chính sách cụ thể về đất đai, vốn vay phù hợp cho các doanh nghiệp để đầu tư cho công nghiệp giết mổ, chế biến, bảo quản, tồn trữ đưa ra thị trường qua đó hình thành cụm công nghiệp phù hợp.
Trước tiên chúng ta xem một số dạng mô hình liên kết để tạo ra chuỗi giá trị hàng hóa tại một số HTX chăn nuôi “Dù làm cật lực nhưng cuộc sống của các hộ chăn nuôi gà vẫn sống bấp bênh. Không chỉ chống đỡ dịch bệnh hoành hành, người dân còn chịu rủi ro lớn khi đầu ra không đảm bảo, giá cả lên xuống thất thường vì luôn bị thương lái ép giá”. Đây là nhận xét của chủ nhiệm HTX chăn nuôi Gò Công khi chưa liên kết hình chuỗi giá trị hàng hóa của chăn nuôi.
Từ bốn mô hình liên kết hoàn chỉnh với quy mô khác nhau (bảng), chúng ta có nhận xét chung:
Những mô hình liên kết sản xuất ở một số đơn vị điển hình tuy có nhiều thuận lợi cho dù chưa khép kín, song cũng có những tồn tại trong quá trình sản xuất khi liên kết bị trắc trở đầu ra như ở HTX chăn nuôi và dịch vụ Sơn Tây (Hà Nội). Do không liên kết khép kín được từ chăn nuôi đến giết mổ, chế biến và thị trường nên những năm trước 2014 HTX đã vấp phải khó khăn do đầu ra, không ổn định thu nhập, người chăn nuôi gặp khó khăn. Từ năm 2014 khi có chuỗi liên kết với công ty CP GREEN FOOD được thành lập và đi vào hoạt động, mối liên kết này đã ổn định, tiêu thụ được sản phẩm.
- Khi có liên kết khép kín sản phẩm có đầu ra ổn định, đảm bảo cho người nuôi có lãi, ổn định thu nhập, sản phẩm có thương hiệu để phát triển.
- Liên kết khép kín (HTX, DN) lo cả đầu vào và đầu ra như con giống, thức ăn, thuốc thú y và các dịch vụ khác, tiêu thụ toàn bộ sản phẩm cho người chăn nuôi để giết mổ, chế biến, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm có thương hiệu của mình.
- Liên kết sẽ có điều kiện tốt cho ứng dụng rộng rãi các quy trình kỹ thuật tiên tiến trong chăn nuôi, chế biến, bảo quản, đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.
- Có cụm công nghiệp giết mổ, chế biến, bảo quản, tồn trữ và mở rộng thị trường chăn nuôi ở từng gia đình sẽ có thay đổi nhanh chóng về quy mô đàn vì ổn định đầu ra. Cân đối được đầu ra và đầu vào trong sản xuất. Không bị thương lái ép giá, giúp chăn nuôi phát triển.
- Quy mô chăn nuôi càng lớn thu nhập càng cao. Sản phẩm có thương hiệu mở rộng được thị trường.
- Khi liên kết khép kín sẽ tạo ra nguồn vốn, có công nghệ tốt và có đầu ra phát triển.