Liên kết sản xuất để vụ đông thực sự thành vụ chính

Liên kết sản xuất để vụ đông thực sự thành vụ chính

Thứ tư, 14/01/2015, 15:50 GMT+7

 

Những năm gần đây, một số diện tích gieo trồng cây vụ đông trong tỉnh như khoai tây, ngô, cà chua... được các doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, mang lại hiệu quả cao so với sản xuất đại trà, đưa vụ đông trở thành vụ sản xuất chính. Việc tăng cường liên kết giữa 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp tạo bước đột phá, nâng cao giá trị sản xuất trên một diện tích canh tác.
Các mối liên kết sản xuất

Có lẽ, chưa bao giờ vấn đề liên kết sản xuất lại “nóng” như hiện nay, khi mà câu chuyện được mùa-mất giá, hay nông dân bị thương lái ép giá ngay cả khi mất mùa xảy ra ở nhiều nơi. Liên kết để sản xuất bền vững là nhu cầu tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại. Nông dân cần doanh nghiệp để làm chỗ dựa cho sản phẩm của mình, còn doanh nghiệp trong thời đại cạnh tranh khốc liệt cũng muốn tìm kiếm vùng nguyên liệu ổn định, chất lượng bảo đảm.

Mỗi năm, từ sản xuất vụ đông, toàn tỉnh thu được sản lượng ngô từ 8.000-9.000 tấn, khoai tây từ 32.000-35.000 tấn, khoai lang từ 5.000-6.000 tấn, đậu tương từ 900-1.000 tấn... góp phần quan trọng vào phát triển chăn nuôi. Với vai trò là cầu nối trong liên kết 4 nhà, thời gian qua, các đơn vị chức năng, tổ chức đoàn thể trong tỉnh đã tăng cường chuyển giao mô hình sản xuất, hỗ trợ con giống, vật tư, kỹ thuật, khuyến khích nông dân tham gia các mô hình kinh tế hợp tác, tổ hợp tác nhằm hạn chế tình trạng mạnh ai nấy làm gây khó khăn cho công tác quản lý.
 
Nông dân thôn Lạc Nhuế, xã Thụy Hòa (Yên Phong) chăm sóc cây trồng vụ đông.
Nông dân thôn Lạc Nhuế, xã Thụy Hòa (Yên Phong) chăm sóc cây trồng vụ đông.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thúy, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Chúng tôi chủ trương chọn các địa phương có truyền thống, tư duy sản xuất hàng hóa trong vụ đông làm nền tảng để xây dựng các mô hình điểm, đồng thời nỗ lực kết nối các doanh nghiệp với người sản xuất. Trên cơ sở thực tiễn và sự trao đổi, thỏa thuận giữa doanh nghiệp, người dân sẽ quyết định hình thức và quy mô liên kết. HND đóng vai trò tham gia chỉ đạo, hỗ trợ KHKT, vận động bà con áp dụng vào sản xuất, hướng tới những sản phẩm an toàn cung cấp cho thị trường...

Điển hình như huyện Yên Phong, cùng với việc ký kết cung ứng phân bón trả chậm hàng trăm tấn mỗi năm, HND huyện tích cực phối hợp với các công ty, doanh nghiệp lớn như: Công ty TNHH Samsung Electronic, Orion Việt Nam, Foseca... thu mua, tiêu thụ các sản phẩm nông sản, thủy sản, trứng, thịt gia cầm... của hội viên. Trong năm 2014, các đơn vị này thu mua nông sản với tổng trị giá lên tới hàng tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hàng trăm triệu đồng.

Tại các huyện Tiên Du, Gia Bình, Lương Tài... các mô hình liên kết sản xuất cũng bước đầu phát huy hiệu quả như mô hình trồng măng tây xanh, khoai tây Atlantic sử dụng chế phẩm sinh học, hay các mô hình trồng rau an toàn, trồng nấm... Qua đó, góp phần hình thành sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương, thực hiện có hiệu quả chương trình xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên vẫn còn một số mô hình liên kết lỏng lẻo dẫn đến hiệu quả mang lại chưa cao.

Có những mô hình tăng lợi tức cho người nông dân, nhưng nhiều doanh nghiệp không mặn mà với cách làm này, do nông nghiệp là ngành chịu tác động trực tiếp bởi thời tiết, dịch hại, mùa vụ, trong khi thời gian đầu tư dài, rủi ro cao. Thay vì liên kết để thu mua nông sản trực tiếp từ người nông dân thì nhiều doanh nghiệp lại duy trì kết nối với hệ thống thương lái. Thêm vào đó, một trong những khó khăn lớn hiện nay là quy hoạch đồng ruộng của nhiều địa phương chưa đồng bộ, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu.

Để liên kết bền vững

Liên kết trong sản xuất đạt được những kết quả tích cực, nhưng nhận thức của người nông dân trong việc liên kết cùng doanh nghiệp, ở nhiều nơi, nhiều thời điểm, vẫn còn hạn chế. Ví dụ, trong định hướng phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, ngành Nông nghiệp hướng dẫn nông dân sản xuất theo hướng Việt GAP. Theo đó, phải thực hiện ghi chép nhật ký sản xuất trên cây lúa, cây ăn quả và rau màu, nhưng hầu hết nông dân đều không đáp ứng yêu cầu...

Đã có trường hợp cuối vụ sản xuất, nông dân nói đạt chuẩn, doanh nghiệp bảo không, tranh chấp lợi ích phát sinh dẫn đến nhiều mô hình liên kết vỡ lở trong sự nuối tiếc. Cũng có không ít trường hợp nông dân vì lợi ích trước mắt mà tự “xé rào” bán sản phẩm ra ngoài với giá cao hơn… Để hạn chế tình trạng này, trước hết, các cấp, ngành, đoàn thể không thể “vắng mặt” trong chuỗi liên kết, trở thành người bảo hộ cho mối quan hệ này. Và tất nhiên, mỗi doanh nghiệp trước khi thực hiện liên kết, phải chuẩn bị cơ bản điều kiện cần và đủ, nhất là phương án bảo quản sản phẩm sau thu hoạch để bảo vệ lợi ích của người nông dân.

Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương, thực hiện tốt quy hoạch sản xuất. Căn cứ điều kiện, lợi thế của từng địa phương lựa chọn phát triển các đối tượng cây trồng cho năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đồng thời, đổi mới cơ chế quản lý trong sản xuất, chế biến nông sản, tạo ra hành lang pháp lý chặt chẽ để giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư; có chính sách khuyến khích việc gắn kết giữa sản xuất nguyên liệu và doanh nghiệp chế biến; phát huy vai trò của các HTX, tổ hợp tác trong các vùng nguyên liệu để làm đầu mối tổ chức sản xuất, thu mua sản phẩm; tạo ra liên kết bền vững, để vụ đông thực sự trở thành vụ sản xuất chính, mang lại hiệu quả cao cho bà con nông dân.

 

Người viết : Việt Anh (Báo Bắc Ninh)