Liên kết sản xuất, tiêu thụ trái cây vùng ĐBSCL

Liên kết sản xuất, tiêu thụ trái cây vùng ĐBSCL

Thứ hai, 15/08/2016, 09:53 GMT+7

Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Cục Trồng trọt và Sở NN-PTNT Tiền Giang tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chủ đề “Liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ trái cây vùng ĐBSCL” với sự tham gia của nhà khoa học, DN và nông dân các tỉnh...

Vẫn tự sản, tự tiêu

Theo Cục Trồng trọt, toàn vùng ĐBSCL hiện có trên 307.000ha cây ăn trái, chiếm tỉ lệ 37,5% diện tích cây ăn trái cả nước, sản lượng hàng năm đạt khoảng 3,5 triệu tấn trái các loại. Trong đó, những tỉnh có diện tích cây ăn trái lớn như Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bến Tre… với nhiều loại cây chủ lực có giá trị kinh tế cao như chuối, xoài, cam, dứa, bưởi, thanh long,…

Những năm gần đây năng suất chất lượng các loại cây trái không ngừng tăng lên nhờ các địa phương chú trọng ứng dụng các TBKT từ khâu tuyển chọn giống, thâm canh theo hướng GAP và xử lý cho trái rải vụ…

Hiện toàn vùng có khoảng 9.400ha thanh long, trên 150ha xoài, gần 50ha sầu riêng, 126ha nhãn được cấp chứng nhận VietGAP hoặc GlobalGAP. Tuy nhiên, những diện tích cây ăn trái sản xuất theo GAP, được cấp chứng nhận còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường.

Theo thống kê, kim ngạch xuất khẩu trái cây Việt Nam đang tăng nhanh và có mặt tại nhiều nước trên thế giới. Năm 2015, trái cây được xuất khẩu tới 60 nước và vùng lãnh thổ, kim ngạch đạt trên 1,8 tỷ USD, tăng gần 8 lần so với năm 2005. Chỉ riêng 7 tháng đầu năm 2016, Việt Nam xuất được gần 1,4 tỷ USD rau quả, tăng 135,5% so cùng kỳ.

Tuy nhiên, thực tế khâu liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ vẫn lỏng lẻo, kém bền vững. Sản xuất manh mún, nhà vườn trồng cây ăn quả vẫn còn “chạy theo phong trào”, không theo quy hoạch, dẫn đến tình trạng “trồng chặt” liên tục xảy ra; công tác giống và quản lý chất lượng còn nhiều bất cập.

Ông Huỳnh Văn Hừng ở ấp Quang Khương, xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang canh tác 1ha thanh long theo quy trình VietGAP bộc bạch: “Nông dân vùng chuyên canh chúng tôi thường “tự sản, tự tiêu” là chính, nhất là khi đến đợt thu hoạch rộ phải chạy tìm thương lái, thậm chí đem sản phẩm bán lẻ tại các chợ. Mong muốn nhất của nhà vườn là làm sao giải quyết được đầu ra cho trái thanh long bền vững. Hiện việc tiêu thụ chủ yếu lệ thuộc vào thương lái nên giá cả bấp bênh, không ổn định…”.

Theo ông Trần Công Lên, Chủ nhiệm CLB Khuyến nông xã Đạo Thạnh, TP Mỹ Tho, Tiền Giang thì mặc dù sản xuất cây ăn trái theo VietGAP nhưng việc tiêu thụ sản phẩm ở địa phương ông vẫn còn gặp nhiều khó khăn và chưa tham gia vào chuỗi liên kết nào. Nếu tổ chức được chuỗi liên kết tạo đầu ra bền vững cho các sản phẩm trái cây thì quá tốt và khi bà con thấy được quyền lợi của mình trong chuỗi liên kết thì sẽ sẵn sàng tham gia.

Đẩy mạnh chuỗi liên kết

Theo Viện Cây ăn quả miền Nam (SOFRI), cần đẩy mạnh liên kết giữa các vùng sản xuất để điều phối rải vụ hợp lý; khuyến khích các DN đầu tư vùng nguyên liệu gắn với sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP nhằm đảm bảo yêu cầu đa dạng cho xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào một thị trường.

13-42-52_2
Nông dân đang phải “tự bơi” khi không tham gia chuỗi liên kết

Chia sẻ tại diễn đàn, TS Nguyễn Hữu Đạt, Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng: “Nhược điểm lớn nhất trong việc tổ chức các chuỗi liên kết của ta hiện nay còn rất yếu và lỏng lẻo, chưa cho nông dân thấy rõ được lợi ích khi tham gia vào chuỗi. Do vậy, việc tiêu thụ các mặt hàng nông sản và trái cây vẫn chủ yếu buôn bán trôi nổi trên thị trường nên bị tư thương ép giá và nông dân phải chịu thiệt thòi”.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt nhấn mạnh, việc thực hiện liên kết của ta chưa bền vững, chặt chẽ và chưa có những cơ chế để thực hiện tốt sự liên kết giữa DN với người sản xuất. Thực tế, DN mới chỉ dừng lại ở việc liên kết thu mua sản phẩm, còn chưa quan tâm nhiều đến việc sản xuất. Hơn nữa, việc cam kết trách nhiệm trong hợp đồng giữa hai bên còn chưa đảm bảo tính pháp lý chặt chẽ. Do vậy, khi “bể kèo” thì các bên chỉ biết kêu than mà không ai giải quyết được gì.

Cục Trồng trọt sẽ tham mưu cùng Bộ, ngành Trung ương có liên quan để tăng cường liên kết sản xuất, điều hành hiệu quả rải vụ thu hoạch, quản lý tốt qui hoạch phát triển cây ăn quả vùng ĐBSCL. Nhà nước cần nghiên cứu đưa các chính sách phát triển cây ăn quả phù hợp để thực sự đi vào đời sống…

Ông Trần Văn Khởi, Quyền GĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia: "Hiện nay vấn đề liên kết cực kỳ quan trọng, đây chính là chìa khóa của sản xuất hàng hóa. Còn nếu không liên kết được thì các mặt hàng nông sản không thể vươn ra thị trường xuất khẩu được. Để liên kết sản xuất hiệu quả, cần có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, tạo ra năng lực quản trị và nội quy đồng thuận cho các HTX. Chính quyền là trọng tài rất quan trọng để điều khiển các bên giúp tỉ lệ thành công cao”.

 


Người viết : Nông Nghiệp Việt Nam