Liều mình đưa tôm càng xanh… lên núi nuôi
Thứ sáu, 22/04/2016, 14:08 GMT+7
Thành công với lĩnh vực nước khoáng đóng chai, chàng kỹ sư cơ khí bất ngờ chuyển sang làm kinh tế nông nghiệp và đều thành công ở những mô hình mà anh thực hiện.
Tốt nghiệp ngành cơ khí chế tạo máy Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, Nguyễn Minh Vương (SN 1979, ngụ khu 5, phường Thác Mơ, thị xã Phước Long, Bình Phước) không trụ lại nơi phồn hoa đô hội kiếm việc như nhiều người mà quyết định về quê lập nghiệp. Lúc đầu, Vương cùng gia đình làm nghề khai thác đá. Sau một thời gian, chàng kỹ sư trẻ quyết định lập công ty sản xuất nước đóng chai.
Đưa tôm càng xanh… lên núi nuôi!
“Khi nhãn hiệu nước đóng chai của tôi đã đứng vững trên thị trường, tôi dành nhiều thời gian hơn cho nông nghiệp. Nhận thấy cái ao rộng gần 3 sào (3.000m2) trong rẫy lúc nào cũng có nước, tôi nghĩ phải bắt nó sinh ra tiền với mô hình nuôi cá lăng”- anh kể.
Kỹ sư cơ khí Nguyễn Minh Vương bên trại “Vịt trời Thác Mơ” mỗi năm cho lãi 300 triệu đồng. Ảnh: T.T
Số cá lăng anh nuôi được các hàng quán tại thị xã Phước Long tiêu thụ hết dù bán với giá 150.000 đồng/kg. Tuy nhiên anh Vương nhận thấy, về lâu dài vẫn không địch lại giá cá lăng của những người nuôi bằng bè, chỉ bán với giá 70.000 đồng/kg. Vì thế sau 2 vụ nuôi khá thành công, anh quyết định chuyển sang… nuôi tôm càng xanh trên núi!
“Lúc đó tôi chưa có kinh nghiệm nên sản lượng tôm thất thoát nhiều, không đủ cung cấp cho thị xã Phước Long dù bán với giá 450.000 đồng/kg (loại 5-10 con/kg) và 350.000 đồng/kg (loại 15-20 con/kg). Sau vụ nuôi thử nghiệm, trừ hết chi phí tôi vẫn lời 100 triệu đồng” - anh hào hứng kể.
"Với những gì đã, đang thực hiện đều đem lại hiệu quả kinh tế khá cao, tôi tin chắc một ngày không xa những dự tính của mình nhất định thành công. Bởi một khi biết tư duy, dám lao vào những mô hình chưa ai làm và biết áp dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp, thì dù với diện tích không lớn cũng đem lại cuộc sống no đủ”. Anh Nguyễn Minh Vương |
Tôi hỏi vì sao không tiếp tục nuôi tôm càng xanh, vì chỉ chưa đầy 3 sào mặt nước đã lời 100 triệu đồng, hơn hẳn thu nhập từ 1ha điều hoặc 1ha cao su? Anh Vương cho biết, thực ra anh không bỏ ý định nuôi tôm càng xanh, nhưng thời điểm 2014 nghe nhiều thông tin cho rằng trong vài năm sau sẽ có El Nino dẫn đến thiếu nước, chưa kể giống tôm càng xanh thời điểm đó phần lớn bị thoái hóa.
Vì vậy anh bỏ thời gian tới các trại nuôi vịt trời để tham quan, tìm hiểu cách thức nuôi, ấp trứng. “Thấy vịt trời nuôi khá dễ, tháng 3.2015, tôi ra tận tỉnh Bắc Giang mua 100 con giống (20 con trống, 80 con mái) với giá 380.000 đồng/con loại 7 tháng tuổi, rồi thuê xe chở về Bình Phước nuôi”.
Từ 100 con vịt trời giống đẻ trung bình 50-60 trứng/ngày, cộng với kinh nghiệm kỹ sư cơ khí, anh mua các linh kiện (cảm ứng nhiệt và cảm ứng độ ẩm - PV) đem về tự lắp ráp máy ấp trứng (1.200 trứng/lần ấp) để bán con giống và nuôi bán thịt.
Theo anh, cứ 10 ngày gom trứng một lần đưa vào máy ấp, mỗi mẻ ấp 25-26 ngày, chỉ trong một năm, trại “Vịt trời Thác Mơ” anh đã xuất ra thị trường 2 lứa với 2.000 con (loại 1kg/con), bỏ mối giá 200.000 đồng/kg, cho doanh thu trên 400 triệu đồng. “Trừ chi phí như giống, chuyên chở, thức ăn, thiết bị ấp trứng, điện… tôi vẫn lời 300 triệu đồng” - anh nói.
Vịt trời biết bay thịt mới ngon
Hỏi tại sao ở tỉnh Tây Ninh, Đồng Nai cũng có những trại nuôi, bán giống vịt trời anh không mua lại phải ra tận Bắc Giang, anh giải thích: “Vịt trời ở những địa phương này bán giá khá đắt, khi nuôi lớn lại... không biết bay. Theo quy luật tự nhiên vịt trời phải biết bay, khi bay có nghĩa nó hoạt động thì thịt mới chắc, mới ngon nên tôi phải ra tận Bắc Giang mua”.
“Vịt trời Thác Mơ” nuôi khoảng 4 tháng có giá 200.000 đồng/con. Ảnh:T.T
Lỡ cả đàn bay hết thì sao? - tôi hỏi? Anh nói lúc đầu cũng lo nếu cả đàn vịt trời bay mất thì tiền vốn cũng bay luôn, nhưng qua nhiều lần tham quan các trại vịt trời thấy chúng sống theo bầy, con đầu đàn bay đi đâu thì cả đàn bay theo, do đó người nuôi chỉ cần cho vịt ăn đầy đủ mỗi ngày 2 bữa sẽ không phải lo con nào bay đi.
Ngoài tiêu chuẩn vịt phải biết bay để thịt săn chắc, anh còn có quan điểm thịt vịt cũng phải sạch. Khi vịt mới nở 2 ngày, người nuôi cho uống vaccine, rồi “úm” dưới ánh đèn trong 12 ngày để vịt ấm và khô lông, sau đó cho ăn cám hết tháng đầu tiên. Trong tháng này, người nuôi còn phải cho vịt dùng đủ các loại thuốc để kháng bệnh, như: chống viêm gan, tụ trùng huyết và chống H5N1, tuyệt đối không cho vịt uống kháng sinh.
“Đến tháng thứ hai trở đi, tôi chỉ cho vịt ăn lúa mỗi ngày 2 lần vào buổi sáng và chiều, còn buổi trưa bầy vịt tự tìm cá dưới ao. Mỗi ngày một con vịt ăn trung bình 700 đồng, nhưng để thịt vịt có chất xơ, tôi cho ăn thêm thân chuối xay nhuyễn vì đây là thực phẩm sạch, cứ 3 ngày ra vườn chặt đem xay cho ăn một lần, tuyệt đối không cho ăn các loại rau nhặt từ chợ vì hầu hết những loại rau ở đó đều có phun thuốc trừ sâu. Khi vịt trời đến độ tuổi từ 4- 4,5 tháng, tôi xuất chuồng bán, lúc này mỗi con nặng từ 1-1,2kg, thịt chắc và ngon. Nếu nuôi đến tháng thứ 8, chúng ngừng tăng cân, nên chỉ để làm giống” - anh chia sẻ.
Bà Đào Thị Lanh - Chủ tịch Hội Nông dân (ND) tỉnh Bình Phước, nhận xét: “Theo đánh giá của Hội, mô hình của anh Vương đạt hiệu quả kinh tế khá cao. Tuy nhiên để nhân rộng mô hình vịt trời cần phải có mặt nước, ở trại vịt trời của anh Vương diện tích tuy không nhiều, nhưng đây lại là lợi thế vì trong khu vực ít mặt nước nên buổi sáng vịt bay đi, đến chiều lại bay về. Còn lòng hồ Thác Mơ tuy có mặt nước khá rộng, nhưng hiện nay chưa thấy ai áp dụng mô hình nuôi vịt trời. Tôi tin rằng được anh Vương tận tình hướng dẫn, người nông dân thực hiện mô hình này sẽ có cuộc sống sung túc”.
Trước khi chia tay, kỹ sư Nguyễn Minh Vương tâm sự: “Khi mô hình nuôi vịt trời thành công, cũng có nhiều người đến trang trại tìm hiểu, mua giống về nuôi tôi đều tận tình hướng dẫn kinh nghiệm. Có thể một vài năm nữa, nhiều người ở Bình Phước sẽ thành công với mô hình nuôi vịt trời, lúc đó giá thành sản phẩm sẽ hạ, tất nhiên tôi sẽ chuyển sang mô hình khác có hiệu quả kinh tế hơn, bền vững hơn”.
Mô hình có hiệu quả kinh tế và bền vững mà anh ấp ủ là lập khu nghỉ dưỡng kết hợp chữa trị đông y cho số lượng khoảng 50 người/ngày, trên diện tích 3ha đất của gia đình. Theo anh, tới đây anh sẽ hạ bớt vườn tiêu dù đang được giá để trồng thuốc nam, mở rộng thêm diện tích ao nuôi cua đinh, xây các nhà nghỉ dưỡng theo kiểu resort cho khách…
Các tin khác :
- VEDAN VIỆT NAM LIÊN TIẾP KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ VỚI “THƯƠNG HIỆU VÀNG NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2024” (24/10/2024)
- HDBank vừa đồng loạt triển khai những hoạt động ý nghĩa, sát cánh cùng khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi và hoàn lưu bão (24/10/2024)
- Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam: Cùng Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam, Agribank kiến tạo tương lai tươi sáng cho nông nghiệp Việt (22/10/2024)
- Triển lãm Quốc tế VINACHEM EXPO 2024 và CAC Vietnam 2024 sẽ diễn ra từ ngày 27 - 29/11/2024 tại Trung tâm Hội chợ & Triển lãm Sài Gòn (SECC) (11/04/2024)
- Tổng hội NN&PTNT Việt Nam tập huấn liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và thị trường nông sản tại Bắc Kạn (19/11/2021)
- Lãnh đạo Tổng hội nông nghiệp và PTNT Việt Nam đã đến thăm và làm việc tại Sơn La (19/03/2021)
- Hơn 8.000m2 rừng bị tàn phá ở Kon Tum (23/10/2020)
- Kết luận của Phó Thủ tướng về việc xuất khẩu gạo (23/04/2020)
- Thủ tướng chỉ thị cấp bách tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó dịch Covid-19 (25/03/2020)
- Huyện Đức Hòa đưa thêm 3 công trình cầu giao thông nông thôn vào sử dụng (17/02/2020)