Loay hoay chuyện nông sản sạch

Loay hoay chuyện nông sản sạch

Thứ sáu, 06/05/2016, 15:55 GMT+7

Đồng bằng sông Cửu Long là vựa cá, lúa, rau màu, trái cây lớn nhất cả nước. Hơn một thập kỷ qua, các cơ quan hữu trách ở khu vực này đã nỗ lực để có những sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn cung ứng cho thị trường. Nhưng có một sự thật là hàng ngày vẫn còn những con cá, mớ rau, miếng thịt, trái cây các loại không sạch hiện diện trong bữa ăn hàng ngày của người tiêu dùng, bất chấp thời gian gần đây vấn đề nông sản sạch đang nóng lên trên tất cả các diễn đàn. Vì sao?

 Từ con cá đến lá rau

Ông Sáu Thường là một trong hàng trăm chủ bè nuôi cá trên sông Tiền trải dài từ Tiền Giang qua Vĩnh Long đến Đồng Tháp. Nói chuyện nuôi cá, ông khẳng định: “Chủ bè nào dám tuyên bố nuôi cá mà không sử dụng thuốc kháng sinh thì tui sẳn sàng tuyên bố giải nghệ”.

Thu hoạch quýt hồng Lai Vung. Ảnh: Thảo Nguyên.
Thu hoạch quýt hồng Lai Vung. Ảnh: Thảo Nguyên.

“Cách nay chừng 20 năm, nguồn nước sông Tiền, sông Hậu trong lành lắm. Các chủ bè nuôi cá trên sông cứ thả cá giống vào bè, cho ăn đầy đủ là con cá lớn nhanh như thổi” - ông Sáu Thường nhớ lại. Nhưng khoảng 15 năm gần đây, nghề nuôi cá bè trên sông, trong ao hầm là “trận chiến” thực sự với nhà nông. Nguồn nước ngày càng ô nhiễm trầm trọng, nên con cá nuôi bè, nuôi hầm cũng hết sức đỏng đảnh, khiến nhiều nhà nông lâm cảnh sạt nghiệp, những người muốn cầm cự được với nghề thì phải tìm mọi cách để giữ đàn cá. “Bây giờ tui nghiệm ra câu “muốn giàu nuôi cá” không còn đúng nữa. Chỉ cần môi trường nước thay đổi chút xíu là con cá trong bè bỏ ăn, bị bệnh, chết hàng loạt, chủ bè trắng tay”- ông Thường cho biết. Để tránh cảnh trắng tay, vỡ nợ, người nuôi cá chọn giải pháp sử dụng các loại thuốc kháng sinh cứu đàn cá. Khi phát hiện cá bị bệnh, chủ bè trộn thuốc kháng sinh vào thức ăn cho cá ăn; còn cá bỏ ăn thì phải chờ lúc nước chuyển dòng (nước đứng) ném thuốc ồ ạt xuống bè để giúp cá hồi phục. Cá nuôi trong ao hầm dễ bị bệnh do dòng nước tù đọng, vì vậy lượng kháng sinh sử dụng còn nhiều hơn cá nuôi bè…

Trong bữa ăn hàng ngày, rau xanh là loại thức ăn không thể thiếu. Từ nhiều năm qua, vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và các hóa chất độc hại tồn lưu trên rau xanh là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” nhưng chưa có giải pháp căn cơ nào để ngăn chặn. Ở Tiền Giang, huyện Châu Thành và TP Mỹ Tho là vùng chuyên trồng rau màu với tổng diện tích gần 10.000 ha/năm (sản lượng hơn 150.000 tấn/năm). Hàng ngày, nông dân vùng rau Tiền Giang cung ứng hàng trăm tấn sản phẩm cho thị trường TPHCM và các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ. Nhưng có một thực tế là sản lượng rau sạch, an toàn của vùng chuyên canh này chiếm một tỉ lệ rất nhỏ, nếu không muốn nói là không đáng kể. Ở huyện Châu Thành, vùng trồng rau màu có diện tích hơn 8.000 ha/năm nhưng chỉ có 10 ha trồng rau an toàn ở xã Thân Cửu Nghĩa. Trong khi đó ở vùng trồng rau màu TP Mỹ Tho rộng 1.400ha/năm, các cán bộ Phòng Kinh tế thừa nhận chẳng có nơi nào trồng rau an toàn.

Cá, rau đã vậy, trái cây ở miền Tây Nam bộ cũng chẳng khá hơn. Ở vùng trồng cây ăn trái nổi tiếng như Cái Bè (Tiền Giang), Cao Lãnh, Lai Vung (Đồng Tháp) lâu nay có một dịch vụ lạ lùng: nghề phun thuốc trừ sâu cho cây ăn trái. Ông Nguyễn Văn Út ở xã Bình Hàng Trung (huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp), một người có thâm niên hơn chục năm làm nghề phun thuốc trừ sâu thuê cho các chủ vườn xoài cho biết, Cao Lãnh là “vương quốc xoài” với diện tích hơn 3.600ha. Do những ông chủ vườn sợ bị nhiễm độc thuốc trừ sâu nên những người phun thuốc thuê mới có đất làm ăn. Theo ông Út, đội quân phun thuốc trừ sâu thuê ở vùng này có đến cả trăm người, công việc làm quanh năm. “Một vườn xoài mỗi mùa phải phun thuốc trừ sâu bệnh hàng chục đợt. Nghề này rất độc hại, nên thợ phun thuốc chỉ làm việc từ 6 giờ sáng đến khoảng 10 giờ mỗi ngày, không ai dám phun thuốc từ 11 giờ đến xế chiều vì trời nắng gắt, dễ bị nhiễm độc hoặc choáng, ngất xỉu vì hơi thuốc… Người phun thuốc sâu có thể bị nhiễm độc, ngất xỉu. Còn trái cây có dư lượng thuốc trừ sâu độc hại thì cứ “vô tư” từ nhà vườn đưa ra thị trường!

Lạm dụng thuốc BVTV, kháng sinh: Thói quen khó bỏ

Ông Sáu Thường cho biết, hiện nay thuốc kháng sinh trị bệnh cho cá ở cửa hàng vật tư thủy sản nào cũng có bán, với hàng chục loại khác nhau. “Người nuôi cá biết sử dụng nhiều kháng sinh cho cá là không tốt, nhưng nếu không xài thuốc thì cá chết! Môi trường nước ngày càng ô nhiễm thì con cá càng lắm bệnh tật, người nuôi càng phải sử dụng nhiều loại kháng sinh. Để cứu lấy đồng tiền của mình, không thể làm khác được” - ông Thường khẳng định. Theo tính toán, nếu bỏ ra 10 đồng vốn để có được 1 ký cá thương phẩm đưa ra thị trường thì riêng tiền thuốc kháng sinh trị bệnh cá đã chiếm đến 3-4 đồng.

Ở vùng trồng rau Mỹ Tho, ông Đinh Ngọc Tùng, Trưởng phòng Kinh tế, cho biết lâu nay các cơ quan hữu trách chỉ có thể khuyến cáo và tập huấn cho người trồng rau giảm tối đa lượng thuốc trừ sâu bệnh, sử dụng nhiều phân hữu cơ, tuân thủ thời gian cách ly rau đã được phun thuốc trước khi thu hoạch. “Nhưng tập huấn, khuyến cáo là một chuyện, còn bà con có tuân thủ hay không thì lại là chuyện khác”. Ông Nguyễn Văn Dân, nông dân ở xã Phước Thạnh (TP Mỹ Tho), kể chuyện “thật như đùa”: “Nhà tui có hơn 3.000 m2 đất trồng rau, chủ yếu là các loại rau cải. Nếu không phun thuốc thì sâu ăn sạch lá, lấy gì bán? Từ khi có chuyện rau an toàn, tui làm như vầy: để riêng vài luống rau không phun thuốc cho sâu ăn thoải mái. Khi thu hoạch rau, trong mỗi bó tui xen vào vài cây bị sâu ăn. Mang ra chợ, ai cũng tưởng là rau an toàn. Biết làm vậy là không thành thật với người tiêu dùng, nhưng chung quy chỉ vì chén cơm, manh áo”.

Trong khi đó ông Lưu Văn Tín, Giám đốc HTX quýt hồng Lai Vung (Đồng Tháp), cho biết lâu nay HTX và ngành nông nghiệp, BVTV thường tổ chức các lớp tập huấn quy trình sản xuất trái cây an toàn, hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu bệnh, phân bón hóa học, nhưng hiệu quả không như mong muốn. “Nhà nông đi dự cho có, khi về hầu như rất ít người áp dụng các khuyến cáo đã được tập huấn. Bởi lẽ, chừng nào người tiêu dùng còn ưa chuộng những loại trái cây, rau màu bóng đẹp bất chấp nó được sản xuất ra sao, thì nhà nông vẫn còn sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học vô tội vạ, miễn sao có sản phẩm bóng đẹp ra thị trường” .


Người viết : Anh Hùng (Tạp chí Nông thôn Việt)