Lộc biển ngư trường Hoàng Sa

Lộc biển ngư trường Hoàng Sa

Thứ hai, 09/02/2015, 14:38 GMT+7

Phạm Tuyển, một ngư dân trẻ mới 33 tuổi ở làng Mỹ Cảnh (xã Bảo Ninh, Đồng Hới, Quảng Bình) nhưng có kinh nghiệm bám biển Hoàng Sa đáng nể và giàu có lên nhờ vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Người như Tuyển ở Bảo Ninh hay các làng biển ở Quảng Bình giàu lên nhờ biển Hoàng Sa ngày càng nhiều. Vì thế những chiếc tàu mới ngày càng nhiều thẳng tiến ra Hoàng Sa vừa làm kinh tế, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền đất nước.

Ngư dân bám biển Hoàng Sa trở về
Ngư dân bám biển Hoàng Sa trở về

Ngư phủ trẻ kiên gan

Trước mặt tôi là ngư phủ Phạm Tuyển, với nụ cười, cách nói trẻ măng nhưng kinh nghiệm nghề biển lại dạn dày mà nhiều lão ngư tóc bạc trong làng phải phục nể. Thân hình to chắc, thấp đậm, Tuyển tiếp tôi trong tất bật mùa vụ cuối năm. Anh tranh thủ cho tàu của mình cập cảng cá trong Đà Nẵng để ra Hoàng Sa đánh bắt gần hơn xuất phát từ biển Bảo Ninh, Quảng Bình.

Hồi nhỏ biết bơi lặn bắt cá ven biển Bảo Ninh và sông Nhật Lệ, lớn lên chút đỉnh được người làng và gia đình cho theo thuyền nhỏ đánh bắt gần bờ. Lúc là thanh niên trai tráng, Tuyển quyết vay mượn mua thuyền máy 60CV đánh bắt gần bờ. Từng chuyến đi biển lúc đó tích nhỏ thành lớn để có đồng vốn đóng tàu cá 90CV. Dần dà làm ăn bám biển khấm khá, Tuyển lại mạnh dạn đóng tàu hơn 200CV rồi lên tàu 400CV để hành nghề câu ở Hoàng Sa.

Tuyển kể: “Năm 2013, nhiều người khuyên em chuyển đổi từ nghề câu sang nghề vây. Em quyết đóng tàu trên 600CV, hơn 7 tỷ đồng vốn. Tiết kiệm được 3 tỷ đồng, cắm sổ đỏ của ông ngoại, đằng nội mà ngân hàng cho vay chỉ được 1 tỷ đồng, còn lại xoay nóng ở ngoài hơn 3 tỷ đồng. Cả làng nghĩ em điên, bà con chòm xóm cũng lo, nhưng em quyết rồi phải làm cho đến nơi đến chốn”. Cách nói chuyện của Tuyển rắn chắc, không úp mở, đúng chất của trai đinh làng biển.

Nói là làm, tháng 4-2013, Tuyển hạ thủy con tàu ước mơ. Lúc đó là lớn nhất xã, lớn nhất vùng. Chuyến đầu tiên thẳng tiến Hoàng Sa với số hiệu tàu QB-91999-TS, ân nghĩa vùng biển của cha ông để lại, Tuyển cùng bạn chài đánh bắt được khoang cá bán được 1,4 tỷ đồng. Từ đó đến hết năm 2013, chuyến đi biển nào cũng mang lại cho Tuyển không dưới 900 triệu đồng. “Ra Hoàng Sa, tàu của em bám sát luồng cá, chuyến nào cũng đầy các khoang. Đến cuối năm, tiền nợ ngân hàng, rồi tiền vay nóng em trả hết toàn bộ”, Tuyển tâm sự.

Trong giới nghề cá ở miền Trung, Tuyển nổi tiếng là thanh niên trẻ dạn dày kinh nghiệm cũng như đối đãi với bạn thuyền nghĩa hiệp. Tàu của Tuyển có 25 lao động, chưa đến một nửa là người trong xã Bảo Ninh, số còn lại được Tuyển lên làng cát Hải Ninh, huyện Quảng Ninh tìm anh em về cùng bám biển Hoàng Sa. Mỗi chuyến biển về, cá bán được, mỗi lao động được Tuyển chi trả 10 triệu đồng. Ngày lễ tết, Tuyển đều có phần thưởng xứng đáng với công sức anh em.

Năm 2014, đi đánh bắt ở biển Hoàng Sa, tàu của Tuyển đưa về giá trị khai thác không dưới 10 tỷ đồng. “Giá cá bán ngay trên biển cho các tàu hậu cần nghề cá nên rẻ. Nhưng anh em mê với Hoàng Sa rồi, có tàu đến mua là bán ngay để tiếp tục thả lưới”, Tuyển kể.

Từ biển Hoàng Sa mà Tuyển dựng được nhà khang trang, sắm vật dụng đủ đầy, lo cho nội ngoại. Khi gặp nhau cũng là cận tết, Tuyển chăm vội mấy chậu cây chưng tết rồi lại bắt xe vào Đà Nẵng cùng anh em xuống tàu đi Hoàng Sa đến 30 Tết mới trở lại.

Bám biển Hoàng Sa

Bạn của Tuyển, Nguyễn Thanh Minh, là trạm trưởng trạm bờ của hệ thống máy đài tàu thuộc Chi cục Bảo vệ và khai thác thủy sản Quảng Bình, cho biết: “Ở Bảo Ninh có hơn 100 thanh niên như Tuyển mạnh dạn bám biển Hoàng Sa. Tâm huyết với Hoàng Sa nên không có ai nghèo cả”. Chủ tịch UBND xã Bảo Ninh Nguyễn Ngọc Hiếu kể: “Xã có 180 tàu đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa. Chuyến nào đi cũng thu tiền tỷ, thấp nhất cũng 500 triệu đồng. Ai bám biển Hoàng Sa cũng làm ăn phát đạt, sản lượng tăng cao nên về quê xây nhà cửa, góp sức xây dựng nông thôn mới với chính quyền địa phương rất khí thế”. Sổ sách của các tàu cá ở Bảo Ninh cộng lại cuối năm mới thấy đây là một xã biển hùng mạnh bởi các chủ tàu cá dám dấn thân như Tuyển. Năm 2014, người dân Bảo Ninh đã tạo dựng được nguồn thu 250 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Thanh Minh còn thông báo, Quảng Bình có 650 tàu thường xuyên bám biển Hoàng Sa. Và bất cứ tàu nào ra vùng biển chủ quyền Việt Nam này khi về phía bờ đều thu được nguồn lợi to lớn. Ngư dân Phạm Văn Quý ở Bảo Ninh nói vui: “Bám biển Hoàng Sa là bám biển thiêng liêng của cha ông để lại. Cần cù làm ăn thì biển cả trả công sức xứng đáng”. Còn Phạm Tuyển thì hồ hởi: “Cá ở biển Hoàng Sa nhìn bằng mắt thường đi từng đàn lớn lắm, nước trong leo lẻo, nhìn cá mà sướng con mắt. Cho nên bọn em thề cùng nhau bám biển Hoàng Sa đến hết đời, đến đời con cháu cũng động viên chúng ra đây mà đánh bắt, mà giữ gìn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

Từ những tấm gương như Tuyển mà ở Bảo Ninh, nhiều hộ dân trẻ đang ra sức đóng tàu mới đăng ký đi Hoàng Sa. Cả tỉnh Quảng Bình cũng có kế hoạch đóng mới hàng trăm chiếc tàu cỡ lớn để ra khơi. Bởi ai cũng tin chắc một điều, bám biển giữ chủ quyền, còn tạo ra thành quả tốt để xây dựng quê hương giàu đẹp.


Người viết : Minh Phong (SGGP)