Đó là chia sẻ gan ruột của ông Nguyễn Hạc Thúy (ảnh) - Phó Chủ tịch kiêm tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam khi trao đổi với Pv Báo NNVN.
Thưa ông, phân bón có gốc từ hóa chất, Bộ Công thương quản lý về hóa chất nên phải quản lý luôn về phân bón, đấy là lý luận. Nếu áp dụng tư duy đó, thuốc có gốc từ cây dược liệu, ngành nông nghiệp quản lý chuyện trồng dược liệu tại sao không để quản lý luôn thuốc mà lại giao cho Bộ Y tế? Cũng cùng là gốc hóa chất, tại sao Bộ Công thương không quản lý luôn thuốc BVTV, thuốc thú y mà vẫn để cho Bộ NN-PTNT?
Phân bón đúng ra chỉ cần giao cho một Bộ quản lý chứ không cần hai Bộ như hiện nay (Bộ Công thương quản lý phân bón vô cơ, Bộ NN-PTNT quản lý phân bón hữu cơ). Trước đây phân bón được giao cho Bộ NN-PTNT quản lý nhưng gần đây có sự bất cập nên mới chia ra, giao cho Bộ Công thương phụ trách. Bộ này là đầu mối quản lý nhà nước và các loại phân bón vô cơ còn Bộ NN-PTNT quản lý phân bón hữu cơ và các loại khác.
Phân khác là phân gì lại không nói rõ? Nếu một Bộ quản lý mà đủ sức mạnh thì hợp lý hơn vì dễ thống nhất về thông tư, nghị định; về hệ thống sản xuất kinh doanh; kiểm định, kiểm nghiệm. Một đoàn kiểm tra làm cho tốt thì đỡ mất công hơn nhiều đoàn cùng kiểm tra. Một Bộ quản lý cũng vậy.
Hầu hết các nhà máy phân bón lớn trực thuộc Bộ Công thương nên giao họ quản lý cũng được. Khi phân bón ở trong nhà máy thì thuộc ngành công thương quản lý nhưng khi ra thị trường thanh tra nông nghiệp cũng có chức năng kiểm tra và bất cứ cơ quan nào có chức năng đều kiểm tra được.
Theo ông tình hình quản lý phân bón hiện nay tốt hơn hay xấu hơn so với trước đây, khi Bộ NN-PTNT còn quản lý?
Trước đây chưa tốt, hiện tại còn chưa tốt hơn vì một phần của Nghị định 202 chưa sửa đổi. Trước đây kém bây giờ còn kém hơn. Trước đây một anh quản lý kịp thời hơn, chế tài thống nhất hơn, cán bộ đầy đủ hơn. Giờ cán bộ yếu, thiếu và dàn trải. Nếu cứ để như hiện nay dễ bất ổn hơn. Hệ thống kiểm định, kiểm nghiệm của Bộ Công thương chưa đầy đủ, có những nơi còn phải nhờ Bộ NN-PTNT làm.
Tiêu cực, lợi ích nhóm giờ nhiều lắm, lộn xộn lắm!
Các nhà máy có công thức, có quy trình kỹ thuật, có kiểm định rồi mới đưa ra thị trường. Khi lưu hành trên thị trường, cơ quan quản lý thị trường có quyền kiểm tra, thanh tra nông nghiệp cũng có quyền kiểm tra. Đối chiếu với những quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật nếu không đúng là phạt nhưng việc này đang thực hiện chưa tốt, còn né tránh, còn chồng chéo.
Lợi ích nhóm biểu hiện như khi kiểm tra phát hiện ra sai phạm lại thông đồng với nhau để đổi mẫu. Như trường hợp Đội trưởng đội 7 Chi cục quản lý thị trường Long An, ông Huỳnh Văn Hữu, bị phát giác vì bị che giấu đổi mẫu xấu thành mẫu tốt, phân dởm thành phân thật. Như thanh tra Sở NN-PTNT Trà Vinh bị kỷ luật vì nhận hối lộ bởi cho qua hàng kém chất lượng.
Chế tài chưa đủ nghiêm, lợi ích nhóm tiêu cực, bao che, ăn hối lộ bành trướng từ trong phòng thí nghiệm ra thị trường rất nguy hiểm, gây khó khăn cho việc thi hành các nghị định và thông tư. Đây là những thành phần phá hoại như bom nổ chậm vậy.
Hậu quả của thực trạng “một cổ hai tròng” này đối với ngành phân bón thế nào?
Hai Bộ quản lý tạo ra hai bộ máy rất cồng kềnh.
Hệ thống kiểm nghiệm, kiểm định phân hữu cơ, phân khác do Bộ NN-PTNT, hệ thống kiểm nghiệm, kiểm định phân vô cơ do Bộ Công thương.
Nhưng Bộ Công thương hệ thống này chưa hình thành tốt trong khi Bộ NN-PTNT đã có sẵn nhưng vừa rồi 11 đơn vị vi phạm nghiêm trọng đến mức theo QĐ 235 của Thanh tra Bộ đề nghị rút giấy phép toàn bộ 11 đơn vị. Bộ Công thương có văn bản gửi Bộ NN-PTNT đề nghị Trung tâm của Bộ này làm giúp cũng một phần là do hệ thống của Bộ Công thương còn thiếu.
Rất khó để biết được chất lượng thực sự của phân bón
Dư luận luôn đặt dấu hỏi rằng tại sao Bộ Công thương lại muốn “ôm” việc quản lý các nhà máy phân bón khi mình còn chuẩn bị chưa tốt? Trong khi đó, Bộ NN-PTNT có cả một hệ thống làm khá tốt việc kiểm nghiệm, kiểm định, thử nghiệm phân bón này mà lại đứng ngoài cuộc chơi. Có chuyện gì đằng sau việc đó? |
Phải kiện toàn bộ máy quản lý phân bón của hai Bộ để quản lý phân bón được tốt hơn. Phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các Sở Công thương và Sở NN-PTNT bên dưới vì bộ máy quản lý phân bón đang rất yếu, đặc biệt là Sở Công thương.
Yếu thứ nhất là quản lý, chỉ đạo thực hiện các chỉ thị, nghị quyết về phân bón. Yếu thứ hai là chuyên môn. Nhiều Sở Công thương thiếu cán bộ về phân bón làm sao mà tham gia ý kiến được? Thanh tra Công thương chuyên về phân bón cũng chưa hình thành mà chỉ có thanh tra Nông nghiệp.
Không hiểu rõ ngành mà quản lý thì sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất phân bón?
Tôi có đề nghị hai Bộ luôn luôn liên thông trao đổi, thống nhất quản lý, giao kèo với nhau để thống nhất tiêu chí đề ra cho mỗi đơn vị và chế tài xử phạt. Nhưng kiến nghị này cả hai Bộ cho đến nay vẫn chưa làm tốt.
Hiện, cơ sở sản xuất phân vô cơ Bộ NN-PTNT không “nhảy” vào được và ngược lại cơ sở sản xuất phân hữu cơ Bộ Công thương không “nhảy” vào được. Kẽ hở này dễ bị làm bậy. Ví dụ như Trung tâm Khảo nghiệm phân bón Nam Bộ có chức năng làm phân vô cơ đâu nhưng lại kiểm nghiệm phân vô cơ.
Không có chức năng mà thực hiện kiểm nghiệm thì không đúng. 11 cơ sở kiểm nghiệm phân bón vừa rồi sai hết là vì thế. Có đơn vị không có chức năng, có đơn vị không có cán bộ theo tiêu chí, có đơn vị không có phương tiện cũng giao nhiệm vụ làm.
Để xảy ra tình trạng loạn phân vi lượng, trung lượng cũng do gốc của Nghị định 202, thông tư mà ra hết. Trung, vi lượng là phân gì? Doanh nghiệp thắc mắc, báo chí đăng tải nhưng không ai hiểu để mà giải đáp được, ví như NPK 5.10.15 là tên công thức công khai trên bao bì nhưng mà nội dung bên trong không được như thế là lập lờ để đánh lừa khách hàng.
Phải kiện toàn hệ thống kiểm định, kiểm nghiệm. Hệ thống này phải rải rộng khắp cả nước, không bị trái chiều, hữu cơ thì đi hữu cơ, vô cơ thì đi vô cơ. Phải củng cố bộ máy quản lý và tăng cường cán bộ của hai Bộ.
Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về tái cơ cấu nền sản xuất phân bón Việt Nam. Các Bộ Công thương, NN-PTNT, Hội Nông dân đã có văn bản thống nhất với Hiệp hội Phân bón Việt Nam tổ chức thực hiện hội thảo. Nếu không tái cơ cấu nền sản xuất phân bón, chậm sửa đổi Nghị định 202, không quyết liệt thì Chính phủ và các bộ ngành rất khó khăn trong điều hành thị trường phân bón.
Xin cảm ơn ông!