Lợi nhuận từ cà phê 'chuẩn'

Lợi nhuận từ cà phê 'chuẩn'

Thứ tư, 03/02/2016, 10:47 GMT+7

Trong khi nhiều hộ trồng cà phê than lỗ vì giá cà phê xuống thấp thời gian qua, những hộ trồng cà phê đạt chuẩn 4C vẫn có lợi nhuận khá.
Nông dân trồng cà phê theo chương trình 4C mang lại hiệu quả về nhiều mặt - Ảnh: Chí Nhân
Nông dân trồng cà phê theo chương trình 4C mang lại hiệu quả về nhiều mặt - Ảnh: Chí Nhân
Tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận
 
Bà Mai Thị Chung, ở xã Quảng Tiến, H.Cư M'gar (Đắk Lắk), lật lại tấm lịch thời vụ cà phê do chương trình cà phê 4C cung cấp để kiểm tra các công việc cần làm. Đây là cuốn lịch rất đặc biệt với người trồng cà phê vì nó liên quan đến việc chăm sóc cây cà phê theo từng tháng; đồng thời có thể tái sử dụng đến 5 - 7 năm mới cần phải cập nhật lại. Bà Chung có rẫy cà phê trên 4 ha và sống bằng nghề này cũng tròm trèm 20 năm. Bốn năm trước, bà tham gia chương trình 4C.
 
“Trước đây làm theo kinh nghiệm, bón phân, nước tưới không biết bao nhiêu là vừa. Vì vậy, để chắc ăn, bà con có tâm lý bón, tưới càng nhiều càng tốt. Một gốc cà phê tôi thường bón một ký phân và tưới nước 5 phút. Từ khi đi học mình mới biết bón phân thừa thì cây cũng không hấp thụ được. Cũng như tưới nước nhiều quá sẽ cuốn theo cả phân bón gây lãng phí”, bà Chung nói và cho biết khi tham gia chương trình, bà được hướng dẫn chỉ cần bón 500 - 600 gr phân tùy từng cây, mỗi năm thường bón 3 lần. Thời gian tưới nước cũng rút ngắn chỉ còn phân nửa.
 
“Một héc ta cà phê có trung bình 1.100 cây, tính ra lượng phân bón tiết kiệm được khoảng 1,5 tấn/năm. Chưa kể tiền điện để tưới nước, công tưới cũng giảm hẳn. Giảm phân bón, giảm tưới nhưng làm đúng kỹ thuật nên năng suất tăng so với cách làm truyền thống", bà Chung hồ hởi.
 
Cũng nhờ thế, dù mấy năm gần đây giá cà phê liên tục giảm, nhiều người trồng cà phê không có lời, thậm chí còn lỗ nhưng rẫy cà phê của bà Chung vẫn lãi gần 20 triệu đồng/ha.
 
Bà Nguyễn Thị Xoa, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất cà phê 4C thôn Tiếng Cường (Quảng Tiến, H.Cư M'gar), cũng kể trước đây vì sợ trộm cắp bà con thường thu cà phê non, dẫn đến chất lượng, năng suất thấp, giá bán không cao. Giờ để chín đủ mới thu hoạch nên sản lượng và chất lượng cà phê cũng tăng lên, giá bán cà phê cũng cao hơn thị trường. "Tuy cà phê 4C không có doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu nhưng trước giờ sản xuất bao nhiêu bán cũng hết. Những kiến thức canh tác 4C có lợi cho bà con nông dân, vừa tiết kiệm chi phí đầu tư vừa hiệu quả cao nên chúng tôi vẫn làm theo cách này”, bà Xoa nói.
 
4C là gì ?

4C được viết tắt của cụm từ tiếng Anh: Common Code for Coffee Community - bộ Nguyên tắc chung cho cộng đồng cà phê, ra đời năm 2013. 4C được thực hiện với sự hỗ trợ của Bộ Hợp tác kinh tế và phát triển Liên bang Đức (BMZ), Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) và Hiệp hội Cà phê Đức (DKV). Ngay sau đó, Ban Thư ký nhà nước về kinh tế Thụy Sĩ (SECO), Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế Anh và Liên đoàn Cà phê châu Âu (ECF) cũng tham gia. Tháng 3.2014, Hiệp hội 4C đã có mặt trên 21 quốc gia. Tại Việt Nam, Hiệp hội 4C mở văn phòng đại diện tại tỉnh Đắk Lắk vào tháng 12.2009 (là văn phòng thứ 4 của 4C trên thế giới). Hiện có 120.000 nông dân tham gia sản xuất theo chương trình 4C, trên diện tích 200.000 ha, với sản lượng 600.000 tấn/năm.
 
Những người như bà Chung, bà Xoa là thành viên của chương trình Nescafé Plan do Nestlé Việt Nam phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) và các đối tác khác thực hiện tại 4 tỉnh Tây nguyên là Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng. Theo đó, dự án cung cấp giống cà phê chất lượng tốt, kháng sâu bệnh, năng suất cao cho nông dân, nhằm cải thiện chất lượng và tăng năng suất và thu nhập; hỗ trợ 50%kinh phí đầu tư cây giống mới. Tổng số giống được phân phối cho nông dân qua 5 năm đạt 11 triệu cây.
 
Song song đó, Nescafé Plan hỗ trợ tập huấn các biện pháp khoa học kỹ thuật với nền tảng là bộ quy tắc 4C sản xuất cà phê bền vững của Tổ chức 4C cho hơn 100.000 lượt nông dân. Đây là kết quả của một chuỗi các nỗ lực nhằm đưa Việt Nam trở thành tham chiếu cho cà phê Robusta thế giới. Sau 5 năm triển khai, kết quả cho thấy sản lượng cà phê tăng 14%, chất lượng cà phê ổn định, qua đó tăng thu nhập của bà con nông dân bình quân 16 triệu đồng/ha/năm. Đến nay, đã có hơn 21.000 nông dân tham gia dự án đạt chứng nhận 4C, với sản lượng trên100.000 tấn/năm, trên diện tích khoảng 32.000 ha.
 
Chế biến sâu
 
Ông Phạm Phú Ngọc, Trưởng bộ phận hỗ trợ nông nghiệp của Nestlé, cho biết chương trình 4C được xây dựng trên tinh thần canh tác có trách nhiệm và sản xuất, tiêu dùng cũng có trách nhiệm. Chính vì vậy, là đơn vị thu mua chế biến Nestlé luôn tuân thủ nghiêm những quy định cao nhất về chất lượng. Cà phê sau khi được thu mua về kho, trước khi đưa vào chế biến bộ phận kiểm định chất lượng lấy từng mẫu rang xay để pha ra cà phê nguyên chất. Sau đó, bộ phận thẩm định là các chuyên gia nếm, thử cà phê. Các chuyên gia nếm cà phê được chia theo từng nhóm 6 người. Mỗi mẫu cà phê trước khi đưa vào sản xuất phải được các chuyên gia này thông qua. Mẫu cà phê nào rớt lại thì cả lô hàng sẽ bị trả về cho các nhà cung cấp.
 
Cà phê nhân sau khi qua khâu thẩm định của các chuyên gia nếm thử sẽ được đưa vào xử lý vệ sinh lần cuối. Cà phê được đưa vào chế biến đòi hỏi cần phải đồng đều về kích cỡ, vì nếu có sự khác biệt thì trong quá trình rang sẽ không có sự đồng đều về độ chín, ảnh hưởng đến chất lượng. Đặc biệt, tại nhà máy chế biến cà phê của Nestlé ở Đồng Nai còn có dây chuyền sử dụng nước để ly trích cafein ra khỏi hạt cà phê. Theo các chuyên gia, đây là công nghệ hiện đại nhất hiện nay và hoàn toàn tự nhiên, vì trước đây để tách cafein ra khỏi hạt cà phê người ta phải dùng đến một số loại hóa chất. Loại cà phê này hiện được Nestlé Việt Nam sản xuất để cung cấp cho thị trường châu Âu, nơi thích uống cà phê nhưng không thích bị kích thích bởi cafein. Cafein được tách ra để làm nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất khác.
 

Người viết : Chí Nhân (Báo Thanh Niên)