Lý do Chính phủ mới không có Phó Thủ tướng thường trực?

Lý do Chính phủ mới không có Phó Thủ tướng thường trực?

Thứ sáu, 15/04/2016, 09:40 GMT+7

Ngày 13.4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có quyết định phân công nhiệm vụ cho 5 Phó Thủ tướng của Chính phủ mới, trong đó Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình được giao nhiệm vụ làm Phó Bí thư Ban cán sự Đảng. Không có Phó thủ tướng nào được giao nhiệm vụ Phó Thủ tướng Thường trực.

Từ trước đó, chức danh Phó Thủ tướng Thường trực tồn tại một thời gian khá dài trong cơ cấu bộ máy Chính phủ. Trong nhiệm kỳ từ 2006 – 2011, dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng được giao nhiệm vụ làm Phó Thủ tướng Thường trực. Trước đó, vào nhiệm kỳ của Thủ tướng Phan Văn Khải, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng là Phó Thủ tướng Thường trực. Hay xa hơn, Chính phủ dưới thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt, chức danh Phó Thủ tướng Thường trực được giao cho ông Phan Văn Khải.

Tuy nhiên, kể từ nhiệm kỳ thứ hai của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (2011 – 2016), chức danh Phó Thủ tướng Thường trực không còn. Thay vào đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giữ nhiệm vụ làm Phó Bí thư Ban cán sự Đảng Chính phủ, giống với nhiệm vụ của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình hiện nay.

Để lý giải rõ hơn vấn đề này, Dân Việt đã trao đổi với chuyên gia Chính trị học – GS.TSKH Phan Xuân Sơn – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. GS Phan Xuân Sơn giải thích, có sự khác nhau rất lớn giữa hai nhiệm vụ này.

“Phó Bí thư Ban cán sự Đảng của Chính phủ thì chỉ lo việc Đảng, còn Phó Thủ tướng Thường trực là người chịu trách nhiệm thứ hai sau Thủ tướng, có phân quyền bớt cho Thủ tướng. Trong điều kiện một bên là Thủ tướng – đồng thời là Bí thư Ban cán sự Đảng, một bên là ông Phó Thủ tướng – Phó Bí thư Ban cán sự Đảng thì cũng có một số việc thống nhất được, nhưng về mặt điều hành của Chính phủ thì khác nhau” - GS Sơn khẳng định.

 ly do chinh phu moi khong co pho thu tuong thuong truc? hinh anh 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các Phó Thủ tướng.

Về mặt nhìn nhận chung, theo TSKH Phan Xuân Sơn, Phó Thủ tướng Thường trực sẽ có nhiệm vụ nặng nề hơn chút so với Phó Thủ tướng kiêm Phó Bí thư Ban cán sự Đảng.

“Khi Thủ tướng đi vắng, hoặc thậm chí vẫn ở nhà, Phó Thủ tướng Thường trực với những quyền hạn được giao đôi khi vẫn có thể điều hành được Chính phủ. Còn nếu là Phó Bí thư Ban cán sự Đảng thì chủ yếu Phó Thủ tướng đó chỉ lo công tác Đảng, tính xem việc triển khai đường lối của Đảng vào Chính phủ như thế nào cho hiệu quả. Hai chức danh này là khá khác nhau, đặc biệt là ở cấp Chính phủ” - ông Sơn nhấn mạnh thêm.

Nói rõ hơn về vai trò của Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng Chính phủ, GS Phan Xuân Sơn cho biết: Chức danh này cùng Bí thư Ban cán sự lãnh đạo bộ máy của Đảng trong Chính phủ. Còn công việc lãnh đạo Đảng của cả đất nước thì đã có Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành T.Ư. Với chức danh Phó Thủ tướng Thường trực, trong một vài tình huống nhất định, ông ta vẫn có thể lãnh đạo, điều hành hoạt động chung của cả đất nước thông qua bộ máy Chính phủ và các địa phương.

Đánh giá việc thay đổi giữa các chức danh này, GS Sơn nhìn nhận: Chức danh Phó Thủ tướng Thường trực cũng không nhất thiết phải có trong cơ cấu bộ máy Chính phủ hiện nay. “Có thể nó thích hợp hơn với Chính phủ mà ông Thủ tướng vì điều kiện cá nhân nào đó không thể điều hành bao trùm, rộng khắp mọi lĩnh vực nên phải phân bớt quyền cho Phó Thủ tướng Thường trực. Còn Thủ tướng, với trách nhiệm và quyền hành được giao, cứ điều hành chung mọi hoạt động. Giúp việc cho Thủ tướng đã có Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ rồi”.

“Việc không sử dụng chức danh Phó Thủ tướng Thường trực theo tôi là một hướng cải cách hợp lý trong bộ máy Chính phủ, giúp các chức danh trong bộ máy lãnh đạo của Chính phủ được phân công phân nhiệm rõ ràng, rành mạch hơn. Phó Thủ tướng Thường trực hay Phó thủ tướng cũng là để giúp việc cho Thủ tướng. Tuy vậy cũng cần hiểu thêm, đôi khi việc để chức danh Phó Thủ tướng Thường trực cũng có ý muốn thể hiện rằng: Đảng, Nhà nước hay Chính phủ đã tin tưởng đồng chí đó, muốn gửi gắm đồng chí đó vào cương vị cao hơn sau khi nhiệm kỳ của Thủ tướng kết thúc chẳng hạn. Nó chỉ là vấn đề về mặt nhân sự, còn trong vấn đề kỹ thuật điều hành bộ máy Nhà nước, việc có hay không có chức danh Phó Thủ tướng Thường trực không có tác dụng nhiều” - GS Phan Xuân Sơn nhấn mạnh.

“Bỏ chức danh Thường trực là bỏ được thêm một tầng nấc trong điều hành của Chính phủ, tinh gọn bộ máy lãnh đạo, bắt buộc Thủ tướng phải nâng cao trách nhiệm của mình hơn nữa trong điều hành công việc chung của Chính phủ và cũng để các Phó Thủ tướng khác được rành mạch, rõ ràng trong việc thực hiện chức trách của mình” - ông Sơn chốt lại câu chuyện với Dân Việt.

Theo phân công của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Chính phủ mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là Bí thư Ban cán sự Đảng Chính phủ, sẽ lãnh đạo, quản lý toàn diện mọi hoạt động thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ. Ông sẽ trực tiếp chỉ đạo, điều hành các lĩnh vực: Chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cả nước và các vùng; Chiến lược, chính sách tài chính, tín dụng, tiền tệ; Chi ngân sách, sử dụng dự phòng ngân sách nhà nước, Quỹ dự trữ tài chính, Quỹ dự trữ ngoại hối và các quỹ khác của Nhà nước; phát hành công trái, trái phiếu Chính phủ; kế hoạch cung ứng tiền hàng năm….

Còn Phó thủ tướng Trương Hòa Bình làm nhiệm vụ Phó Bí thư Ban cán sự Đảng Chính phủ, giúp Thủ tướng theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực: Cải cách hành chính; Phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại; Phòng chống tham nhũng; thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; Phòng chống tội phạm; Đặc xá; Cải cách tư pháp; Xử lý các vấn đề thường xuyên về công tác dân tộc, tôn giáo và thi đua khen thưởng; Phối hợp công tác giữa Chính phủ với Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao…

Đây là những chức trách nhiệm vụ mà ông Nguyễn Xuân Phúc được phân công dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

 


Người viết : Theo Dân Việt