Mặn xâm nhập đồng bằng sông Cửu Long - Loại trừ hay chung sống?

Mặn xâm nhập đồng bằng sông Cửu Long - Loại trừ hay chung sống?

Thứ năm, 07/04/2016, 16:08 GMT+7

Những thông tin dồn dập về tình trạng khô hạn và mặn xâm nhập tại vùng đồng bằng sông Cửu Long khiến người Việt Nam choáng váng. Vùng đất trù phú và là vựa lúa lớn nhất của Việt Nam, đóng góp chủ yếu vào thành tích xuất khẩu gạo từ 7 - 8 triệu tấn một năm này đang trong tình trạng khô hạn và nhiễm mặn nặng do thiếu nước ngọt.

hh
Hạn hán và mặn xâm nhập ngày càng sâu tại ĐBSCL. Ảnh: Thảo Nguyên.

   Nguyên nhân, có lẽ mọi người đều cùng chung nhận định, là do hạn nặng bởi tác động của hiện tượng Elnino, biến đổi khí hậu khiến nước biển dâng và sự suy giảm dòng chảy trên sông Mekong. Trong đó, sự suy giảm dòng chảy sông Mekong do con người tạo ra, có thể coi là nguyên nhân trực tiếp. Vấn đề đáng nói là trong tất cả những đập thủy điện đã và đang xây dựng trên thượng nguồn và dòng chính sông Mekong, không có thủy điện nào ở Việt Nam, trong khi tổn thất mà Việt Nam - quốc gia nằm cuối hạ nguồn phải gánh chịu lại lớn nhất. Rõ ràng, bằng chính sách và các hành động trên thực tế của mình, Trung Quốc đã rất thành công trong việc biến việc kiểm soát nguồn nước tại con sông quốc tế này thành một thứ vũ khí rất lợi hại. Tất nhiên, đích nhắm chủ yếu của nó là quốc gia nằm ở hạ nguồn, nơi con sông chảy ra biển, và đó chính là Việt Nam.

    Là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất của bất cứ thay đổi dòng chảy nào trên sông Mekong, Việt Nam còn đồng thời chịu tác động kép của tình trạng môi sinh toàn cầu, cụ thể là tình trạng nóng lên của trái đất và nước biển dâng. Điều đó khiến toàn bộ vùng hạ lưu sông Mekong ở Việt Nam sẽ có những biến động thay đổi tuyệt đối về môi sinh trong khoảng một thập kỷ tới. Tình trạng chung là thiếu nước trên lưu vực sông, mặn xâm nhập và hạn hán sẽ ngày càng gia tăng và đó là một xu thế không thể đảo ngược.

   Không phải đến bây giờ Việt Nam mới nhận thức được tính nguy cấp của tình hình. Việt Nam từng nỗ lực nhiều lần để trì hoãn tiến độ xây đập Xayaburi tại Lào và khuyến cáo các nước Thái Lan, Campuchia cùng phối hợp để khai thác dòng sông bền vững. Tuy nhiên bài toán kinh tế được mất của các quốc gia này không giống Việt Nam. Và họ không thể ngồi yên hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để duy trì tính bền vững của con sông khi Trung Quốc đã thao túng nó có hệ thống trên thượng nguồn. Trong mọi tình huống, Việt Nam phải chấp nhận thực tế rằng nguồn nước chảy về Việt Nam trên lưu vực sông Mekong sẽ ngày càng giảm trong mùa khô hạn.

   Nguồn nước suy giảm trên sông Mekong và nguy cơ nước biển dâng khiến tình trạng mặn xâm nhập tăng nhanh đang là mối đe dọa sống còn đến đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa lớn nhất của Việt Nam. Và ngày 10/03/2016, trước tình trạng khô hạn trên diện rộng ở miền Tây Nam bộ, Chính phủ Việt Nam đã phải gửi công hàm cho Chính phủ Trung Quốc đề nghị Trung Quốc xả đập thượng nguồn giúp cải thiện tình hình. Trái với thái độ hung hăng tại biển Đông, Trung Quốc vui vẻ nhận lời. Liệu có phải Trung Quốc tự nhiên tốt đột xuất với Việt Nam như vậy? Hoàn toàn không, Trung Quốc đang rất vui và muốn công bố với thế giới, cũng như người Việt Nam rằng, vũ khí nguồn nước sông Mekong của Trung Quốc với Việt Nam đã thành hiện thực.

   Tuy nhiên, có nên trông đợi Trung Quốc thiện tâm dỡ bỏ các đập thượng nguồn và tự nguyện tham gia Ủy hội Sông Mekong để phát triển môi trường bền vững? Điều đó là không tưởng. Các chuyên gia Hà Lan, khi sang nghiên cứu tình trạng ngập mặn tăng nhanh và tính toán ảnh hưởng của nước biển dâng, đã đưa ra dự toán Việt Nam cần tới trên dưới 50 tỷ USD và nhiều thập niên để xây dựng các con đập tại các cửa sông nếu muốn kiểm soát tình trạng mặn xâm nhập do dòng chảy suy thoái và tình trạng nóng lên của trái đất (Hà Lan, nước có phần lớn lãnh thổ nằm dưới mực nước biển là nước có kinh nghiệm nhất trong việc xây dựng các con đê lấn biển và đập kiểm soát dòng chảy tại cửa biển). Rõ ràng điều này cũng là không thể, vì Việt Nam lấy đâu ra ngần ấy tiền và phương án nào có thể xây dựng các đập kiểm soát dòng chảy cửa sông với một địa hình quá phức tạp?

   Cần có một tư duy khác trong việc phát triển và khai thác đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam. Theo đó, trước hết phải xây dựng các chiến lược và kế hoạch dựa vào chính mình. Nếu việc suy giảm dòng chảy trên sông Mekong là không thể thay đổi được, nếu tình trạng mặn xâm nhập tại đồng bằng sông Cửu Long là không thể chặn lại được, cũng giống như Việt Nam không thể làm gì để thay đổi thực trạng nước biển dâng trong tương lai, thì thay vì chặn dòng mặn xâm nhập, hãy tìm cách khai thông và sống chung với nó.

   Dự tính có tới 10 tỉnh ở Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng nặng do tác động chung của mặn xâm nhập, tương đương với 29.827 km2 (lưu ý rằng diện tích này gần xấp xỉ 10% diện tích lãnh thổ toàn Việt Nam), trong đó 38% diện tích đất sẽ bị ngập hoàn toàn. Mức tác động do đó vô cùng lớn. Và để thích ứng với tình hình, cần có chiến lược quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trước hết cần tổ chức nghiên cứu thống kê các vùng đất chịu tác động trực tiếp của mặn xâm nhập, không còn thích hợp trồng lúa, đặc biệt là các vùng có khả năng ngập trong tương lai do nước biển dâng, để xây dựng lại quy hoạch về phân vùng phát triển nông nghiệp.

   Giữ lại những khu vực cho năng suất cao đối với sản xuất lúa gạo, và phát triển đồng bộ các vùng này với các giống lúa có chất lượng cao để tạo thương hiệu và nâng cao chuỗi giá trị cho người trồng lúa.

   Với các vùng ngập mặn, quy hoạch lại định hướng phát triển nông nghiệp để chuyển sang nuôi trồng thủy hải sản.

   Nghiên cứu chi tiết các kế hoạch khai thông dòng chảy để dẫn nguồn nước biển vào sâu các vùng ngập mặn phục vụ cho quy hoạch nuôi tôm. Đồng thời nghiên cứu và xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt dẫn tới các vùng này thay thế cho nguồn nước mặt và nước ngầm, đảm bảo duy trì đời sống của cư dân. Chắc chắn chi phí cho những dự án này sẽ nhỏ hơn rất nhiều so với những dự án thủy lợi tốn kém nhiều chục nghìn tỷ từ trước đến nay ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

   Triển khai giáo dục phát triển học thuyết 3E *: Phối hợp việc xây dựng các vùng nuôi trồng thủy sản mới với sự phát triển của các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy hải sản. Nghiên cứu kỹ yếu tố thị trường và làm tốt công tác dự báo, tránh việc chuyển đổi ồ ạt sang nuôi trồng thủy sản khiến nguồn cung tăng đột biến và không tháo gỡ được đầu ra.

   Chính phủ (trực tiếp là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phải làm tốt vai trò của mình trong việc hỗ trợ và đào tạo kiến thức nuôi trồng cho người dân, bao gồm cả việc nghiên cứu và kiểm soát con giống, thức ăn, cảnh báo thị trường … để đảm bảo quá trình chuyển đổi là phù hợp và mang lại lợi ích bền vững cho người dân thay vì để họ tự bươn chải...

   Rõ ràng, Việt Nam hoàn toàn có thể ứng phó được với tình trạng mặn xâm nhập bằng chính các giải pháp từ bên trong của chính mình. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn nằm trong các nỗ lực của chính quyền vì không người dân nào có thể tự phát làm quy hoạch. Nếu nỗ lực tốt, Việt Nam hoàn toàn có thể đối mặt với tình hình và biến thách thức thành cơ hội. Giá trị kinh tế của nuôi trồng thủy hải sản cao hơn nhiều so với nông nghiệp truyền thống. Việc suy giảm diện tích trồng lúa khiến giá trị các sản phẩm trên vùng trồng lúa còn lại sẽ cao hơn theo quy luật thị trường. Và chính việc suy giảm này sẽ làm tăng ý thức giúp người dân khai thác các giống lúa có giá trị cao hơn, sử dụng hiệu quả hơn phần diện tích lúa còn lại.

   Tất cả những điều này sẽ giúp Việt Nam thích ứng bền vững với tình hình mặn xâm nhập. Và điều quan trọng nhất là vẫn kiểm soát được vận mệnh quốc gia trong chính bàn tay mình chứ không phải đặt nó vào tay người khác.

(*) Học thuyết 3E là quan điểm phát triển chính sách vĩ mô, dựa trên lý thuyết toán hình học. Người ta coi dự án phát triển như nội hàm của đường tròn được tiếp xúc với ba cạnh của tam giác. Diện tích cũng như sự phát triển của đường tròn bị chi phối nội hàm khi tam giác có sự cân đối. Ba đỉnh tam giác của học thuyết 3E bao gồm các đỉnh sau:

     E1: Educatoin (Giáo dục)

     E2: Environment (Môi trường)

     E3: Economic (Kinh tế)

   Theo học thuyết này, người chính khách trước khi ra quyết định cho một dự án kinh tế- xã hội nào đó, hay đứng trước hàng loạt dự án đệ trình, thì họ, hay thông qua tham mưu của họ phải được chứng minh bằng các luận cứ khoa học rằng, dự án đã và đang kiểm soát tốt cả 3 E để lãnh đạo ra quyết định. Một góc nhìn khác, học thuyết 3E giúp lãnh đạo “đánh số thứ tự ưu tiên” trong hàng núi dự án chương trình để đưa ra quyết định tối ưu.

 


Người viết : Bùi Thế Phú Chuyên gia môi trường Theo Tạp chí Nông thôn Việt