Mật ong U Minh Hạ vào vụ Tết
Thứ năm, 22/01/2015, 14:18 GMT+7
Theo người dân địa phương, hương mật ong vùng U Minh Hạ dần dần trở thành hương thơm đặc trưng trước thềm tết đến.
Mật ong U Minh Hạ là một trong những đặc sản của Cà Mau. |
Về vùng rừng U Minh Hạ (Cà Mau) những ngày này, hương thơm dịu thoang thoảng đâu đó bay ra từ những cánh rừng tràm bạt ngàn.
Xa xa thấy từng nhóm người lấp ló trong những cánh rừng, hỏi anh bạn đồng nghiệp đi cùng mới biết bà con mình đang vào mùa “hái lộc” từ nghề gác kèo ong.
Theo người dân địa phương, hương mật ong vùng U Minh Hạ dần dần trở thành hương thơm đặc trưng trước thềm tết đến.
Đã thành thông lệ, cứ gần Tết Nguyên đán là người dân tập trung thu nguồn mật để cung ứng cho thị trường. Mật ong mùa này như là “cây kinh tế” giúp người dân có nguồn thu nhập khá, chuẩn bị đón tết.
Qua tiểu khu 30, đến liên tiểu khu U Minh I, ngoài bìa rừng thấp thoáng dòng người đi gác kèo ong. Những thợ gác kèo ong địa phương cho biết, cứ kết thúc mùa mưa vào khoảng tháng 10 (âm lịch) là anh em lại tay xách dao vào rừng gác kèo ong.
Nguồn lợi này kéo dài đến hết mùa khô, khoảng tháng 4 năm sau. Anh Nguyễn Hùng An, thợ rừng có nhiều năm kinh nghiệm hành nghề “ăn ong” chia sẻ: Hiện nguồn mật đang thu lai rai, nhưng chúng tôi đang dưỡng đến gần mới tết thu hoạch rộ, bán giá cao hơn.
Với hàng chục kèo ong, mỗi năm anh An thu về khoảng 400 lít mật. Mỗi lít mật bán lại cho Cty U Minh Hạ cũng được hơn 200 ngàn đồng, lời không dưới 60 triệu đồng. Từ đầu vụ gác kèo ong tới nay, anh An dưỡng nguồn mật là chủ yếu, chỉ thu 4 tổ ong, được hơn 20 lít mật.
Cũng làm nghề như anh An ở liên tiểu khu này còn hàng chục người, mỗi người nhận giữ gần chục hecta rừng và hợp đồng với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ (Cty U Minh Hạ) gác kèo ong.
Chính vì vậy mỗi tốp thợ rừng có địa bàn riêng. Khu rừng ai nhận giữ thì người đó được gác kèo ong, hết mùa nộp lại cho Cty từ 1,5-2 lít/ha. Nhờ mật có giá nên mỗi năm cũng thu lời gần 50 triệu đồng.
Lâm phần rừng tràm U Minh Hạ của Cà Mau có trên 42.000ha diện tích đất có rừng. Ước cho sản lượng mật mỗi năm từ 30.000-50.000 lít, lượng mật trên chủ yếu do người gác kèo ong khai thác.
Ngoài những hộ gác kèo nhận khoán đất lâm phần, vài nơi đã thành lập được tập đoàn hoặc tổ hợp tác chuyên gác kèo ong và thu nhập khá từ nguồn lợi tự nhiên trong rừng.
Trong đó, Tập đoàn 19-5 (còn gọi là Tập đoàn Phong Ngạn, ngụ ấp 20, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh) là một trong những đơn vị tiêu biểu.
Ông Nguyễn Văn Vững, một trong những thành viên của Tập đoàn Phong Ngạn cho biết: Tập đoàn có trên 20 thành viên, mỗi hộ trong tập đoàn có nguồn thu không dưới 50 triệu đồng/năm từ nguồn mật rừng.
Trước đây, nguồn lợi này không cao lắm, từ hồi Cục sở hữu trí tuệ công nhận thương hiệu tập thể “Mật ong U Minh Hạ” thì khác hẳn. Vài năm trước, giá mật ong bán tại rừng chỉ khoảng hơn 100 ngàn đồng/lít, nay đã lên trên 200 ngàn đồng và đang có chiều hướng tăng tiếp.
“Bây giờ mật vùng mình đã thành đặc sản, cứ cận tết là chúng tôi vào chính vụ, thu tới tháng 5 năm sau. Cứ đà này thì dân gác kèo như chúng tôi sống khỏe, mỗi thành viên trung bình thu về không dưới 400 - 500 lít mật/năm”. Ông Vững phấn khởi khoe.
Được biết, Tháng 8/2011, Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận, công nhận nhãn hiệu tập thể “Mật ong U Minh Hạ”.
Hội Nông dân huyện U Minh vinh dự là cơ quan đại diện chủ sở hữu nhãn hiệu trên, đã tiến hành các biện pháp tuyên truyền nâng cao ý thức của nhân dân, chung tay bảo vệ thương hiệu tập thể.
Theo Hội Nông dân huyện U Minh, đã có vài đơn vị đăng ký nhãn hiệu “Mật ong U Minh Hạ” và đã đầu tư máy móc để nâng cao chất lượng, trong đó Cty U Minh Hạ là đơn vị đi đầu.
Cty U Minh Hạ đã đầu tư máy tách nước để nâng cao chất lượng mật ong |
Để nâng cao chất lượng mật, tháng 11/2013, Cty U Minh Hạ đầu tư máy tách nước mật ong, do Phân viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch cung cấp. Sau một thời gian chuyển giao công nghệ, đầu năm 2014 máy chính thức được vận hành thương mại.
Theo ông Nguyễn Phương Nam, Phó giám đốc Cty U Minh Hạ, bằng công nghệ “tách nước lạnh chân không” thì trong một giờ máy có thể tách được khoảng 80 lít mật. Và sau từ 1-2 lần tách, hàm lượng nước trong mật từ 23-27% giảm chỉ còn khoảng 20%, đạt tiêu chuẩn quy định trong nước.
“Mỗi lần tách bị hao hụt khoảng 3% lượng mật, mật sau khi tách bớt nước sẽ đặc hơn, mùi thơm hơn, sậm màu hơn, giúp người tiêu dùng bảo quản được lâu hơn”. Ông Nam chia sẻ.
Chung tay cùng chính quyền địa phương và ngành chức năng bảo vệ, phát triển thương hiệu “Mật ong U Minh hạ” nên thời gian qua, Cty U Minh hạ còn kiểm soát chặt chẽ nguồn mật đầu vào.
Bên cạnh đó, đơn vị tiến hành cải tiến nhãn mác, đóng chai cho các sản phẩm mật ong. Trong 5 năm gần đây, nguồn mật ong của Cty luôn ổn định mức cung ứng ra thị trường khoảng 3.000 lít mỗi năm...
Trần Hiếu (Nongnghiep.vn)
Các tin khác :
- VEDAN VIỆT NAM LIÊN TIẾP KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ VỚI “THƯƠNG HIỆU VÀNG NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2024” (24/10/2024)
- HDBank vừa đồng loạt triển khai những hoạt động ý nghĩa, sát cánh cùng khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi và hoàn lưu bão (24/10/2024)
- Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam: Cùng Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam, Agribank kiến tạo tương lai tươi sáng cho nông nghiệp Việt (22/10/2024)
- Triển lãm Quốc tế VINACHEM EXPO 2024 và CAC Vietnam 2024 sẽ diễn ra từ ngày 27 - 29/11/2024 tại Trung tâm Hội chợ & Triển lãm Sài Gòn (SECC) (11/04/2024)
- Tổng hội NN&PTNT Việt Nam tập huấn liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và thị trường nông sản tại Bắc Kạn (19/11/2021)
- Lãnh đạo Tổng hội nông nghiệp và PTNT Việt Nam đã đến thăm và làm việc tại Sơn La (19/03/2021)
- Hơn 8.000m2 rừng bị tàn phá ở Kon Tum (23/10/2020)
- Kết luận của Phó Thủ tướng về việc xuất khẩu gạo (23/04/2020)
- Thủ tướng chỉ thị cấp bách tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó dịch Covid-19 (25/03/2020)
- Huyện Đức Hòa đưa thêm 3 công trình cầu giao thông nông thôn vào sử dụng (17/02/2020)