Máy chế biến thức ăn đa năng

Máy chế biến thức ăn đa năng

Thứ năm, 08/01/2015, 11:58 GMT+7

Sử dụng máy giúp giảm đáng kể ngày công lao động, tận dụng được các phụ phẩm của nông nghiệp như thân cây chuối, cây ngô, cỏ voi...

Để nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm chi phí, giảm ngày công lao động trong chăn nuôi và giải phóng sức lao động cho bà con nông dân, năm 2014 Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang triển khai mô hình ứng dụng máy chế biến thức ăn chăn nuôi đa năng trong nông hộ theo hướng công nghiệp.

 

Kiểm tra vận hành máy chế biến thức ăn đa năng
Kiểm tra vận hành máy chế biến thức ăn đa năng


Tổng số có 23 máy với 23 hộ gia đình tham gia tại các xã Hùng Mỹ (huyện Chiêm Hóa) 6 máy; xã Minh Hương, Hùng Đức (huyện Hàm Yên) 11 máy và xã Đại Phú (huyện Sơn Dương) 6 máy.

Nhà nước hỗ trợ 80% chi phí mua máy và tổ chức tập huấn kỹ thuật sử dụng vận hành máy; cách xây dựng các khẩu phần ăn hỗn hợp của gia súc, gia cầm cho các hộ tham gia.

Gia đình anh Ma Văn Thành, thôn Thắm, xã Hùng Mỹ cho biết: Trước đây gia đình anh chỉ chăn nuôi lợn với quy mô nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế không cao và phải mất nhiều thời gian cho việc chăn nuôi nên mỗi lứa chỉ nuôi từ 4 - 5 con. 

Từ khi được hỗ trợ 1 máy chế biến thức ăn đa năng, anh nhận thấy sử dụng máy đã giảm đáng kể ngày công lao động, tận dụng được các phụ phẩm của nông nghiệp như thân cây chuối, cây ngô, cỏ voi...

Với công suất của máy mỗi giờ có thể xay trộn được 100 - 150 kg thức ăn hỗn hợp. Sau đó ủ với men vi sinh khoảng 2 - 3 ngày có thể sử dụng cho lợn ăn; cùng với đó đàn lợn tăng trọng nhanh, vì vậy gia đình anh đã tăng mỗi lứa từ 25 - 30 con lợn.

Theo đánh giá của cán bộ kỹ thuật thì sử dụng máy chế biến thức ăn chăn nuôi đa năng sẽ tận dụng được tối đa các nguồn thức ăn xanh, như các loại rau, bèo, thân cây chuối, ngô, cây cỏ voi, VA 06…; thức ăn tinh, các phụ phẩm, phế phẩm nông nghiệp, ngư nghiệp hoặc thực phẩm khác sẵn có tại địa phương vào phục vụ chăn nuôi, làm giảm giá thành thức ăn chăn nuôi xuống từ 15 - 20%.

Máy nghiền nhỏ, mịn, nhuyễn thức ăn nên giúp vật nuôi tiêu hoá tốt hơn, hấp thu triệt để các chất dinh dưỡng có trong thức ăn, nâng cao năng suất, chất lượng thịt đàn vật nuôi và tiết kiệm được nguồn thức ăn, tăng giá trị nguồn nông sản, phế phụ phẩm nông nghiệp tại địa phương. 1 máy chế biến thức ăn có thể đáp ứng cho 1 hộ nuôi từ 30 - 40 con lợn; 100 - 150 con gà; 100 - 150 con vịt, ngan.

Ông Chu Quang Thái, Chủ tịch UBND xã Hùng Mỹ cho biết: Chăn nuôi gia súc, gia cầm đặc biệt là nuôi lợn là thế mạnh của xã nhờ có máy chế biến thức ăn chăn nuôi đa năng và sử dụng men vi sinh, giúp người dân giảm được công băm bèo, thái chuối và nấu cám, tăng số lượng đàn, tăng thu nhập và làm sạch môi trường chăn nuôi…

Từ thành công bước đầu của mô hình, trong thời gian tới Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang sẽ phối hợp với Trạm Khuyến nông các huyện, TP tiếp tục xây dựng và thực hiện mô hình đồng thời tuyên truyền nhân rộng mô hình.

 


Người viết : Vũ Ngọc Tuyền (Nongnghiep.vn)