Muôn kiểu vay vốn làm giàu: Những mô hình độc đáo

Muôn kiểu vay vốn làm giàu: Những mô hình độc đáo

Thứ tư, 19/08/2015, 16:26 GMT+7

Tham gia cùng đoàn công tác của ngân hàng Agribank tại Phú Yên và Bình Định, chúng tôi đã được mục sở thị những mô hình kinh tế vô cùng độc đáo như nuôi chim yến, nuôi tôm hùm. Tuy đầu tư lớn, nhưng lợi nhuận thu được lại “kếch xù”.

Anh Quyện đang giới thiệu sản phẩm tổ yến của gia đình với khách
Anh Quyện đang giới thiệu sản phẩm tổ yến của gia đình với khách

“Làm một lần, ăn cả đời”

Xưa, các cụ bảo rằng “có làm thì mới có ăn, không dưng ai dễ đem phần đến cho”. Nay, có những nông dân đầu tư xây dựng mô hình nuôi chim yến một lần là có thể ngồi mát đếm tiền cả đời.

Thôn Ân Niên, xã Hòa An, huyện Phú Hòa (Phú Yên) ríu rít tiếng chim yến. Nơi trú ngụ của chúng là một ngôi nhà 6 tầng. Nhìn bề ngoài, nó không khác gì so với nơi ở của con người, nhưng đi sâu vào tìm hiểu mới thấy những kết cấu vô cùng kỳ dị. Tường nhà dày 27 cm và rỗng ở khoảng giữa, trên trần nhà được ốp đá tự nhiên, ngăn thành các ô vuông và độ ẩm luôn được đảm bảo từ 85 – 90%.

Hàng ngàn con chim yến chao lượn khắp các phòng, hệt như những chiếc lá rơi khi có luồng gió mạnh thốc vào. Ngước mắt lên trên, tổ yến màu trắng ngà ken dày đặc trên những phiến đá xám. Nếu tính bình quân 8 tổ yến đạt trọng lượng một lạng (0,1 kg), thì khi thu hoạch hết tổ yến ở đây sẽ không dưới 5 kg. Tuy nhiên, chủ nhà yến – anh Nguyễn Văn Quyện (45 tuổi), bảo rằng, mô hình đang trong giai đoạn nhân cá thể yến, nên chỉ thu những tổ không còn chim non ở.

Tôi hỏi anh Quyện: “Mức đầu tư một nhà nuôi yến 6 lầu, diện tích mỗi lầu 700 m2 và sử dụng đá tự nhiên ốp trần hết bao nhiêu tiền?”. Anh cười bảo: “10 tỷ”. “Vốn đâu ra mà nhiều tiền thế?”.

Chủ nhà yến nhìn anh Lê Tiến Dũng, Phó trưởng phòng tín dụng ngân hàng Agribank chi nhánh Phú Yên và trả lời: Từ đôi tay lao động, từ khối óc và 500 triệu đồng vốn vay ngân hàng Agribank.

Cận cảnh nhà nuôi chim yến
Cận cảnh nhà nuôi chim yến

Hoàn cảnh éo le của anh Quyện có lẽ là hy hữu. Sinh ra trong một gia đình nghèo khó vùng biển Sông Cầu (Phú Yên) đông anh em. Ngày qua ngày cứ đói lay đói lắt, 15 tuổi anh xin vào chùa nương nhờ cửa Phật và học nghề bốc thuốc 7 năm liền.

Rời chùa, anh lại lăn lộn với biển cả, lênh đênh theo con sóng trên đoàn tàu đánh cá mưu sinh. Thế rồi, khi chán biển, anh quyết định lên núi, mua 5 ha đất ở huyện Sông Hinh trồng mía và nuôi bò. Đầu những năm 1990, phong trào nuôi tôm hùm ở huyện Sông Cầu (nay là thị xã Sông Cầu) bốc ngùn ngụt, anh Quyện lại bán đất, bán bò, rời miền sơn cước về quê làm ăn.

Vốn đầu tư nuôi tôm hùm cực lớn, anh phải vay thêm ngân hàng Agribank 500 triệu đồng để dựng bè, sắm lồng, tôm giống và thức ăn. Có thời điểm, khu nuôi tôm của anh phát triển lên 100 lồng. Mỗi năm lãi tiền tỷ ngon ơ.

Một ngày, anh Quyện nghĩ biển cả bao dung nhưng thỉnh thoảng vẫn nổi cơn thịnh nộ, sa sẩy chốc lát lại trắng tay. “Trùm bè” quyết định rút vốn lên bờ đầu tư mô hình nuôi chim yến. Căn nhà mới khánh thành đầu năm 2014, thế mà sau một năm đã dụ được cả vạn con chim yến trú ngụ. “Với đà phát triển này, chắc chắn 10 năm nữa sản lượng tổ yến sẽ đạt 1 tạ/năm”, anh Quyện quả quyết.

Thời điểm hiện tại, dù chưa có thương hiệu nhưng sản phẩm tổ yến của anh được bán với giá 50 triệu đồng/kg. Thế có nghĩa là, 10 năm tới một ngôi nhà yến sẽ cho thu 5 tỷ đồng. Một mức lợi nhuận khiến người ta... choáng váng.

Anh Quyện chia sẻ: Yến là loài chim vô cùng độc đáo, không đậu ở bất cứ nơi đâu trừ tổ của mình. Chúng kiếm mồi trên không trung và phải là mồi đang sống. Một con yến trưởng thành thường bay xa từ 30 đến 100 km kiếm ăn. Chúng rời tổ từ sáng sớm và quay về khi sẩm tối. Người nuôi không phải mất bất cứ chi phí thức ăn nào.

Nghề nuôi yến hiệu quả bền vững là bởi, khi loài chim này đã chọn ngôi nhà nào để trú ngụ thì sẽ ở đó đến hết đời và gây dựng nòi giống. Nếu có ý thức vừa bảo tồn vừa phát triển, mỗi tháng chỉ thu từ 10 – 15% (những tổ không có chim sinh sống) thì sau 1 năm, số lượng cá thể sẽ tăng lên gấp 3 lần. Chủ nhà yến chỉ có mỗi việc rung đùi chờ thời gian thu hoạch.

Những tỷ phú ở “thủ phủ tôm hùm”

Rời huyện Phú Hòa, chúng tôi tiến về vùng biển thị xã Sông Cầu. Gọi nơi đây là “thủ phủ tôm hùm” chẳng có gì sai, bởi đó là địa phương cấp huyện nuôi nhiều tôm hùm nhất nước Việt Nam.

Và, nếu ví dải đất ven biển thị xã Sông Cầu (gồm các xã Xuân Phương, Xuân Thịnh, Xuân Cảnh, Xuân Hòa, và phường Xuân Đài, Xuân Thành) là vùng đất của những tỷ phú cũng hoàn toàn đúng. Vì sao ư? Cứ nhìn những ngôi biệt thự nguy nga của dân nuôi tôm hùm thì biết liền.

Nuôi tôm hùm là nghề đem lại lợi nhuận “kếch xù”
Nuôi tôm hùm là nghề đem lại lợi nhuận “kếch xù”

Hiếm có vùng đất nào mà một bên là biển xanh, một bên là đất đai khô cằn như sa mạc, không có một dòng nước, một khe đổ ra khơi như vùng Sông Cầu. Cái “vùng đất hiếm” ấy chính là thiên đường của tôm hùm.

“Còn nhớ 7 năm trước tôi vẫn nợ ngân hàng Agribank chi nhánh Sông Cầu 200 triệu đồng, giờ gia đình tôi đang cho vay ngược lại ngân hàng 5 tỷ đồng”, ông Khanh cười khơ khớ nhắc tới cuộc lội dòng ngoạn mục khi sử dụng hiệu quả đồng vốn vay.
Cũng theo ông Khanh, dù giá tôm hùm hiện nay đang chạm đáy: 1,3 triệu đồng/kg (bằng một nửa so với thời kỳ đỉnh điểm), tuy nhiên nếu chăm sóc đúng kỹ thuật, tỷ lệ tôm chết từ 40% trở xuống thì nông dân vẫn thu lãi trên 1 tỷ đồng/vụ (nếu nuôi 100 lồng).

Ông Dương Văn Khanh (thôn Dân Phú 1, xã Xuân Phương) là một trong những người khởi thủy nghề nuôi tôm hùm ở vùng biển Sông Cầu này. Ông kể: “Năm 1992, giá tôm giống chỉ 5.000 đồng/con mà kích thước lớn hơn tôm giống bây giờ nhiều lần.

Nuôi tầm 12 tháng, mỗi con tôm thương phẩm nặng 1 kg, bán 400 – 500 ngàn đồng. Thấy tôi thắng lớn hai, ba vụ liên tiếp, người ta đổ xô vay vốn, đua nhau đóng lồng, dựng bè nuôi tôm hùm”.

Năm 2000, ông Khanh được bầu làm Chi hội trưởng Chi hội nông dân xóm Dân Phú 1, đồng thời là Tổ trưởng Tổ vay vốn ngân hàng Agribank, quản lý điều hành 20 hội viên.

Thời ấy, quê ông nghèo xơ xác, chẳng ai có giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất nên ngân hàng phải linh động cho vay vốn theo hình thức tín chấp. Số tiền 15 - 20 triệu đồng đủ để đầu tư 1 lồng nuôi tôm hùm. Lợi nhuận từ vụ tôm trước tiếp tục dồn vào vụ sau, cứ thế quy mô chăn nuôi cứ phình ra.

Hiện tại, nhiều tỷ phú có cả trăm lồng nuôi tôm hùm như ông Nguyễn Văn Thậm, Võ Văn Học, Nguyễn Văn Tòng… Số hộ tham gia nuôi tôm cũng gấp 200 lần thời điểm năm 2000. Từ xã Xuân Phương, phong trào nuôi tôm hùm lan ra khắp các xã, phường ven biển Sông Cầu.

Do giá tôm hùm giống đắt đỏ (350.000 đồng/con), suất đầu tư cho một lồng nuôi tôm hùm khá lớn (khoảng 40 triệu đồng/lồng).

Đối với những hộ uy tín, thời điểm “khát vốn” mở rộng mô hình, Agribank có thể cho vay theo hình thức tín chấp số tiền lên tới 400 – 500 triệu đồng. Đến tháng 6/2015, tổng dư nợ cho vay khu vực nông nghiệp của ngân hàng Agribank chi nhánh Sông Cầu đã lên tới 250 tỷ đồng (trong đó 90% là cho vay đầu tư vào mô hình nuôi tôm hùm).

Lại nhớ câu nói tếu táo của người dân Sông Cầu khi thết đãi khách quý: “Ở vùng biển này không có đất trồng lúa. Gạo hiếm nên cứ phải ăn cháo loãng nấu với tôm hùm”. Những bữa ăn bạc triệu ấy đã phản ánh chân thực nhất đời sống khá giả của người dân vùng biển Sông Cầu. Và, khi nhắc tới hành trình gian nan xây dựng nên “thủ phủ tôm hùm”, người Sông Cầu không quên người bạn Agribank.

 

 


Người viết : Theo Nongnghiep