Năm Quốc tế Đất đai

Năm Quốc tế Đất đai

Thứ ba, 17/03/2015, 15:59 GMT+7

 
21/3 diện tích đất trên thế giới đang bị thoái hóa ở mức độ vừa hoặc cao và gần 1/2 đất đai toàn cầu bị đe dọa bởi quá trình sa mạc hóa. Chính vì những hiểm họa nghiêm trọng đối với nguồn tài nguyên trực tiếp hoặc gián tiếp làm ra 95% lương thực nuôi sống loài người này mà Liên hợp quốc quyết định lấy năm 2015 làm “Năm quốc tế Đất đai” (International Year of Soils, IYS 2015).
 
Thực ra từ đất (soil) ở đây muốn nói về lớp đất dầy 30-40 cm phủ trên mặt đất, chủ yếu dùng để trồng cây lương thực thực phẩm. Đây là lớp đất có vai trò quan trọng nhất đối với sự sống còn của mọi sinh vật . Thế nhưng lớp tài nguyên không thể tái sinh này đang bị thiên nhiên và con người tàn phá nghiêm trọng tới mức báo động. Tình trạng này nếu không được ngăn chặn sẽ ảnh hưởng xấu tới sự phát triển bền vững của nhân loại. 

FAO nhận định, hiện nay có 1/3 diện tích đất đã thoái hóa ở mức độ vừa hoặc cao do bị xâm thực, mặn hóa, kiềm hóa, a xit hóa và ô nhiễm hóa chất. Sự lạm dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, việc trồng trọt không đúng phương pháp (như cày đất quá sâu) cũng như nạn phá rừng, khai thác đất quá mức cho chăn nuôi cũng làm đất bị thoái hóa. Đô thị hóa tràn lan không có quy hoạch đã thu hẹp diện tích đất trồng trọt, làm những vùng đất màu mỡ bị mất đi không bao giờ trở lại. 

Bên cạnh đó, gần một nửa đất đai toàn cầu bị đe dọa bởi quá trình sa mạc hóamà nguyên nhân, theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, là do chăn thả bừa bãi, canh tác quá mức, hệ thống tưới tiêu lạc hậu, phá rừng, mất rừng dẫn đến biến đổi khí hậu. Khoảng 800 triệu người dân sống ở những vùng đất khô cằn đang lâm vào cảnh thiếu đói.

Việt Nam có diện tích đất đai không lớn – 33 triệu ha, trong đó chỉ 10,3 triệu ha có thể sử dụng trong nông nghiệp. Năm 2013, dân số Việt Nam đạt 90 triệu người – mỗi năm tăng thêm khoảng 1 triệu người. Diện tích đất bình quân đầu người ở ta thuộc loại rất thấp trên thế giới, diện tích đất canh tác bình quân đầu người lại càng thấp. Hơn nữa, 70% dân ở nông thôn, tức hơn 60 triệu người sống dựa vào đất. 

Đã thế đất cũng đang bị tàn phá nghiêm trọng, đặc biệt những năm gần đây khi tốc độ đô thị hóa tăng vọt trong cả nước. Một diện tích không nhỏ đất nông nghiệp đã và đang bị thu hồi để phát triển công nghiệp, giao thông và nhà ở. Ngoài các hiện tượng làm cho đất bị thoái hóa như FAO đã nói ở trên, đất nông nghiệp Việt Nam còn bị tàn phá bởi nhiều nguyên nhân khác. 

GS. Võ Thị Gương mô tả một hiện tượng mới diễn ra khá phổ biến tại nhiều tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL): đó là việc bán đi 30-40cm tầng đất mặt của ruộng lúa, để một mặt nhằm giảm độ cao, đưa nước vào ruộng lúa dễ dàng, mặt khác mang lại thêm thu nhập. Ngoài ra, việc khai thác tầng đất sét (ở độ sâu 30-70cm so với mặt đất tự nhiên) để bán cho người sản xuất gạch, ngói đã khiến độ màu mỡ của đất bị giảm nghiêm trọng, làm giảm thu nhập đến 40%, và cần ít nhất sáu năm để phục hồi năng suất lúa. Biến đổi khí hậu cũng tác động xấu tới đất. Thí dụ đồng bằng sông Cửu Long rộng 39.000 km2 đang bị nước mặn xâm nhập khiến cho hàng chục nghìn ha đất bị hỏng không thể trồng lúa được, nhiều nông dân phải bỏ ra thành phố kiếm kế sinh nhai. Trong khi đó Human Development Report 2013 cho biết hiện có khoảng bốn triệu nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long đang sống trong điều kiện thu nhập chưa đến 1USD/ngày. 

Trong tình hình như trên, người Việt Nam chúng ta càng cần nhiệt liệt hưởng ứng Năm quốc tế Đất đai do Liên hợp quốc phát động.

Liên hợp quốc cũng chọn ngày 05/12 – ngày sinh Quốc vương Thái Lan Bhumibol – làm Ngày Đất thế giới hằng năm, nhằm vinh danh Vương quốc Thái Lan, nước có nhiều đóng góp trong hoạt động cổ vũ việc bảo vệ tài nguyên đất.

 


Người viết : Nguyên Hải - Tiasang