Hiện nay, TP.HCM còn hơn 100.000ha đất nông nghiệp, nhưng chỉ có hơn 70.000ha có khả năng sản xuất, tập trung chủ yếu tại 56 xã NTM. Theo ông Dương Văn Nhân – Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM, cơ cấu kinh tế nông nghiệp của thành phố tiếp tục chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững.
Làm thương hiệu công nghệ cao
Có thể nói, trong quá trình xây dựng NTM, thành phố đã tạo một bước đột phá quan trọng thông qua phát triển sản xuất nông nghiệp CNC. Bước đột phá này đã tạo nên một thương hiệu nông nghiệp CNC tại các xã NTM của thành phố bằng các sản phẩm đặc thù vượt trội trong cả nước. Đó là hình thành vùng chăn nuôi tập trung CNC bò sữa (với gần 100.000 con ở Củ Chi, Hóc Môn), cá sấu (160.000 con ở quận 12) và cá cảnh (gần 50 triệu con/năm ở Củ Chi).
ND Trần Văn Xê (xã Xuân Thới Sơn, Hóc Môn) nhờ học phương pháp cấy mô đã tự làm giống cho vườn lan của mình. T.Đ |
Nâng giá trị sản xuất
Theo Sở NNPTNT TP.HCM, hiện các huyện ngoại thành với khoảng 1,3 triệu người, đã có nhiều mô hình ứng dụng CNC, nhưng thực tế còn nhiều khó khăn trong việc ứng dụng và chuyển giao CNC trong nông nghiệp. Nhiều chuyên gia nông nghiệp cho rằng, để chuyển giao hiệu quả CNC cần có phương thức cũng như mục tiêu sản xuất cụ thể, phù hợp với trình độ, khả năng của người nông dân. Kinh nghiệm cho thấy, trong các phương pháp chuyển giao tiến bộ khoa học, nhất là những CNC, việc xây dựng các mô hình trình diễn có vai trò rất lớn, nếu không nói là quyết định. Từ kết quả mô hình trình diễn, nông dân sẽ dễ dàng tiếp nhận nhờ “mắt thấy, tai nghe” nên sẵn sàng ứng dụng vào sản xuất.
Mặt khác, bên cạnh việc ươm tạo các doanh nghiệp nông nghiệp, nên chăng có thể mở rộng đối tượng ươm tạo là nông dân giỏi, những người yêu thích và sẵn sàng tiếp cận công nghệ mới, nhất là CNC. Không như những doanh nghiệp mới thường gặp khó khăn, bà con nông dân có kinh nghiệm và đất đai, nếu được “ươm tạo” sẽ là điều kiện để “doanh nhân hóa nông dân”, điều mà nhiều nhà quản lý đã ấp ủ.