“Khi vào TPP, chúng ta sẽ không chơi theo luật của ao làng nữa. Nếu không tăng chất lượng và năng suất, ngành chăn nuôi heo sẽ từ từ chết dần bởi sức cạnh tranh rất lớn từ các nước” - PGS -TS Vũ Ngọc Hải (Đại học Nông lâm TP.HCM) nhận định.
Đừng ngủ quên với lợi thế địa lý”
Một trong những lợi thế rất lớn của Việt Nam là vị trí địa lý. Các nước xuất khẩu thịt heo lớn trên thế giới như Mỹ, châu Âu, Brazil… nếu muốn đưa thịt heo vào Việt Nam đều phải đông lạnh vì khoảng cách xa. Trong khi đại đa số người dân Việt Nam và ngay cả trên thế giới vẫn muốn sử dụng nguồn thịt tươi sống hơn là đông lạnh. Bên cạnh đó, những nước gần Việt Nam như Indonesia, Thái Lan, Trung Quốc, Singapore lại không phát triển mạnh chăn nuôi heo, chỉ phát triển mạnh gia cầm. Điều này khiến ngành chăn nuôi heo Việt Nam trở thành độc tôn một phương.
Đàn heo được xuất chuồng tại một trang trại heo huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: M.T
Tuy nhiên, theo PGS-TS Vũ Ngọc Hải, những lợi thế này hoàn toàn có thể thay đổi và ngành chăn nuôi trong nước sẽ lâm nguy. Bởi sắp tới, Singapore có thể thuê được một đảo không người ở của Indonesia để phát triển chăn nuôi. Khi đó, cán cân ngành chăn nuôi sẽ thay đổi đáng kể. Ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ đối diện với sức cạnh tranh lớn từ bên ngoài.
“Khi nào người dân trở thành một ông chủ, một doanh nhân, phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị, có tư duy của nhà quản lý kinh tế thì ngành chăn nuôi vào TPP mới thực sự đủ sức cạnh tranh”. PGS- TS Vũ Ngọc Hải |
Theo một thống kê của trang Genesus.com vào tháng 8.2015, khi so sánh giá 1 kg heo bán ra với những nước nuôi heo hàng đầu thế giới, giá heo của Việt Nam chỉ thấp hơn Trung Quốc, và cao hơn các nước khác. Đặc biệt, ở Mỹ, giá bán thịt heo chỉ bằng một nửa so với Việt Nam hiện nay.
Phải thay đổi!
Tình hình sử dụng chất cấm, kháng sinh tràn lan, không khoa học đã khiến danh tiếng ngành chăn nuôi của Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng. “Hiện tại, người dân vẫn thích ăn thịt tươi sống và chỉ có ở trong nước mới cung cấp được. Tuy vậy, nếu thịt này không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, độc hại cho sức khỏe của bản thân và gia đình họ thì trong tương lai không xa họ sẽ chuyển sang dùng thịt đông lạnh. Dù không ngon bằng nhưng an toàn thì họ vẫn chấp nhận dùng. Đó là viễn cảnh báo động của ngành chăn nuôi heo Việt Nam. Phải thay đổi mới tồn tại và phát triển” - đó là lời khuyên của ông Hải.
Theo ông, hiện tại chăn nuôi nước nhà có năng suất kém, giá thành cao và chất lượng thấp, áp dụng quy trình sản xuất, quản lý và chuyên môn kém hiệu quả nên giá bán thịt heo của Việt Nam luôn cao hơn các nước khác.
“Trong giai đoạn từ tháng 8.2015- 2.2016, giá thịt heo của Việt Nam tăng trong khi các nước khác giảm. Chúng ta chỉ có thể xuất khẩu qua Trung Quốc và Hàn Quốc khi giá thấp hơn hai nước này. Tuy nhiên, người dân Hàn Quốc vẫn giống dân mình, thích ăn thịt tươi, nên dù giá cao dân họ vẫn mua thịt sản xuất trong nước. Còn thị trường Trung Quốc, hiện tại họ vẫn còn dễ tính, thuận lợi giao thông nên chúng ta mới cạnh tranh xuất khẩu được” - ông Hải cho biết.