Người bắt đất nghèo cho... tiền tỷ

Người bắt đất nghèo cho... tiền tỷ

Thứ tư, 29/04/2015, 10:35 GMT+7

Đã không ít lần tôi dò hỏi: Ở huyện Kông Chro (Gia Lai) có nông dân nào mỗi năm làm ra đến 1 tỷ đồng không, thì chỉ nhận được cái lắc đầu. Vậy mà người lái ô tô đưa tôi đi thăm xứ sở mía đầy ấn tượng của mình (nhà ở ngay thị trấn chứ đâu xa), lại khẳng định anh đã thu lãi tiền tỷ.

Mạnh dạn làm “cánh đồng mẫu lớn”

Nói đến cái tên Lê Văn Dũng có lẽ dân thị trấn Kông Chro trước đây đã nhiều người biết. Nhưng biết là bởi chuyện khác, chứ trong nghề nông thì biệt hiệu “Dũng mía” mới nổi lên gần đây… Thực sự là chỉ trước đây vài giờ, nghe nói trồng mía lãi tiền tỷ tôi cứ bán tín bán nghi… Ngành mía đường đang vào thời điểm lao đao. Giá mía cây thu mua tại ruộng là 900.000 đồng/tấn (loại 10 chữ đường). Nếu năng suất đạt 60 tấn/ha như phổ biến ở đây, không cơ giới hóa được khâu làm đất, chăm sóc thì chỉ huề vốn… Vẫn biết lối ra duy nhất là tăng năng suất, giảm chi phí nhưng bí quyết là gì? Chẳng có gì cao xa cả. Dũng thực hiện cái mà người ta đã nói đến nhiều: Cánh đồng mẫu lớn…

Lê Văn Dũng (đội mũ trắng) hướng dẫn công nhân thu hoạch mía. Ảnh: Ngọc Tấn
Lê Văn Dũng (đội mũ trắng) hướng dẫn công nhân thu hoạch mía. Ảnh: Ngọc Tấn
Dũng kể: Năm 2009 anh đã bắt tay thực hiện mô hình này. Muốn có “cánh đồng mẫu lớn” đương nhiên phải đủ đất. Anh đứng ra vận động bà con dồn điền. Sau khi được phân tích lợi hại, 10 hộ đã đồng ý góp đất với tổng diện tích 150ha. Dũng đứng ra làm người điều hành và quản lý. Vậy là bắt đầu một mô hình mới, một cách làm ăn mới… Công việc cam go đầu tiên của Dũng là cải tạo đồng đất – điều kiện tiên quyết cho mục tiêu nâng cao năng suất. Khác với cách làm truyền thống của mọi người, trước hết Dũng thuê máy đào xới đất sau đó mới cày chảo lại. Tiếp theo tùy địa hình, anh cho đắp bờ bao để chống xói mòn. Lớp màu không bị rửa trôi, độ màu mỡ của đất tăng nhanh và năng suất mía từ đó cũng không ngừng tăng.

Trăn trở với đất nghèo

Cơ giới hóa được toàn bộ khâu làm đất, chăm sóc; năng suất cao, giảm chí phí, nên lợi nhuận mà Lê Văn Dũng thu được tới 150 triệu đồng/ha mỗi chu kỳ - cao nhất toàn vùng… Cái lợi khác từ mô hình cánh đồng mẫu lớn là được nhà máy cho ứng trước công làm đất, giống, vật tư và bao tiêu sản phẩm… Dũng khẳng định chắc nịch rằng năm nay dù giá mía chỉ đến thế thì 150ha “cánh đồng mẫu lớn” vẫn cho lãi trên 4 tỷ đồng. Phần anh được chia hơn 1 tỷ đồng…

Quan điểm

Lê Văn Dũng

  Năm nay dù giá mía chỉ đến thế thì 150ha “cánh đồng mẫu lớn”  vẫn cho lãi trên 4 tỷ đồng. Phần tôi được chia hơn 1 tỷ đồng...

 Kông Chro là huyện nghèo nhất tỉnh Gia Lai do điều kiện khí hậu khắc nghiệt; đất xấu, không trồng được các loại cây công nghiệp dài ngày. Cư dân ở đây chủ yếu là đồng bào Ba Na, tập quán canh tác lạc hậu. Lối thoát nào cho họ trên đồng đất nghèo, đó là nỗi trăn trở của Lê Văn Dũng. Theo anh, đất Kông Chro vốn đã xấu, độ dốc lớn mà bà con cứ canh tác quảng canh. Chẳng những không được bổ sung, lớp đất màu, cứ mỗi mùa mưa lại bị bào mòn thêm một nấc. Biết bao đồng đất mới vài năm trước còn màu mỡ, giờ đã trơ sỏi đá phải bỏ hoang. Người dân đang đánh mất đất ngay dưới chân mình. Ai cũng thấy rõ nguy cơ vậy mà chẳng ai nghĩ đến việc bảo vệ lấy nguồn sống của mình.

Dân đã vậy, chính quyền dường như cũng chẳng quan tâm. “Tôi làm nông đã lâu mà chưa nghe ai đặt ra vấn đề này. Cái gốc của đất phải giữ trước rồi mới nói đến những việc áp dụng khoa học kỹ thuật, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi” – Dũng nói.

Cũng chính vì trình độ canh tác lạc hậu, thói quen làm việc tùy hứng của đồng bào dân tộc nên theo Dũng, để họ thoát được nghèo trên đồng đất của mình thì phải có người trực tiếp đứng ra tổ chức, hướng dẫn và quản lý cho họ.

 

 


Người viết : Theo Danviet