Người câu 'vàng của biển' và cơ hội đổi đời với TPP

Người câu 'vàng của biển' và cơ hội đổi đời với TPP

Thứ tư, 08/07/2015, 10:00 GMT+7

Cùng với 3 loại thủy hải sản khác, cá ngừ (còn được gọi là "vàng của biển") có cơ hội lớn khi Việt Nam vào TPP. Những ngư dân đánh bắt loại cá này cũng hy vọng đổi đời.

5 ngày, thậm chí cả tuần lênh đênh trên biển, anh Nguyễn Văn Lai, chủ một tàu cá ở Phú Yên ra về tay trắng. “5,7 rồi 10 ngày mà không đánh được con cá ngừ nào hết. Chi phí nặng quá, mỗi chuyến tốn 180 đến 200 triệu, phải đánh lại con cá chuồn để gỡ bớt vài chục triệu. Nếu không chúng tôi thất bại hoàn toàn”, ngư dân này chia sẻ trong phóng sự do VTV thực hiện cách đây chưa lâu. 

Tại Bình Định - thủ phủ cá ngừ Việt Nam - bài tập câu và bảo quản cá ngừ kiểu mới do chuyên gia Nhật Bản hướng dẫn ngư dân đến nay vẫn chưa được thực hành bài bản. Không ít ngư dân câu "vàng của biển" đã nản lòng với công nghệ mới. Bán cá giá 90.000-100.000 đồng/kg, phần lớn tàu đều than lỗ. Người đi biển cho biết, thu nhập trong mỗi chuyến câu cá ngừ khá thấp nếu như không kết hợp khai thác các loại khác. 

Trao đổi với Zing.vn, ông Võ Thiên Lăng, Ủy viên thường vụ, Phó chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghề cá Khánh Hòa, thừa nhận, người dân ở Khánh Hòa (một trong 3 vùng câu và đánh bắt cá ngừ tại Việt Nam) đang chuyển hướng khai thác. Lý do chính là thu nhập từ nghề câu loài cá đặc sản này quá bấp bênh trong khi chi phí đầu tư lớn. “Công suất tàu tăng nhưng sản lượng cá thu về giảm, cứ đánh là lỗ nên ngư dân kết hợp vừa đánh bắt cá ngừ, vừa đánh bắt loại khác để cải thiện”, ông Lăng chia sẻ.

Hiện tại, cá ngừ xuất khẩu của Việt Nam phần lớn ở dạng chế biến, đông lạnh vì loại nguyên con chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu. Ảnh: Xuân Anh.
Hiện tại, cá ngừ xuất khẩu của Việt Nam phần lớn ở dạng chế biến, đông lạnh vì loại nguyên con chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu. Ảnh: Xuân Anh.

Tính đến năm 2015, Mỹ và Nhật Bản vẫn là hai nước nằm trong "top" nhập khẩu cá ngừ Việt Nam, phân theo khu vực. Theo số liệu của Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam, trong 4 tháng đầu năm 2015, giá trị xuất khẩu cá ngừ đi Mỹ đạt 58,2 triệu USD, chiếm gần 40% và sang Nhật Bản là 5,9 triệu USD, chiếm 4,05%. Phần lớn cá ngừ Việt Nam xuất khẩu dưới dạng chế biến, đông lạnh.

Thuế nhập khẩu cá ngừ Việt Nam vào Nhật Bản dao động 6,4-7,2% và khoảng 0,3-4,7% ở thị trường Mỹ. Thuế cao tại Nhật khiến doanh nghiệp cá ngừ Việt Nam khó có lãi. Áp lực hạ chi phí khiến cho hầu hết công ty đều cố gắng giảm giá thu mua nguyên liệu. Từ đó, thu nhập của người câu cá ngừ rất bấp bênh. 

Trong khi việc đánh bắt gặp khó khăn, cùng với 3 loại thủy hải sản khác là tôm, mực, bạch tuộc, cá ngừ có cơ hội lớn khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đàm phán thành công. Theo đánh giá của Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam, không chỉ tạo cơ hội xuất khẩu hải sản này vào Mỹ, Nhật Bản với thuế suất chỉ 0%, TPP còn có thể tác động đến thu nhập của ngư dân đánh bắt "vàng của biển" ở 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa.  

Tuy nhiên, không nhiều người có cái nhìn lạc quan về cơ hội "đổi đời" của ngư dân. Ông Võ Thiên Lăng cho rằng, mức thuế vào thị trường Nhật Bản, Mỹ dù có về 0% khi TPP đàm phán thành công cũng sẽ không có nhiều ý nghĩa với người đi biển. Bởi lẽ, hiện tại, doanh nghiệp muốn đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu, cá ngừ phải đạt nhiều bộ tiêu chí.

Tại Nhật Bản, các tiêu chí rất khắt khe. Rất nhiều lô cá của Việt Nam, sau khi đánh bắt về, không đủ tiêu chuẩn để xuất sang thị trường này. Việc đánh bắt cá ngừ phần lớn được ngư dân Việt Nam làm theo lối truyền thống. Ngư trường lại ở xa, cả đi và về có khi mất đến 1 tuần, thậm chí 15-20 ngày. Công tác trữ cá khá thô sơ. Kỹ thuật bảo quản chưa cao. Do đó, cá ngừ Việt Nam chưa thể cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Ông Trần Văn Lĩnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, một trong 20 doanh nghiệp xuất khẩu thủy hải sản lớn nhất Việt Nam, cũng nói với Zing.vn, thu nhập của người nuôi tôm hay ngư dân câu cá ngừ sẽ khó tăng lên khi có TPP. Bởi hiện tại, cá ngừ không phải mặt hàng có ưu thế cạnh tranh. Người dân khai thác vẫn manh mún, bảo quản kém khiến chất lượng sản phẩm không cao.

Mức thuế 0% khi vào các thị trường mới, theo ông Lĩnh, không có nhiều ý nghĩa, cả với doanh nghiệp lẫn người dân. Trước TPP, nhiều hiệp định thương mại tự do đã có, thuế suất đối với những mặt hàng thủy sản của Việt Nam giảm đáng kể. Tuy nhiên, thu nhập bao năm của những người mưu sinh với biển vẫn không cải thiện. 

Từng “bầm dập” và có nhiều kinh nghiệm trong xuất khẩu thủy hải sản sang các nước, ông Lĩnh cho hay, doanh nghiệp sẽ quan tâm đến thách thức khi vào TPP hơn là cơ hội. Áp lực minh bạch hóa nguồn gốc nguyên liệu, hạ giá thành, công nghệ chế biến và chuẩn bị tâm thế sẵn sàng để vượt qua rào cản kinh tế, rào cản phi luật pháp (trách nhiệm xã hội, đối xử với người lao động)… là vấn đề doanh nghiệp muốn được tư vấn.

TPP được cho là là sân chơi nơi quy luật
TPP được cho là là sân chơi nơi quy luật "mạnh được, yếu thua" thể hiện rõ nhất. Để vào được sân chơi này, các doanh nghiệp thủy hải sản cần chuẩn bị kỹ. Ảnh: Xuân Anh.

“Khi các nước khác mở cửa cho một ngành nào đó cũng có nghĩa doanh nghiệp của nước đó bị cạnh tranh. Do vậy, chúng ta cần có chuẩn bị để tự vệ, phải không ngừng nâng cao kỹ thuật để đáp ứng tất cả tiêu chuẩn”, ông Lĩnh chia sẻ. Thay vì chỉ nhìn vào cơ hội và thế mạnh, chủ doanh nghiệp này chia sẻ, ông mong muốn biết thêm về thách thức để chuẩn bị tốt nhất.

Lãnh đạo một công ty lọt danh sách những đơn vị xuất khẩu thủy hải sản lớn nhất Việt Nam bày tỏ, khi vào TPP, doanh nghiệp cần chuẩn bị "sức khỏe" tốt nhất. Theo ông, sân chơi càng bình đẳng, quy luật "mạnh được, yếu thua" càng thể hiện rõ. Vị này cho rằng, TPP không phải là "đôi đũa thần". Đặc biệt, với yêu cầu khắt khe về nguồn gốc nguyên liệu, nếu Việt Nam không tự sản xuất mà vẫn sử dụng sản phẩm do Trung Quốc qua đầu tư, thì không thay đổi được bản chất. 

"Vào sân chơi TPP, doanh nghiệp lo nhiều hơn vui. Ai biết lo mới thoát, ai lạc quan tếu thì sớm muộn cũng mắc kẹt. Chúng tôi đặc biệt lo lắng khi đàm phán nhưng không biết rõ điều kiện, không ai biết phải làm như thế nào", lãnh đạo nói trên chia sẻ. Ông bày tỏ, doanh nghiệp đang chuẩn bị vùng nuôi riêng, đưa khoa học kỹ thuật vào, tìm cách để hạ giá thành sản phẩm, sẵn sàng chờ đợi TPP. 

Cùng với ngư dân câu "vàng của biển", doanh nghiệp cũng chờ cơ hội đổi đời...

Sau gần 10 năm đàm phán, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) dự kiến có khoảng 30 chương với một loạt các điều khoản về thương mại, đầu tư, lao động, mua sắm Chính phủ... GDP của 12 nước tham gia đàm phán TPP (Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam và Mỹ) khoảng 28.000 tỷ USD tương đương 40% GDP toàn cầu.  

Ở một vài góc độ, TPP đặc biệt ý nghĩa với Việt Nam và Nhật Bản - hai nước không có hiệp định thương mại tự do lớn nào với Mỹ và các nền kinh tế quan trọng khác của TPP. TPP đàm phán xong có thể khiến cho hàng rào thuế quan vào những nước giàu giảm bớt, các nước nghèo có thể đẩy mạnh xuất khẩu, tăng trưởng kinh tế. 

TPP cũng là một nội dung nghị sự quan trọng giữa Tổng thống Obama và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm Mỹ từ 6 đến 10/7. 

 


Người viết : Theo Zing