Người nuôi bò sữa TP HCM đang 'chết' dần vì dịch Soma

Người nuôi bò sữa TP HCM đang 'chết' dần vì dịch Soma

Thứ năm, 13/08/2015, 16:09 GMT+7

Người dân nuôi bò sữa ở TP HCM đang ôm nợ, “chết” dần bởi bệnh Soma, trong khi chẳng thấy cán bộ nào đến giúp nông dân.

Nay sống, mai chết

Ông Đào Văn Hôn là người sản xuất giỏi có tiếng ở xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP HCM. Ông nói: "Nếu không phải đối mặt với tình trạng khó khăn 'chết sữa' như bây giờ, mà phát triển như những năm 2014 trở về trước, đàn bò của tôi giờ đã là 300 con, chứ không phải gần 200 con như bây giờ".

“Chết sữa” là để chỉ sữa bò sau khi vắt bị nhiễm khuẩn, đối chiếu theo “chương trình Soma” mà đơn vị thu mua sữa trong dân là Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) đưa ra. Nếu sữa bị Soma (một dạng tế bào bạch cầu, khi có tình trạng viêm vú thì số lượng tăng lên) càng cao thì giá càng giảm.

Thường thì Vinamilk chỉ mua với giá hỗ trợ 8.500 đồng/kg sữa, còn ngược lại “sống sữa” thì người nông dân bán được giá từ 12.500 đồng/kg đến 14.000 đồng/kg tùy theo chất lượng được đánh giá từ đơn vị thu mua.

Ông Đào Văn Hôn đang cho bò ăn cỏ mà lòng cảm thấy bất an.
Ông Đào Văn Hôn đang cho bò ăn cỏ mà lòng cảm thấy bất an.

Ông Hôn dẫn tôi đảo một vòng quanh trại bò, dọc theo lối đi. Hàng chục con bò của lão nông vô tư gặm cỏ, bầu vú chúng căng tròn sữa như bà mẹ mới sinh. Ông Hôn thở dài, than: “Với kinh nghiệm từ nhỏ đã nuôi bò của tui, nhìn cái núm vú bò là biết nó có bị viêm hay không liền. Sữa vắt rồi có bị Soma hay không, nhiễm nhiều hay ít - chỉ biết phụ thuộc vào đánh giá của đơn vị thu mua. Tụi tui không dám cãi, nếu cãi là bị cắt mã số (hợp đồng) ngay”.

Rồi ông kể, đơn vị thu mua cứ 2 tuần mới lấy mẫu sữa một lần đem đi chấm (xét nghiệm). Mẫu sữa lấy đi tuần sau mới có kết quả, nếu chẳng may dính Soma thì người nuôi phải chịu giá thấp 8.500 đồng/kg sữa trong 2 tuần, dù hôm nay sữa chết, ngày mai sống lại thì cũng phải chịu như thế.

“Nếu ngày nào cũng 'chấm' thì đỡ cho tụi tui, biết sữa bị dính Soma, còn biết đường mà khắc phục. Chứ giờ không đoán được sữa của mình có bị hay không, bán được giá bao nhiêu, người nuôi cứ giao sữa cho trạm trung chuyển, rồi về phập phồng đợi được công bố giá mua. Mà mua với giá Soma thì người nuôi bò tụi tui chỉ có chết”.

Nông dân Huỳnh Thanh Sơn điêu đứng với tình trạng nay sống mai chết của sữa.
Nông dân Huỳnh Thanh Sơn điêu đứng với tình trạng nay sống mai chết của sữa.

Ông Hôn kể, nhiều con bò hôm nay không bị dính Soma, ngày mai ngủ dậy thì bị, nhưng ngày kia lại không bị, nhưng đơn vị thu mua không phải ngày nào cũng mang mẫu sữa của dân đi thử. Ông tính toán, trại bò của mình mỗi tuần vắt được 7 tấn sữa, trừ đi chi phí thức ăn, nhân công, nếu giá sữa được 14.000 đồng/kg thì mỗi tuần kiếm được 10-20 triệu đồng.

Nhưng từ đầu năm 2015 đến giờ, mỗi tuần ông mất khoảng 40 triệu đồng. Đã vậy, giờ rơi vào tình trạng “con Soma ám ảnh”. Ông bảo, chẳng thấy cán bộ nào đến giúp nông dân cả. Ông đối phó bằng cách cắt giảm đàn bò, loại ra những con bò bị bệnh, ráng chăm bò đảm bảo kỹ thuật nuôi, rồi gồng mình cố vượt qua cơn lỗ.

“Chết thì cũng đã chết rồi, giờ mà bán bò với giá rẻ thì sẽ chết thêm một lần nữa, chẳng biết làm gì để sống đây?”.

Không biết kêu ai

Người dân xã Xuân Thới Thượng nói, thà nhìn thấy được sữa nhiễm Soma, dù có chết cũng mát lòng. Đằng này, đơn vị thu mua cứ phán, rồi trừ tiền quá cao, nông dân chịu không nổi. Nhiều người nuôi bò, vắt sữa chán chường, cứ 10 trại nuôi bò họa may mới có một trại nắm bắt được kỹ thuật nuôi hạn chế “con Soma”.

Nhưng điều đau xót nhất mà nông dân khắp các xã nuôi bò sữa từ Xuân Thới Thượng, Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) cho đến xã Tân Thạnh Đông (huyện Củ Chi), nơi có số lượng người nuôi bò, vắt sữa lớn nhất TP HCM, người nông dân vẫn mơ hồ, không biết “con Soma” là con gì, mà từ đầu năm 2015 đến giờ khiến họ điêu đứng vì rớt giá sữa.

Giờ, nông dân nuôi bò, vắt sữa kháo nhau rằng, ở trong nhà thì sợ con bò dính Soma, chở sữa lỉnh kỉnh ra đường đi bán thì sợ công an phạt, tới trạm trung chuyển thu mua thì sợ cán bộ công ty. Trạm trung chuyển Quách Điêu chỉ nhận sữa đúng vào giờ cao điểm sáng - chiều, trễ 1 phút, cán bộ không nhận, nông dân phải chở về đổ bỏ.

Nỗi sợ bò ăn phải cỏ phun thuốc cũng ám ảnh người nuôi. Mới hôm trước, vợ chồng nông dân Huỳnh Thanh Sơn, ở 15/3C ấp 1, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn bị ngộ độc cả trại bò, may mà cứu được, chỉ chết 2 con bò sữa đang có bầu, thành ra, mất 5 con vì bò ăn phải cỏ phun thuốc.

Tôi đến trại bò của anh Sơn, nằm lọt thỏm trong ruộng cỏ mía. Trời nắng nóng đến nỗi mấy con bò thải phân ra còn bốc khói. Người nhễ nhại mồ hôi qua từng thao tác vắt sữa. Tôi đã nhìn thấy một dòng sữa trắng từ bầu vú bò phơi phới chảy mạnh qua đường ống máy hút, nhưng nét mặt anh Sơn vơi bớt nỗi buồn. Anh Sơn kể, từ đầu năm 2015 đến giờ, gia đình anh điêu đứng vì sữa dính Soma.

Đơn vị thu mua ép giá chỉ còn 8.500 đồng/kg. “Có tiếng là ngày nào cũng chở sữa rầm rộ đi bán nhưng nay sống, mai chết khiến lỗ càng thêm lỗ. Tui cũng muốn bán bò vì chịu hết nổi, nhưng giờ biết làm sao?”.

Anh bảo, kỹ thuật nuôi và vắt sữa cũng được học rất nhiều, nhưng vì sao sữa bị dính Soma, anh không lý giải được.

Nhưng cũng như mọi nông dân khác, đơn vị thu mua nói sao thì nghe vậy, chứ cãi lại bị cắt mã số, sữa vắt ra biết bán cho ai? Sữa của một chục con bò đang vắt sữa của anh Sơn, nếu không bán được, mang cho cả làng uống cả ngày không hết. Tôi nhẩm tính, tổng đàn bò cả TP HCM gần 146.000 con, trong đó bò sữa hơn 102.000 con, có cả hàng ngàn hộ nuôi, mà đi đâu cũng nghe lời than vãn, chẳng lẽ không đến được tai lãnh đạo cơ quan chức năng sao?

Cứu dân bằng cách nào?

Tháng 7/2011, TP HCM khởi công dự án đầu tư chăn nuôi bò, vắt sữa theo công nghệ Israel trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa cơ quan hợp tác quốc tế Bộ ngoại giao Israel (MASHAV) với Sở NN&PTNT TP HCM, với tổng kinh phí hơn 70 tỷ đồng.

Trại trình diễn và thực nghiệm chăn nuôi bò sữa công nghệ cao của dự án này đặt tại xã Phạm Văn Hai (huyện Hóc Môn), hoạt động từ đầu năm 2013, hiện có tổng đàn bò hơn 190 con, cho sản lượng sữa bình quân 22 kg mỗi con một ngày, cao hơn gần gấp rưỡi sản lượng sữa nông dân chăn nuôi. Một cán bộ có trách nhiệm của trại này cho hay, từ đầu năm đến giờ có hơn 10.000 lượt nông dân, sinh viên, doanh nghiệp đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm và thực tập.

Người nuôi bò sữa không có cơ hội với tới dây chuyền công nghệ cao.
Người nuôi bò sữa không có cơ hội với tới dây chuyền công nghệ cao.

Dây chuyền công nghệ Israel phải nói là rất hiện đại, với kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến gồm máy móc thiết bị, phần mềm bồn trộn thức ăn, hệ thống làm mát, hệ thống vắt sữa... Báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm nay, Sở NN&PTNT TP HCM đề nghị lãnh đạo thành phố nhân rộng mô hình này.

Nhưng với tiêu chuẩn công nghệ Israel, để người nông dân nuôi được 200 con bò sữa như ông Đào Văn Hôn, cần phải có hệ thống 16 vòi vắt sữa, mỗi vòi trị giá tối thiểu 10.000 USD, chưa kể giá mua bò và cần phải có đất rộng lớn để triển khai hệ thống. Trong khi người nông dân chỉ cần 50 triệu đồng tất tần tật, với diện tích đất nhỏ là có thể vắt sữa, nuôi bò, chỉ cần đầu tư khoa học, kỹ thuật cho họ.

Khi tôi hỏi, có theo kịp để đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại của Israel hòng tránh xa nỗi ám ảnh của “con Soma” hay không? Ông Đào Văn Hôn lắc đầu nguầy ngậy, bảo, chỉ một trại bò đơn sơ như vầy mà đã thế chấp mấy công đất rồi, chưa biết có tồn tại nỗi không, chưa nói đến “nhà nước có cho tui đất để làm theo công nghệ đó hay không?”.

Một cán bộ của trại thực nghiệm công nghệ cao này cũng thừa nhận, người nông dân không thể nào kham nổi.

Để “giải cứu” người nuôi bò, vắt sữa, TP HCM cũng hướng đến dự án nhà máy sữa Củ Chi (thuộc Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn) để giúp thu mua sữa trong dân, thay vì không thể ép doanh nghiệp phải mua sữa của nông dân như hiện nay. Nhưng dự án chưa tới đâu thì người nuôi bò, vắt sữa đã “chết” dần vì thua lỗ.

Đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại, nhưng người nông dân không thể với tới, đó dường như là một nghịch lý đang xa rời cuộc sống của người nông dân. Chỉ nghĩ điều đó thôi đã nghe xót xa buồn.

 

 


Người viết : Theo Laodong