Người phụ nữ trồng thành công "thần dược" nấm linh chi đỏ

Người phụ nữ trồng thành công "thần dược" nấm linh chi đỏ

Thứ sáu, 24/04/2015, 10:09 GMT+7

Khởi nghiệp từ hơn 15 năm trước với các loại nấm, chị Lê Hà Mộng Ngọc – Giám đốc Công ty cổ phần sinh học Nấm Việt (ấp Phú Bình, xã Phú Hòa Đông, Củ Chi, TP.HCM) đã liên kết với nông dân trồng nấm linh chi đỏ, hiện thực hóa giấc mơ làm giàu từ nông nghiệp bền vững.

"Thần dược” made in Vietnam

Chị Ngọc cho biết, vào những năm 2.000, xu hướng sử dụng nấm linh chi nhập khẩu từ các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc để phòng, chữa bệnh tăng mạnh. Khi đó, giá nấm linh chi nhập khẩu cao ngất, lợi nhuận mang lại cho các công ty nước ngoài do đó cũng là niềm khao khát của nhiều người làm kinh tế như chị Ngọc.

Phôi nấm linh chi do Nấm Việt sản xuất, chuẩn bị đem đi gieo cấy.
Phôi nấm linh chi do Nấm Việt sản xuất, chuẩn bị đem đi gieo cấy.
“Tui tìm hiểu thì biết Việt Nam vẫn đủ các điều kiện tự nhiên, đất đai, thổ nhưỡng để trồng nấm linh chi. Cũng đã có một số cơ sở trong nước trồng thành công loại nấm này với giá thành thấp hơn nhiều so với sản phẩm nhập khẩu”- chị Ngọc chia sẻ.

Nghĩ là làm, ban đầu, chị Ngọc tìm mua giống của trường Đại học Khoa học Tự nhiên  (Đại học Quốc gia TP.HCM) để trồng thử nghiệm, với mong muốn tạo ra được sản phẩm “thần dược” linh chi “made in Vietnam”.

“Trồng linh chi không khó nhưng người trồng phải hiểu rõ về nấm. Ví dụ như, trong quá trình phát triển, linh chi rất kỵ di chuyển nên người trồng phải ổn định phôi nấm từ khi cấy giống đến khi thu hoạch, còn thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu... thì phải tuyệt đối “cữ”- chị Ngọc nói.

Cũng theo chị Ngọc, chất lượng của linh chi phụ thuộc chủ yếu vào 3 yếu tố: giống, thời gian thu hái nấm và quá trình xử lý sau thu hoạch, đưa ra thị trường tiêu thụ. Theo đó, linh chi khi đủ tuổi trưởng thành sẽ tạo ra các bào tử nấm, là thành phần có tinh chất dược liệu rất quý, tạo nên giá trị của nấm linh chi. Tuy nhiên, nếu trong quá trình phơi, sấy nấm sau khi hái, người sản xuất không đảm bảo quy trình, chất lượng nấm sẽ giảm rất nhiều.

Trong khi đó, nói về giống, trên thị trường lúc bấy giờ có khá nhiều nguồn giống linh chi, chủ yếu được lai tạo từ các giống nhập khẩu của Hàn Quốc, Trung Quốc nhưng nguồn gốc, chất lượng giống không ổn định, khó kiểm soát.

Với quyết tâm tạo ra chuỗi sản phẩm từ đầu vào đến đầu ra đảm bảo chất lượng sạch, có kiểm soát, chị Ngọc quyết tâm đầu tư tự sản xuất phôi giống nấm linh chi. Với sự giúp đỡ, hỗ trợ của Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM (Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM), chị Ngọc đầu tư nhà ươm tạo phôi giống.

“Khi có phôi giống tốt, năng suất, chất lượng sản phẩm linh chi của nhà vườn chắc chắn sẽ đảm bảo, kế hoạch xuất khẩu ngược nấm linh thay vì phải nhập khẩu như trước nay của Nấm Việt sẽ được thực hiện. Do đó, khi đầu tư được cơ sở ươm phôi giống, tui thấy phấn chấn hẳn”, chị Ngọc cười.

Cây nấm làm giàu

Chị Ngọc kiểm tra, chăm sóc trại nấm linh chi tại xã Phú Hòa Đông (Củ Chi, Tp.HCM).
Chị Ngọc kiểm tra, chăm sóc trại nấm linh chi tại xã Phú Hòa Đông (Củ Chi, Tp.HCM).

Cùng với việc đầu tư trồng nấm linh chi trong trang trại tại ấp Phú Bình (xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, TP.HCM), chị Ngọc còn thành lập HTX sản xuất, thương mại nông sản Nấm Việt, liên kết với hơn 100 nông dân trên khắp cả nước cùng sản xuất linh chi. Chị Ngọc chịu trách nhiệm cung cấp phôi giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng và thu mua sản phẩm cho bà con.

Theo đó, phôi giống Nấm Việt cung cấp với giá 12.000 đồng/hộp, mỗi hộp cấy được cho 50 bịch. Chị Ngọc cho biết, để đảm bảo chất lượng nấm linh chi thành phần, nhà trồng phải đảm bảo các điều kiện như nhiệt độ từ 22 – 30 độ C, ẩm độ từ 70 – 90%, ngoài ra, phải tuyệt đối giữ vệ sinh nhà trồng nhằm ngăn các vi khuẩn, nấm mốc, bệnh dịch tấn công nấm.

Thời gian sinh trưởng của nấm linh chi kéo dài khoảng từ 4 tháng kể từ ngày cấy phôi. Mỗi bịch nấm cho thu hoạch từ 15 – 25gram sản phẩm nấm khô. Giá bán bình quân các loại nấm linh chi khô tại trang trại hiện ở mức 500.000 – 600.000 đồng/kg. Riêng tai nấm loại 1 có thể được bán với giá từ 1 – 1,2 triệu đồng/kg.

“Một nông dân mới học trồng nấm, đầu tư 2 nhà trồng quy mô 10.000 phôi/nhà trồng cần mức đầu tư khoảng trên dưới 80 triệu đồng, có thể thu lãi từ 2,5 – 3,5 triệu đồng/tháng, là mức thu nhập khá tốt so với việc trồng lúa, trồng rau hiện tại”- chị Ngọc phân tích.

Hiện tại, Nấm Việt không chỉ hợp tác với nông dân các tỉnh phía Nam mà còn mở rộng liên kết sản xuất với nông dân các tỉnh phía Bắc như Vĩnh Phúc, Cao Bằng... Tại các tỉnh như Tiền Giang, Đồng Nai, Lâm Đồng, Đồng Tháp... Nấm Việt đều có cơ sở sản xuất phôi giống chất lượng để cung cấp cho nông dân.

Để ổn định đầu ra cho sản phẩm linh chi của Nấm Việt, chị Ngọc lặn lội tham dự hầu hết các hội chợ, triển lãm nông nghiệp trong nước, vươn ra cả các nước lân cận như Lào, Campuchia, Thái Lan...

Năm 2012, lần đầu tiên Nấm Việt xuất khẩu lô linh chi sang Lào, thị trường Thái Lan, Campuchia cũng được mở ra cho Nấm Việt thời gian sau đó. Trong nước, sản phẩm nấm linh chi của Nấm Việt cũng có mặt hầu hết tại các hệ thống bán lẻ, các kênh siêu thị như Co.opMart, BigC, Lotte Mart... Đến nay, mỗi tháng HTX Sản xuất, thương mại nông sản Nấm Việt sản xuất được hơn 5 tấn linh chi, góp phần ổn định thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống cho hơn 100 xã viên.

Với tham vọng mở rộng thị trường tiêu thụ, đa dạng hóa sản phẩm, chị Ngọc đang tập trung đầu tư nhà sơ chế, chế biến nấm sau thu hoạch.

“Chúng tôi đang chờ đơn hàng từ các nước, chỉ khoảng trong quý 1.2015 này, nhà chế biến nấm sau thu hoạch sẽ được xây dựng, nâng cao giá trị gia tăng cho nấm Việt, đồng thời, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của những thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc” - chị Ngọc hào hứng chia sẻ.

Không thua hàng ngoại

PGS.TS Mai Thành Phụng – Trưởng bộ phận thường trực phía Nam, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cho biết, với những thuận lợi như nguồn phụ phẩm nông nghiệp dồi dào, khí hậu phù hợp cho sự phát triển của nấm, chất lượng linh chi Việt Nam được đánh giá tương đương với sản phẩm của các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc... Nghề trồng nấm do đó được ngành nông nghiệp chú trọng phát triển mạnh trong vài năm qua.

 

 


Người viết : Theo Danviet