Nguy cơ xóa sổ vùng bưởi Bến Tre

Nguy cơ xóa sổ vùng bưởi Bến Tre

Thứ năm, 07/04/2016, 09:24 GMT+7

Mất trắng nguồn thu

Ông Nguyễn Văn Sốt, ấp Tân Long, xã Tân Thành Bình (Mỏ Cày Bắc, Bến Tre) canh tác 8.000 m2 bưởi da xanh, nói: Vấn nạn xâm nhập mặn sâu như hiện nay thì chỉ có ông trời mới cứu nổi nhà vườn trồng bưởi da xanh.

07-40-15_02-gii-php-hi-bo-tri-non-de-giu-cy
Nhà vườn phải hái trái non bỏ đi để dưỡng cây

Hiện tại, xâm nhập mặn uy hiếp 8.000 m2 vườn bưởi da xanh đang cho trái của gia đình. Để cứu vườn bưởi tôi phải cắt bỏ 70% trái non và đầu tư 10 triệu đồng khoan 7 giếng nước tầng nông lấy nước ngọt tưới. Tuy nhiên, lượng nước tầng nông không nhiều và cũng đã bị nhiễm mặn nên gia đình đang rối cách tính giải hạn và mặn cho vườn cây ăn trái.

Ông Sốt cho biết thêm: Giải pháp cắt bỏ trái non cũng đã được 36 thành viên trong Tổ hợp tác sản xuất 20 ha bưởi da xanh ở Tân Thành Bình ứng dụng. Đối với phương án khoan giếng tìm nước ngọt tầng nông thì không phải hộ nào khoan cũng có nước. Ông Chín Chọt, ông Hồng Chí, ông Nguyễn Mút giáp ranh nhà tôi khoan từ 2 – 4 giếng nhưng không bơm được nước ngọt để sử dụng.

Ông Nguyễn Mút nói thêm: Thấy ông Sốt khoan giếng lấy được nước ngọt tưới vườn bưởi tôi cũng kêu người về khoan 2 cây nước tốn hết 3 triệu đồng mà không lấy được nước để cứu vườn bưởi da xanh 2.000 m2.

Theo nhà vườn, cây có múi rất mẫn cảm với nắng hạn và xâm nhập mặn. Nước mặn trên 3%o tưới vào là cây vàng lá và rụng trơ nhánh. Còn trong điều kiện nóng mà không có nước tưới suốt mùa khô đến khi mưa xuống cây sẽ rụng lá và ra hoa như cây mai thì cũng chẳng hiệu quả. Để có trái bưởi thu hoạch nhà vườn phải mất 3 năm trồng cây, tưới nước, bón phân.

07-40-15_03-buoi-vng-l-do-tuoi-nuoc-mn
Bưởi vàng lá do tưới nước nhiễm mặn

Xâm nhập mặn sẽ khiến bưởi mất trắng nguồn thu 3 năm tới, bà con trồng lại chưa chắc có trái để thu hoạch. Hiện tại, bưởi da xanh loại 1 có giá trên 50.000 đồng/kg mà nhà vườn không có bán. Nếu như cùng thời gian này năm trước, 8.000 m2 bưởi da xanh trưởng thành thì thu hoạch khoảng 40 – 50 triệu đồng/tháng, còn năm nay khả năng cao mất trắng nguồn thu. Từ nay đến tết chưa chắc có trái để bán.

Hái bỏ trái non để giữ cây

Ông Đồng Văn Bé Ba, ấp Đồng Lợi, xã Thành An (Mỏ Cày Bắc) canh tác 2.000 m2 bưởi da xanh 10 năm tuổi cho biết: Nếu như vụ nghịch năm 2015 thu hoạch bán được trên 50 triệu đồng thì năm nay trắng tay.

Từ sau tết đến nay vườn bưởi da xanh không có nguồn nước ngọt tưới, cây thiếu nước lá quăn lại rồi chuyển sang màu vàng và rụng. Nhận thấy sự uy hiếp của xâm nhập mặn, học một số nhà vườn khác, tôi cũng cắt sạch trái non để cứu cây. Giữ được cây chờ mưa xuống phục hồi thì còn cơ may thu được trái bán.

Đặc biệt nghiêm trọng xâm nhập mặn đang uy hiếp khoảng 6.000 ha bưởi da xanh ở Bến Tre và sản lượng đã giảm tới hơn 70%. Ngành nông nghiệp cũng đã khuyến cáo đến nhà vườn cần hạn chế tối đa việc tưới nước nhiễm mặn > 2%o cho cây trồng. Riêng bưởi và chanh có khả năng chống chịu được trong điều kiện độ mặn từ 2 - 3‰.

Tuy nhiên, đến thời điểm này đã có nhiều vườn bưởi xa xanh trên địa bàn tỉnh Bến Tre bị ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng, vàng và rụng lá do bị thiếu nước tưới và mẫn cảm với mặn. Nhà vườn trồng bưởi da xanh ở xã Mỹ Thạnh An (TP Bến Tre) đang ráo riết thuê dịch vụ khoan giếng đến tận vườn khoan tìm nước ngọt tấn nông để cứu bưởi vì độ mặn 9 – 10%o đang thường trực trong ao vườn cây ăn trái của bà con.

Ông Đàm Văn Hưng, Chủ vựa trái cây Hương Miền Tây, ấp Phước Trung, xã Phước Mỹ Trung, huyện Mỏ Cày Mắc, cho biết: Xâm nhập mặn nói nghe đơn giản nhưng viễn cảnh đang xảy ra rất đáng sợ. Nước mặn đã cắt mất 60 – 70% nguồn thu nhập của người trồng bưởi, lao động mất việc, doanh nghiệp thất thu.

07-40-15_04-do-do-mn
Nhà vườn đo độ mặn

Nếu như cùng kỳ năm trước, cơ sở thu mua mỗi ngày khoảng 40 tấn trái chín thì nay chỉ thu khoảng 12 tấn trái/ngày. Công nhân các khâu cũng đã giảm tổng cộng 50 người, giảm ½ đầu xe vận chuyển trái cây ra Bắc. Với tình hình nước mặn xâm nhập càng lúc càng sâu và nếu không có giải phái giữ ngọt cho những năm tiếp thì nguy cơ xóa sổ vùng bưởi da xanh đặc sản của Bến Tre là khó tránh khỏi.

Còn ở Tiền Giang nước mặn đã về đến cù lao Ngũ Hiệp và xã Tam Bình huyện Cai Lậy. Đây là hai địa phương trồng chuyên canh giống sầu riêng cơm vàng hạt lép lớn nhất tỉnh với gần 3.000 ha.

Ông Đương Văn Đây, ấp Long Quới, xã Ngũ Hiệp (Cai Lậy) nói: Cây sầu riêng rất mẫn cảm với nước mặn, hiện tại bà con phải thay phiên nhau canh đo độ mặn và đóng toàn bộ hệ thống cống thủy lợi. Hầu hết bà con ở vùng trồng sầu riêng chuyên canh 1.500 ha đã trang bị máy đo độ mặn.

Ông Đỗ Quốc Khánh, Chủ tịch UBND xã Ngũ Hiệp, nói: Để tiếp tục ứng phó kịp thời với hạn, xâm nhập mặn kéo dài thì địa phương đề xuất tỉnh tăng cường đầu tư hoàn thiện hệ thống ngăn triều cường và nước mặn. Tăng cường năng lực cho hệ thống cảnh báo và dự báo thời tiết. Các viện, trường sớm xác định bộ giống cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu để giúp người dân phát triển sản xuất. Xây dựng nhiều mô hình trồng cây thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu đang xảy ra ở ĐBSCL.

 


Người viết : Nông Nghiệp Việt Nam